EUR/USD nới rộng đà tăng lên mức cao mới hàng tuần, khi giới đầu tư đang chờ đợi các dữ liệu lạm phát quan trọng tại Mỹ và Eurozone.
- EUR/USD tiếp tục tăng lên mức 1,0880 khi đô la Mỹ nối dài đà giảm.
- Đồng đô la Mỹ suy yếu ngay cả khi giới đầu tư nhận thấy FED sẽ chỉ quay về bình thường hóa chính sách tiền tệ trong quý cuối năm.
- Giới chức ECB chưa đưa ra cam kết cắt giảm lãi suất hơn nữa sau tháng 6.
EUR/USD đạt mức cao mới hàng tuần ở ngưỡng 1,0880 trong phiên giao dịch ngày thứ Ba tại châu Âu. Cặp tiền tệ mạnh lên trong bối cảnh đồng đô la Mỹ (USD) suy yếu và triển vọng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sau cuộc họp tháng 6 còn nhiều yếu tố không chắc chắn.
Chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với sáu loại tiền tệ chủ chốt khác, đã nới rộng đà giảm xuống mức 104,40. Đồng đô la Mỹ đang phải đối mặt với sức ép lớn dù kỳ vọng của nhà đầu tư về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ cuộc họp chính sách vào tháng 9 tới đã lu mờ đáng kể. Công cụ FEDWatch của CME Group cho thấy, khả năng FED duy trì khuôn khổ chính sách hiện tại trong tháng 9 đã tăng mạnh từ mức 35% hồi tuần trước lên khoảng 50%.
Triển vọng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ và những bình luận mang tính diều hâu về lãi suất của một số nhà hoạch định chính sách đã buộc các nhà giao dịch phải giảm bớt kỳ vọng vào việc FED cắt giảm lãi suất. Tuần này, những kỳ vọng của thị trường về việc FED giảm lãi suất sẽ chịu tác động từ dữ liệu Chỉ số Giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cốt lõi trong tháng 4. Dữ liệu dự kiến sẽ được công bố vào thứ Sáu tới. Dữ liệu lạm phát PCE cốt lõi – thước đo lạm phát ưa thích của FED, được dự báo vẫn ổn định cả trên cơ sở hàng tháng và hàng năm.
Động lực thị trường hàng ngày: EUR/USD tận dụng sự suy yếu của đô la Mỹ
- EUR/USD duy trì đà tăng sang phiên thứ ba liên tiếp trong ngày thứ Ba. Cặp tiền tệ đã tăng vọt lên mức 1,0880, khi ngày càng có nhiều cuộc tranh luận về lộ trình cắt giảm lãi suất của ECB. ECB đã sẵn sàng thực hiện việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào ngày 6/6, và đây không còn là điều gì quá bất ngờ. Do vậy, các nhà đầu tư đang chuyển sự chú ý sang các cuộc thảo luận về việc ECB sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ đến mức nào, và tốc độ ra sao sau cuộc họp tháng 6.
- Các nhà hoạch định chính sách của ECB từ chối đưa ra cam kết về một lộ trình cắt giảm lãi suất được định trước, và muốn tiếp tục đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu. Trong khi đó, kỳ vọng của thị trường về mức cắt giảm lãi suất trong cả năm của ECB cũng bị ảnh hưởng do một số nhà hoạch định chính sách đã cảnh báo rằng, việc nới lỏng chính sách tiền tệ quá mạnh mẽ có thể khiến áp lực giá cả nóng trở lại. Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng rằng, ECB sẽ hạ lãi suất chủ chốt thêm một lần nữa sau tháng 6. Hồi tuần trước, các nhà đầu tư từng mong đợi sẽ có ba lần cắt giảm lãi suất trong năm 2024, bằng một nửa so với dự báo sáu lần cắt giảm hồi đầu năm.
- Hôm thứ Hai, nhà hoạch định chính sách ECB kiêm Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Boersen Zeitung rằng, việc cắt giảm lãi suất vào tháng 6 là điều chắc chắn, và các cuộc thảo luận đang xoay quanh việc lãi suất sẽ giảm bao nhiêu và nhanh như thế nào. Ông Villeroy bác bỏ đề xuất cắt giảm lãi suất theo từng quý và cho biết, “Tôi không nói rằng chúng ta nên cam kết cắt giảm ngay trong tháng 7, nhưng chúng ta hãy đảm bảo sự linh hoạt về cả thời gian và tốc độ.”
- Cùng ngày, nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cho biết trong một bài phát biểu tại Dublin rằng, tốc độ giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào sức mạnh của nhu cầu lạm phát cơ bản. Việc không có những bất ngờ lớn về lạm phát và nhu cầu, sẽ cho phép ECB tiến hành cắt giảm lãi suất mạnh tay, trong khi rủi ro lạm phát và nhu cầu tăng cao, sẽ buộc ECB phải giảm lãi suất từ từ.
- Tuần này, yếu tố chính tác động đến diễn biến giá của đồng euro sẽ là dữ liệu lạm phát sơ bộ của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 5, dự kiến công bố vào thứ Sáu. Dữ liệu lạm phát sẽ cung cấp manh mối mới về việc liệu ECB có tiếp tục cắt giảm lãi suất trong tháng 7 hay không. Nhưng trước đó, các nhà đầu tư sẽ tập trung sự chú ý vào số liệu lạm phát sơ bộ tháng 5 của Đức, dự kiến công bố vào thứ Tư. Lạm phát toàn phần hàng tháng và lạm phát hài hòa dự kiến sẽ tăng chậm lại ở mức 0,2%. Lạm phát toàn phần hàng năm được dự báo tăng 2,7%, cao hơn mức 2,4% trong tháng 4.
Phân tích kỹ thuật: EUR/USD đạt mức cao mới hàng tuần ở ngưỡng 1,0880
EUR/USD tăng lên mức 1,0880 trước thềm công bố các dữ liệu lạm phát quan trọng của Mỹ và Eurozone. Cặp tiền tệ tiếp tục cho thấy sức mạnh, duy trì đà tăng sau khi đột phá lên trên mô hình Tam giác đối xứng được hình thành trên khung thời gian hàng ngày.
Triển vọng ngắn hạn của EUR/USD nhìn chung vẫn vững chắc, khi cặp tiền tệ này vẫn giao dịch ở bên trên các Đường trung bình động hàm mũ (EMA) ngắn hạn và dài hạn.
Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI) 14 kỳ đã trượt vào phạm vi 40,00 – 60,00, cho thấy động lượng vốn nghiêng về phía tăng giá, nay đang dần mờ nhạt.
Cặp tiền tệ có khả năng quay trở lại mức đỉnh hai tháng ở quanh ngưỡng 1,0900. Một sự đột phá hoàn toàn lên trên mức này sẽ đưa cặp tỷ giá lên mức đỉnh hôm 21/3 ở quanh ngưỡng 1,0950 và mức kháng cự tâm lý 1,1000. Tuy nhiên, một sự sụt giảm xuống bên dưới đường EMA 200 ngày ở mức 1,0800 có thể khiến cặp tiền giảm xuống sâu hơn.
Thanh Hiệp-Theo fxstreet
Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại
Investo.