EUR/USD phục hồi từ mức thấp nhất một tuần khi đồng đô la Mỹ suy yếu và Eurozone ghi nhận các dữ liệu kinh tế khả quan.
- EUR/USD phục hồi trở lại từ mức 1,0800, khi chỉ số PMI tổng hợp của Eurozone vượt dự kiến trong tháng 5.
- ECB được dự báo sẽ tiến hành ba đợt cắt giảm lãi suất trước khi kết thúc năm 2024.
- Đồng đô la Mỹ suy giảm khi FED nhiều khả năng sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9.
Trong phiên ngày thứ Năm tại thị trường châu Âu, EUR/USD ghi nhận lực mua vào khá mạnh, sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong một tuần qua, gần ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1,0800. Cặp tiền được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng đô la Mỹ và chỉ số PMI sơ bộ mạnh mẽ của Eurozone trong tháng 5.
Chỉ số đồng đô la Mỹ (DXY) – thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt khác, giảm xuống mức 104,77. Đà phục hồi của chỉ số dường như bị đình trệ ngay dưới ngưỡng kháng cự quan trọng ở mức 105,00, trong bối cảnh các nhà đầu tư vẫn tin tưởng rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất từ cuộc họp vào tháng 9 tới.
Các nhà giao dịch đã không giảm đặt cược vào khả năng FED hạ lãi suất trong tháng 9, bất chấp việc biên bản cuộc họp tháng 5 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) vừa công bố hôm thứ Tư, cho thấy quan điểm diều hâu về triển vọng lãi suất của giới chức FED.
Tác động từ biên bản FOMC dự kiến sẽ chỉ mang tính tạm thời đối với đồng đô la Mỹ, bởi những lo ngại của giới chức FED về việc lạm phát chậm hạ nhiệt, chủ yếu dựa trên các dữ liệu nóng hơn dự kiến trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3. Trong khi đó, suy đoán của các nhà đầu tư về việc FED giảm lãi suất trong tháng 9 được xây dựng dựa trên dữ liệu Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) hạ nhiệt trong tháng 4.
Động lực thị trường hàng ngày: EUR/USD hưởng lợi từ dữ liệu PMI sơ bộ mạnh mẽ của Eurozone
- EUR/USD phục hồi mạnh mẽ khi S&P Global công bố dữ liệu Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) sơ bộ mạnh mẽ trong tháng 5. Theo cơ quan này, chỉ số PMI sản xuất của Eurozone đã tăng từ mức 45,7 trong tháng 4 lên 47,4 trong tháng 5, vượt mức dự báo 46,2. Tuy nhiên, chỉ số ở dưới ngưỡng 50 vẫn phản ánh sự thu hẹp hoạt động. Chỉ số PMI tổng hợp tăng từ 51,7 lên 52,3, vượt mức dự báo 52,0. Chỉ số PMI dịch vụ đo lường hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ, cho thấy sự tăng trưởng ổn định khi đạt mức 53,3, nhưng vẫn kém hơn mức dự báo là 53,5.
- Bình luận về dữ liệu PMI sơ bộ, tiến sĩ Cyrus de la Rubia – chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Hamburg (HCB) cho biết, “Chúng ta đang đi đúng hướng. Căn cứ vào các dữ liệu PMI, có thể nhận định, Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng GDP 0,3% trong quý II, gạt bỏ nỗi lo suy thoái. Tăng trưởng chủ yếu được thúc đẩy bởi lĩnh vực dịch vụ - vốn đã mở rộng hoạt động trong suốt 4 tháng qua. Lĩnh vực sản xuất ngày càng ít gây ra lực cản cho nền kinh tế, và sự lạc quan về sản lượng của lĩnh vực này trong thời gian tới đang ngày càng gia tăng. Với tất cả những yếu tố đó, việc nền kinh tế có thể đạt mức tăng trưởng GDP gần 1% trong năm nay là hợp lý, ngay cả khi một số rủi ro đang tăng lên.”
- Trong thời gian tới, đồng euro sẽ được định hướng bởi kỳ vọng của thị trường về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 7. Nhiều người dự đoán, ECB sẽ bắt đầu hạ lãi suất cho vay chủ chốt từ cuộc họp tháng 6. Do vậy, giới đầu tư hiện vẫn chưa chắc chắn về lộ trình cắt giảm lãi suất của ECB.
- Nhiều quan chức ECB muốn tiếp tục xem xét các dữ liệu trước khi thực hiện các đợt giảm lãi suất sau tháng 7, bởi việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ có thể khiến áp lực giá cả tăng trở lại. Ngoài ra, giới chức ECB lo ngại các đợt giảm lãi suất tiếp theo sẽ ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa kích thích tiền tệ, lạm phát và các yếu tố tài chính khác.
- Trong cả năm, các thị trường tài chính dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần. Nhà cung cấp dịch vụ tài chính hàng đầu UBS cho biết, theo kịch bản cơ bản, sau đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6, ECB có thể triển khai một chuỗi các đợt cắt giảm lãi suất kéo dài và liên tục. Chuỗi này bao gồm từng đợt cắt giảm lãi suất ở mức 0,25 điểm % trong mỗi quý, đồng nghĩa với tổng mức cắt giảm lãi suất 0,75 điểm % trong cả năm 2024, và thêm 1 điểm % nữa trong năm 2025.
Phân tích kỹ thuật: EUR/USD phục hồi sau khi kiểm tra vùng đột phá mô hình tam giác
EUR/USD phục hồi mạnh mẽ sau khi kiểm tra vùng đột phá của mô hình Tam giác đối xứng được hình thành trên khung thời gian hàng ngày. Triển vọng ngắn hạn của cặp tiền tệ nhìn chung vẫn vững chắc, khi Đường trung bình động hàm mũ (EMA) 20 và 50 ngày có sự giao nhau trong xu hướng tăng quanh mức 1,0780.
Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI) 14 kỳ đã dịch chuyển sang phạm vi tăng từ 60,00 – 80,00, cho thấy động lượng của cặp tỷ giá đã nghiêng về xu hướng tăng.
Cặp tiền tệ này dự kiến sẽ lấy lại mức đỉnh hai tháng ở quanh ngưỡng 1,0900. Một sự đột phá hoàn toàn lên trên mức này sẽ đẩy cặp tỷ giá lên mức cao nhất kể từ ngày 21/3 ở quanh mức 1,0950 và mức kháng cự tâm lý 1,1000. Tuy nhiên, một sự sụt giảm xuống dưới đường EMA 200 ngày ở ngưỡng 1,0800 có thể khiến cặp tiền tệ chịu nhiều sức ép.
Thanh Hiệp-Theo fxstreet
Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại
Investo.