logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 03/06/2024

Tin tài chính Tuần 23: Thị trường chờ đợi báo cáo việc làm NFP của Mỹ

Hãy cùng Investo.info cập nhật nhanh bản tin thị trường chứng khoán quốc tế Tuần 23 (03/06 – 07/06). Đâu là những sự kiện đáng chú ý?

Bản tin tài chính

Báo cáo Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) quan trọng của Mỹ được công bố vào thứ Sáu sẽ là điểm nổi bật của lịch trình kinh tế trong tuần tới, khi thị trường đang cố gắng xác định lộ trình tương lai của lãi suất tại Mỹ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo có thể đi trước Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong việc thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất. Quyết định gia hạn biện pháp cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) cùng với quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) cũng sẽ là những điều mà giới đầu tư cần chú ý trong tuần này.

1. Số liệu việc làm tại Mỹ

Báo cáo việc làm NFP công bố vào thứ Sáu dự kiến sẽ cho thấy, thị trường lao động Mỹ vẫn vững vàng trong tháng 5. Các nhà kinh tế dự báo, nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 185.000 việc làm – tăng nhẹ so với tháng trước đó.

Các nhà đầu tư đã lo lắng rằng, nền kinh tế quá nóng có thể ngăn cản FED hạ lãi suất trong năm nay, hoặc thậm chí tăng lãi suất hơn nữa. Những lo ngại này đã phần nào được xoa dịu trong tháng trước (dù chỉ là tạm thời), khi các dữ liệu cho thấy, lạm phát tăng chậm lại và thị trường lao động hạ nhiệt.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn kêu gọi cần có sự kiên nhẫn trong việc cắt giảm lãi suất. Theo các quan chức, cần xem xét các dữ liệu trong vài tháng trước khi có thể chắc chắn rằng, lạm phát đang quay trở lại mức mục tiêu 2% của FED. Báo cáo việc làm có thể chứng minh nền kinh tế đang mất đà, nếu tốc độ tạo việc làm tiếp tục chậm lại.  

2. Quyết định lãi suất của ECB

ECB gần như chắc chắn sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất vào ngày thứ Năm tới. Trong khi các quan chức ECB đã nhiều lần đề cập đến mức cắt giảm 0,25 điểm %, giới đầu tư sẽ tập trung theo dõi những tuyên bố được Chủ tịch ECB Christine Lagarde đưa ra về lộ trình lãi suất trong thời gian tới.

Lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ - động lực chính vào thời điểm hiện tại của nền kinh tế Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn đang ổn định, và nền kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến. Mức tăng trưởng tiền lương vốn được theo dõi sát sao, đã tăng tốc trong quý trước, khiến triển vọng tháng 6 trở nên kém chắc chắn hơn.

Các thị trường vẫn kỳ vọng, trong năm nay, ECB sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần hơn so với FED và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), mặc dù kỳ vọng vào các động thái cắt giảm trong thời gian tới đã phần nào bị lu mờ.

Thị trường hiện kỳ vọng ECB sẽ tiến hành hai lần cắt giảm lãi suất, trong khi khả năng xảy ra đợt cắt giảm thứ ba chỉ là dưới 50%. Trước đó, hồi đầu năm, thị trường từng kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất năm lần. Kỳ vọng này sau đó đã được điều chỉnh giảm xuống còn ba lần sau cuộc họp chính sách hồi tháng 4.   

3. OPEC+ gia hạn biện pháp cắt giảm sản lượng

OPEC+ đã thống nhất gia hạn các mức cắt giảm sản lượng tới cuối năm 2025 nhằm hỗ trợ giá mặt hàng này. Thông báo đưa ra sau cuộc họp chính sách định kỳ 6 tháng của OPEC+ nêu rõ nhóm gồm 22 thành viên (12 nước OPEC và 10 nước đối tác) đã quyết định gia hạn các mức cắt giảm, bắt đầu từ ngày 1/1/2025 - 31/12/2025.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh giá dầu giao dịch ở mức gần 80 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với mức mà nhiều thành viên OPEC+ cần để cân bằng ngân sách. Lo ngại về tăng trưởng nhu cầu chậm ở nước nhập khẩu dầu hàng đầu là Trung Quốc đã đè nặng lên giá cả, khiến các nhà phân tích thị trường dầu dự báo, OPEC+ sẽ gia hạn các biện pháp cắt giảm để cân bằng nguồn cung.

