Cụ thể, Trung Quốc sẽ thiết lập một cơ chế để thêm các công ty, tổ chức và cá nhân nước ngoài không tuân thủ theo luật thị trường, vi phạm hợp đồng và ngăn chặn, cắt đứt nguồn cung vì lý do phi thương mại hoặc gây thiệt hại trầm trọng tới lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết. Thông tin chi tiết về danh sách chưa được tung ra và sẽ sớm được công bố.
Chính quyền Mỹ đã thêm Huawei vào danh sách đen, tức cấm các công ty Mỹ bán linh kiện và phần mềm từ Mỹ cho Huawei và cũng cấm Huawei bán thiết bị cho các công ty Mỹ. Điều này có khả năng khiến một trong những công ty toàn cầu thành công nhất của Trung Quốc “gục ngã”. Động thái này đã mở rộng phạm vi xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc trong lúc các cuộc đàm phán giữa hai bên bị chững lại.
Lời lẽ không mấy rõ rãng trên mở ra cánh cửa để Bắc Kinh nhắm tới những ông lớn trong ngành công nghệ toàn cầu – từ những gã khổng lồ của Mỹ như Google của Alphabet, Qualcomm và Intel cho tới những nhà cung ứng bên ngoài nước Mỹ, vốn đã cắt đứt quan hệ với Huawei. Danh sách này còn có thể thêm nhiều ông lớn khác, từ Toshiba của Nhật Bản cho tới nhà thiết kế chip điện tử Arm của Anh.
“Chắc chắn là những công ty đã thông báo cắt đứt nguồn cung ứng cho Huawei, như Panasonic và Toshiba, sẽ lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc”, Michelle Lam, Chuyên gia kinh tế Trung Quốc đại lục tại Societe Generale SA ở Hồng Kông, nhận định. “Nó có thể gây nhiều thiệt hại cho các công ty đa quốc gia”.
Xung đột thuế quan dự kiến leo thang vào cuối tuần này, khi Mỹ nâng thuế cao hơn đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và Bắc Kinh cũng đáp trả lại. Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đã chững lại trước đó trong tháng này sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc “lật kèo”, rút lại những cam kết đã nhất trí trước đó với Mỹ.
Lời đe dọa thêm hàng loạt công ty vào danh sách đen của Trung Quốc “sẽ gây áp lực lên Wasshington trong lúc Mỹ mở rộng lệnh cấm đối với nhiều công ty Trung Quốc hơn”, James Yan, Chuyên viên phân tích từ Counterpoint Research, nhận định. “Trung Quốc có thể chọn một vài ‘ví dụ xấu’ để trừng phạt, nhưng ít khả năng sẽ tấn công tất cả những công ty đang trong chuỗi cung ứng với Trung Quốc”.
Truyền thông Nhà nước Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp đáp trả tiềm năng trong những ngày gần đây. Bloomberg News đưa tin trong ngày thứ Sáu (31/05) rằng Bắc Kinh đã chuẩn bị một kế hoạch để hạn chế xuất khẩu đất hiếm tới Mỹ nếu cần thiết. Các biện pháp này nhiều khả năng sẽ tập trung vào đất hiếm – một yếu tố mà Mỹ đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Theo Vietstock