Các dữ liệu lạm phát giá tiêu dùng dai dẳng tại Vương quốc Anh, khiến GBP/USD gia tăng, vượt qua mức kháng cự 1,2700.
- Đồng Bảng Anh tăng vượt mức 1,2700 khi lạm phát Anh tiếp tục hạ nhiệt, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.
- Lạm phát giá dịch vụ ở Anh vẫn ở mức cao, và có thể hạn chế khả năng BOE cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.
- Tăng trưởng doanh số bán lẻ của Mỹ chậm hơn dự kiến đã hạn chế đà tăng của đồng đô la Mỹ.
Trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, đồng bảng Anh (GBP) tăng vượt lên trên mức kháng cự 1,2700, sau khi Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) của Vượng quốc Anh cho biết, áp lực giá cả đã hạ nhiệt như dự kiến trong tháng 5. Lạm phát hàng năm của Vương quốc Anh lần đầu tiên quay trở lại mức mục tiêu 2% trong vòng 3 năm qua, sau khi đạt mức 2,3% trong tháng 4. Trong cùng kỳ, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã giảm từ mức 3,9% trong tháng 4 xuống 3,5% trong tháng 5.
Lạm phát toàn phần hàng tháng đạt mức tăng 0,3% như tháng 4, nhưng thấp hơn mức dự báo 0,4%. Báo cáo cũng cho thấy, Chỉ số Giá sản xuất (PPI) hàng năm đối với sản lượng cốt lõi đã tăng đáng kể 1,0% trong tháng 5, so với mức 0,3% của tháng 4.
Bất chấp việc chỉ số CPI hàng năm giảm về mức 2%, các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có thể sẽ không cảm thấy thoải mái khi thảo luận về việc cắt giảm lãi suất sớm, bởi lạm phát dịch vụ hàng năm hầu như không giảm tốc. Lạm phát lĩnh vực dịch vụ tăng 5,9%, thấp hơn đôi chút so với mức 6,0% của tháng trước, nhưng gần gấp đôi mức cần thiết để kiềm chế lạm phát.
Yếu tố tiếp theo có thể tác động tới GBP sẽ là quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) vào thứ Năm. BOE nhiều khả năng sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25%. Do vậy, giới đầu tư sẽ chú ý tới kết quả bỏ phiếu của giới chức BOE, và những tín hiệu về thời điểm BOE bắt đầu hạ lãi suất.
Động lực thị trường hàng ngày: Bảng Anh tăng lên khi lạm phát giá dịch vụ tại Anh vẫn ở mức cao
- Đồng bảng Anh gia tăng so với đồng đô la Mỹ (USD), do lạm phát dịch vụ tháng 5 của Anh tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức 6,0% của tháng 4, nhưng nhìn chung vẫn dai dẳng. Trong khi đó, USD ổn định sau đợt điều chỉnh nhẹ, do mức tăng trưởng doanh số bán lẻ hàng tháng của Mỹ chậm hơn dự kiến trong tháng 5. Điều này khiến thị trường đặt cược nhiều hơn vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm giảm lãi suất. Chỉ số đồng USD (DXY) – thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt, giữ vững mức hỗ trợ quan trọng 105,00, sau khi điều chỉnh giảm từ mức đỉnh mới trong 6 tuần ở 105,80.
- Cục Điều tra dân số Mỹ hôm thứ Ba cho biết, doanh số bán lẻ không đạt mức tăng trưởng ước tính 0,2%, nhưng vẫn tăng 0,1% trong tháng 5, sau khi đã giảm 0,2% trong tháng 4 (điều chỉnh giảm từ mức 0%). Doanh số bán lẻ cốt lõi không bao gồm ô tô tiếp tục giảm 0,2%, làm gia tăng lo ngại về khả năng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm lại trong quý II. Dữ liệu doanh số bán lẻ cốt lõi là thước đo chính về chi tiêu của người tiêu dùng – thành phần quan trọng của GDP.
- Các nhà đầu tư nhận thấy doanh số bán lẻ bị ảnh hưởng khi giá vé tại các trạm dịch vụ thấp hơn do giá xăng và xe cơ giới giảm, nhu cầu vật liệu xây dựng yếu, và sự sụt giảm chi tiêu cho các dịch vụ ăn uống và đồ uống. Điều này cho thấy, các hộ gia đình Mỹ đã có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng tùy ý. Đây là điều thường diễn ra khi sức mua yếu đi do lạm phát và lãi suất duy trì ở mức cao.
- Theo công cụ FEDWatch của CME, thị trường đánh giá FED có thể thực hiện hai lần cắt giảm lãi suất trong năm nay, thay vì chỉ một lần như dự báo lãi suất mới nhất được các quan chức FED đưa ra. Các nhà đầu tư tin rằng, FED sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm nay, sau các số liệu lạm phát hạ nhiệt trong tháng 5, cho thấy quá trình kiềm chế đà tăng giá cả vẫn đạt được tiến bộ.
- Hôm thứ Ba, Chủ tịch FED Dallas Lorie Logan cho biết, số liệu lạm phát mới nhất cho thấy áp lực giá cả đang hạ nhiệt là một tin tức đáng mừng. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách cần có thêm các dữ liệu khả quan trước khi xem xét cắt giảm lãi suất.
Phân tích kỹ thuật: GBP/USD tăng lên mức 1,2730
Đồng bảng Anh nới rộng đà phục hồi lên trên ngưỡng 1,2700 sau các dữ liệu lạm phát dịch vụ dai dẳng tại Anh. Tỷ giá GBP/USD tăng lên gần Đường trung bình động hàm mũ (EMA) 20 ngày ở mức 1,2720, mặc dù xu hướng ngắn hạn vẫn chưa chắc chắn. Đường EMA 50 ngày gần mức 1,2670 đóng vai trò là mức hỗ trợ chính cho xu hướng tăng của bảng Anh.
Hiện tại, đồng bảng Anh đang giữ mức hỗ trợ tại mức thoái lui Fibonacci 61,8% (của đợt giảm từ mức đỉnh ngày 8/3 ở 1,2900 đến mức đáy ngày 22/4 ở 1,2300) ở ngưỡng 1,2667.
Việc Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI) 14 kỳ quay trở lại phạm vi 40,00 – 60,00 cho thấy đà tăng của cặp tỷ giá đang dần có dấu hiệu mờ nhạt.
Thanh Hiệp-Theo fxstreet
Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại
Investo.