Trước đó, OPEC+ đã thực hiện một loạt các đợt cắt giảm sản lượng mạnh tay kể từ cuối năm 2022. OPEC+ hiện đang cắt giảm sản lượng tổng cộng 5,86 triệu thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu dầu toàn cầu.

4. Biến động tại thị trường chứng khoán Mỹ

Mặc dù cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều giảm điểm trong tuần trước, nhưng vẫn khép lại tháng 5 trong sắc xanh. Tính chung trong cả tháng, chỉ số S&P 500 tăng khoảng 4,8%, chỉ số Nasdaq tăng 6,9% và chỉ số Dow Jones tăng 2,4%.

Mặc dù đây là một năm đặc biệt đối với các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ, nhưng một góc nhạy cảm về mặt kinh tế của thị trường vẫn là một vấn đề gây nhức nhối cho nhiều nhà đầu tư.

Chỉ số Trung bình vận tải Dow Jones đã giảm khoảng 5% từ đầu năm đến nay, và một số nhà đầu tư cho biết, việc chỉ số vận tải - bao gồm 20 cổ phiếu của các nhà khai thác đường sắt, hãng hàng không, công ty vận tải trọn gói và hãng vận tải đường bộ - đối mặt với nhiều sức ép, có thể báo hiệu sự yếu kém trong nền kinh tế, hoặc ngăn cản đà tăng của toàn thị trường chứng khoán Mỹ, ít nhất là cho đến khi chỉ số này phục hồi.

Chuck Carlson – giám đốc điều hành Horizon Investment Services chia sẻ với Reuters rằng, chỉ số vận tải Dow Jones là phong vũ biểu cho hoạt động kinh tế trong tương lai. “Chỉ số này có thể cho thấy, mặc dù suy thoái chưa xảy ra, nhưng nền kinh tế có thể chậm lại trong thời gian tới.”   

5. Quyết định lãi suất của BOC

Nhiều người dự đoán BOC sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % tại cuộc họp chính sách sắp tới vào thứ Tư, sau khi các dữ liệu công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy, nền kinh tế nước này mở rộng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong quý I.

Báo cáo Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ ra rằng, trái với kỳ vọng ban đầu, nền kinh tế Canada đã không phục hồi mạnh mẽ sau đợt suy thoái hồi năm ngoái, và điều này có thể thuyết phục BOC bắt đầu cắt giảm chi phí đi vay.

Trong một ghi chú công bố hôm thứ Sáu tuần trước, RBC cho biết, “Dường như tất cả các yếu tố đều trở nên thuận lợi để BOC có thể bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ, bằng việc cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % xuống 4,75% vào thứ Tư tới.”

Trước đó, tại cuộc họp của BOC hồi tháng 4, Thống đốc Tiff Macklem đã lưu ý rằng, các điều kiện cho việc cắt giảm lãi suất dường như đã có đủ, nhưng các quan chức cần xem xét thêm các bằng chứng cho thấy lạm phát đang tăng chậm lại.

Chứng khoán

Các chỉ số sau phiên 31/05

Chỉ số quan trọng

Điểm

Thay đổi so với phiên trước

Thay đổi trong 5 ngày

Thay đổi trong 1 tháng

S&P 500 (Mỹ)

5.277,51

+0,80%

-0,51%

+4,8%

NASDAQ (Mỹ)

16.735,02

-0,01%

-1,10%

+6,9%

DOW JONES (Mỹ)

38.686,32

+1,51%

-0,98%

+2,4%

DAX (Đức)

18.497,94

+0,01%

-1,05%

+2,76%

NIKKEI 225 (Nhật Bản)

38.487,90

+1,14%

-0,41%

+0,66%

SHANGHAI COMPOSITE (Trung Quốc)

3.086,81

-0,16%

-0,07%

-0,58%

HANG SENG (Hong Kong)

