Yên Nhật tăng nhẹ sau khi dữ liệu CPI Tokyo được công bố. Thị trường hiện đang thận trọng chờ đợi các cuộc họp của BOJ và FED.
- Đồng yên Nhật vẫn duy trì được mức tăng nhẹ sau khi dữ liệu CPI của Tokyo được công bố vào thứ Sáu.
- Khả năng đồng JPY suy giảm có thể được hạn chế, do các nhà đầu tư hạn chế giao dịch trước cuộc họp của BOJ.
- Đà giảm của đồng USD có thể được hạn chế do các dữ liệu kinh tế gần đây của Mỹ đã làm giảm kỳ vọng FED hạ lãi suất trong tháng 9.
Đồng Yên Nhật (JPY) củng cố vị thế sau khi Cục Thống kê Nhật Bản công bố dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Tokyo vào thứ Sáu. Đồng JPY nhận được hỗ trợ khi các nhà giao dịch có khả năng tạm dừng các giao dịch mua bán trước cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), kết thúc vào thứ Tư tuần tới. Trong cuộc họp, giới chức BOJ sẽ thảo luận về khả năng tăng lãi suất và phác thảo chi tiết về việc giảm dần quy mô chương trình mua trái phiếu.
Theo Reuters, nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, Masato Kanda, đã thông báo với các nước G20 hôm thứ Sáu rằng biến động ngoại hối (FX) tác động tiêu cực đến nền kinh tế Nhật Bản. Ông lưu ý khả năng hạ cánh mềm ngày càng tăng và nhấn mạnh sự cần thiết phải giám sát chặt chẽ nền kinh tế và thực hiện các biện pháp cần thiết.
Đồng Đô la Mỹ có thể nhận được hỗ trợ do dữ liệu kinh tế mạnh mẽ hơn của Mỹ đã làm giảm một số kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất trong tháng 9. Vào thứ Sáu, thị trường sẽ dồn sự chú ý vào việc công bố Chỉ số Giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng 6.
Các số liệu công bố hôm thứ Năm cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý II tăng mạnh hơn dự kiến. Trước đó, hôm thứ Tư, dữ liệu Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của Mỹ cũng cho thấy hoạt động kinh doanh của khu vực tư nhân mở rộng nhanh hơn trong tháng 7, nêu bật khả năng phục hồi của đà tăng trưởng kinh tế Mỹ bất chấp lãi suất tăng cao.
Động lực thị trường hàng ngày:
- Chỉ số CPI toàn phần của Tokyo trong tháng 7 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức tăng 2,3% của tháng 6. Chỉ số CPI không bao gồm Thực phẩm tươi sống và Năng lượng của Tokyo tăng 1,5%, thấp hơn mức tăng 1,8% của tháng 6. Ngoài ra, chỉ số CPI không bao gồm Thực phẩm tươi sống cũng tăng 2,2% trong tháng 7, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
- Bank of America chỉ ra rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Mỹ cho phép Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) “có đủ khả năng chờ đợi” trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào. Ngân hàng này tuyên bố rằng nền kinh tế "vẫn đang trên đà vững chắc" và tiếp tục kỳ vọng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 12.
- Theo Công cụ FedWatch của CME Group, các thị trường hiện đánh giá có 88,6% khả năng FED cắt giảm lãi suất 0,25 điểm % tại cuộc họp tháng 9, giảm từ mức 94,0% một tuần trước đó.
- Theo dữ liệu công bố hôm thứ Năm, GDP của Mỹ tăng trưởng với tốc độ hàng quý là 2,8%, được điều chỉnh theo tính thời vụ và lạm phát. Con số này tăng so với mức 1,4% trước đó và vượt mức dự báo 2%. Ngoài ra, Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm xuống 235 nghìn trong tuần kết thúc vào ngày 19/7, thấp hơn mức tuần trước đó là 243 nghìn và mức dự kiến là 238 nghìn.
- Hôm thứ Tư, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki, Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi và nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu Masato Kanda đều tránh bình luận về vấn đề ngoại hối.
- Trong báo cáo hàng tháng công bố hôm thứ Năm, Văn phòng Nội các Nhật Bản giữ nguyên đánh giá kinh tế trong tháng 7 nhưng cảnh báo về triển vọng ảm đạm. Chính phủ cũng hạ mức đánh giá về xuất khẩu, cho thấy tình hình đang trì trệ.
- Viện Đầu tư BlackRock lưu ý trong báo cáo triển vọng giữa năm rằng sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản và lạm phát gia tăng khiến thị trường chứng khoán nước này có cơ sở rất chắc chắn. Công ty này dự đoán rằng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ không tăng lãi suất tại cuộc họp tuần tới.
- Reuters đưa tin hôm thứ Hai rằng một quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền, Toshimitsu Motegi đã kêu gọi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo rõ ràng hơn kế hoạch bình thường hóa chính sách tiền tệ thông qua việc tăng lãi suất dần dần. Thủ tướng Fumio Kishida cũng nói thêm rằng việc bình thường hóa chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ Nhật Bản chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên tăng trưởng.
- JP Morgan dự đoán Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ không tăng lãi suất vào tháng 7 hoặc bất kỳ thời điểm nào trong năm 2024. Việc tăng lãi suất vào tháng 7 không phải là kịch bản cơ bản của JP Morgan, và họ không mong đợi bất kỳ đợt tăng lãi suất nào trong thời gian còn lại của năm 2024. Họ tin rằng vẫn còn quá sớm để kỳ vọng vào sự tăng giá của đồng Yên.
Phân tích kỹ thuật: USD/JPY dao động quanh mức 154,00
USD/JPY giao dịch quanh mức 154,00 trong ngày thứ Sáu. Việc cặp USD/JPY đã quay trở lại kênh giá giảm dần trên biểu đồ hàng ngày, cho thấy xu hướng giảm giá đã suy yếu. Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI) 14 ngày đang ở mức 30, cho thấy tình trạng bán quá mức và tiềm năng tỷ giá phục hồi trong ngắn hạn.
Cặp USD/JPY có thể kiểm định đường giới hạn bên dưới của kênh giá giảm dần ở quanh mức 153,50, tiếp đó là mức đáy tháng 5 ở ngưỡng 151,86. Một mức hỗ trợ khác có thể xuất hiện tại mức tâm lý 151,00.
Trong trường hợp tăng giá, cặp USD/JPY có thể kiểm định mức hỗ trợ nay đã chuyển đổi thành mức kháng cự, ở quanh ngưỡng 154,50. Các mức kháng cự tiếp theo sẽ xuất hiện tại Đường trung bình động hàm mũ (EMA) 9 ngày ở ngưỡng 155,80 và tiếp đó là đường giới hạn phía trên của kênh giá giảm dần, ở quanh mức 156,60.
Biểu đồ hàng ngày USD/JPY
GIÁ YÊN NHẬT NGÀY HÔM NAY
Bảng dưới đây cho thấy tỷ lệ phần trăm thay đổi của yên Nhật (JPY) so với các loại tiền tệ chính được niêm yết trong ngày. Yên Nhật tăng mạnh nhất so với đô la Mỹ.
Thanh Hiệp-Theo fxstreet
Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại
Investo.