18.079,61

-0,83%

-2,84%

-2,15%

 

5 cổ phiếu thay đổi nhiều sau phiên 31/05

Cổ phiếu

Thay đổi

Giá hiện tại

Kohl’s Corporation (KSS)

+6,52%

22,39 USD

Moderna, Inc. (MRNA)

-5,90%

142,55 USD

HP Inc. (HPQ)

-4,85%

36,50 USD

Target Corporation (TGT)

+4,20%

156,16 USD

Best Buy Co., Inc. (BBY)

+4,01%

84,82 USD

 

Nhận định về giá kim loại – tiền tệ cho ngày 03/06

Vàng: Giá vàng đang có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Nếu vàng duy trì được ở trên mức 2.325,30 nhà đầu tư có thể “long” với kỳ vọng chốt lời quanh các mức 2.326,55 và 2.327,47. Ngược lại, nếu vàng giảm xuống dưới mức 2.325,30 nhà đầu tư nên “short” với kỳ vọng chốt lời quanh các mức 2.324,38 và 2.323,13.

Vùng hỗ trợ S1: 2.324,38

Vùng kháng cự R1: 2.326,55

Tin tài chính Tuần 23: Thị trường chờ đợi báo cáo việc làm NFP của Mỹ

Cặp GBP/USD: Cặp GBP/USD đang tăng nhẹ nhưng được dự báo có xu hướng giảm trong ngắn hạn. Nếu tỷ giá duy trì được ở trên mức 1,27454 nhà đầu tư có thể “long” và chốt lời quanh các mức 1,27488 và 1,27506. Ngược lại, nếu tỷ giá giảm xuống dưới mức 1,27454 nhà đầu tư nên “short” với kỳ vọng chốt lời quanh các mức 1,27436 và 1,27402.

Vùng hỗ trợ S1: 1,27436

Vùng cản R1: 1,27488

Tin tài chính Tuần 23: Thị trường chờ đợi báo cáo việc làm NFP của Mỹ

Cặp EUR/USD: Cặp EUR/USD đang tăng nhẹ nhưng chưa được dự báo có xu hướng giảm trong ngắn hạn. Nếu tỷ giá duy trì được ở trên mức 1,08530, nhà đầu tư có thể “long” và chốt lời quanh các mức 1,08551 và 1,08563. Nếu tỷ giá giảm xuống dưới mức 1,08530 nhà đầu tư nên “short” với kỳ vọng chốt lời quanh các mức 1,08518 và 1,08497.

Vùng hỗ trợ S1: 1,08518

Vùng cản R1: 1,08551

Tin tài chính Tuần 23: Thị trường chờ đợi báo cáo việc làm NFP của Mỹ

Cặp USD/JPY: Cặp USD/JPY đang giảm nhưng được dự báo có xu hướng tăng trong ngắn hạn. Nếu tỷ giá duy trì ở trên mức 157,227, nhà đầu tư nên “long” với kỳ vọng chốt lời quanh các mức 157,297 và 157,377. Ngược lại nếu tỷ giá giảm xuống dưới mức 157,227, nhà đầu tư có thể “short” và chốt lời ở quanh các mức 157,147 và 157,077.

Vùng hỗ trợ S1: 157,147

Vùng cản R1: 157,297

Tin tài chính Tuần 23: Thị trường chờ đợi báo cáo việc làm NFP của Mỹ

Cặp USD/CAD: Cặp USD/CAD đang có xu hướng giảm trong ngắn hạn. Nếu tỷ giá duy trì được ở trên mức 1,36160 nhà đầu tư có thể “long” và chốt lời quanh các mức 1,36186 và 1,36240. Nếu tỷ giá giảm xuống dưới mức 1,36160, nhà đầu tư nên “short” với kỳ vọng chốt lời quanh các mức 1,36106 và 1,36080.

Vùng hỗ trợ S1: 1,36106

Vùng cản R1: 1,36186

Tin tài chính Tuần 23: Thị trường chờ đợi báo cáo việc làm NFP của Mỹ

Thuật ngữ

Long: Lệnh mua

Short: Lệnh bán

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

banner-5-1.jpg