Việc nhà đầu tư Nhật Bản đẩy mạnh mua tài sản ở nước ngoài, đã khiến đồng yên suy yếu, đẩy USD/JPY tăng lên quanh ngưỡng 161,00.
- Đồng yên Nhật chịu sức ép khi các cá nhân tại Nhật Bản mua tài sản ở nước ngoài thông qua chương trình NISA.
- BOJ đang chuẩn bị xem xét một chiến lược khả thi nhằm giảm quy mô mua trái phiếu chính phủ.
- Chủ tịch FED Jerome Powell có thể sẽ đưa ra bản đánh giá toàn diện về nền kinh tế và chính sách tiền tệ trước Quốc hội Mỹ vào thứ Ba.
Đồng yên Nhật (JPY) tiếp tục giảm phiên thứ hai liên tiếp vào thứ Ba. Sự cải thiện nhẹ của đồng đô la Mỹ (USD) đã củng cố cặp USD/JPY. Tuy nhiên, đà giảm của JPY có thể phần nào được hạn chế bởi những lo ngại về khả năng chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Đồng yên Nhật cũng chịu sức ép từ việc các cá nhân tại Nhật Bản mua tài sản ở nước ngoài, thông qua chương trình đầu tư miễn thuế mới được nâng cấp, chương trình Tài khoản tiết kiệm cá nhân Nippon (NISA). Theo Nikkei Asia, quy mô mua tài sản của chương trình này dự kiến sẽ vượt mức thâm hụt thương mại của Nhật Bản trong nửa đầu năm nay.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang chịu áp lực trong bối cảnh ngày càng có nhiều đồn đoán rằng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể giảm lãi suất vào tháng 9, qua đó hạn chế đà tăng của đồng đô la Mỹ. Theo công cụ FEDWatch của CME, thị trường đánh giá có 76,2% khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, tăng từ mức 65,5% hồi tuần trước.
Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ trình bày Báo cáo chính sách tiền tệ nửa năm tại Quốc hội Mỹ vào thứ Ba. Ông Powell có thể cung cấp một cái nhìn tổng quan về nền kinh tế và chính sách tiền tệ, và những nhận xét đã được chuẩn bị sẵn của ông Powell sẽ được công bố trước khi ông xuất hiện tại đồi Capitol.
Động lực thị trường hàng ngày: Yên Nhật giảm do dòng vốn chảy ra nước ngoài
- Hãng tin Bloomberg hôm thứ Ba cho biết, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ tiến hành ba cuộc họp trực tiếp với các ngân hàng, công ty chứng khoán và tổ chức tài chính trong vài ngày tới. Mục đích của các cuộc họp này là để đánh giá tốc độ khả thi trong việc giảm quy mô mua trái phiếu chính phủ Nhật Bản.
- Bộ Tài chính Nhật Bản hôm thứ Hai cho biết, các công ty quản lý ủy thác đầu tư và công ty quản lý tài sản Nhật Bản đã mua lượng cổ phiếu và cổ phiếu quỹ đầu tư ở nước ngoài vượt 6,16 nghìn tỷ yên (38 tỷ USD) so với lượng bán ra trong giai đoạn sáu tháng đầu năm nay.
- Các nhà phân tích của Rabobank FX lưu ý rằng, họ kỳ vọng tỷ giá USD/JPY sẽ giữ quanh mức 160 trong tháng tới, và tỷ giá này sẽ giảm trở lại mức 152 vào cuối năm nay. “Đô la Mỹ (USD) có thể vẫn chịu áp lực trong những tuần tới, khiến tỷ giá USD/JPY duy trì gần mức 160.”
- Hôm thứ Hai, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn giữ nguyên đánh giá kinh tế đối với 5 trong số 9 khu vực của Nhật Bản trong Báo cáo Sakura mới nhất. Đánh giá cho hai khu vực đã được nâng lên, trong khi đánh giá của hai khu vực khác lại bị hạ xuống. Về xu hướng giá cả, BOJ lưu ý rằng, nhiều khu vực ghi nhận việc tăng lương lan rộng ở các doanh nghiệp nhỏ hơn.
- Thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản trong tháng 5 tiếp tục tăng trưởng tháng thứ 15 liên tiếp. Bộ Tài chính Nhật Bản hôm thứ Hai cho biết, tài khoản vãng lai đã tăng lên 2.849,9 tỷ yên (17,78 tỷ USD) trong tháng 5, tăng từ mức 2.050,5 tỷ yên của tháng 4, và vượt mức kỳ vọng của thị trường là 2.450 tỷ yên.
- Bảng lương Phi nông nghiệp (NFP) của Mỹ ghi nhận thêm 206.000 việc làm trong tháng 6. Con số này thấp hơn mức tăng 218.000 trong tháng 5, nhưng vượt mức dự báo của thị trường là 190.000.
- Biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ ngày 11 – 12/6 của FED được công bố hôm thứ Tư tuần trước cho thấy, các quan chức FED vẫn đang có tâm lý thận trọng chờ đợi. “Một số người nhấn mạnh cách tiếp cận dựa trên dữ liệu của FED, trong đó các quyết định về chính sách tiền tệ phụ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế, thay vì đi theo một lộ trình định sẵn.”
Phân tích kỹ thuật: USD/JPY tăng lên gần mức 161,00
USD/JPY giao dịch quanh mức 161,00 vào thứ Ba. Cặp tiền này vẫn nằm trong mô hình kênh giá tăng dần trên biểu đồ hàng ngày, cho thấy xu hướng gia tăng. Ngoài ra, chỉ báo động lượng – Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI) 14 ngày vẫn ở trên mức 50, cũng xác nhận xu hướng tăng.
USD/JPY có thể kiểm tra ngưỡng kháng cự quan trọng ở đường giới hạn bên trên của kênh giá tăng dần, gần mức 162,55. Một sự đột phá lên trên mức này, có thể củng cố tâm lý lạc quan và đẩy cặp tiền này hướng tới ngưỡng kháng cự ở mức tâm lý 163,00.
Chiều giảm sẽ có mức hỗ trợ tức thời xung quanh Đường trung bình động hàm mũ (EMA) 21 ngày ở mức 159,78. Một sự đột phá xuống bên dưới mức này, có thể gây áp lực, khiến cặp tỷ giá kiểm tra đường giới hạn bên dưới của kênh giá tăng dần, quanh mức 159,40. Việc giảm xuống dưới mức hỗ trợ của kênh giá, có thể khiến cặp tiền điều hướng về khu vực xung quanh mức đáy tháng 6, ở ngưỡng 154,55.
Biểu đồ hàng ngày USD/JPY
GIÁ YÊN NHẬT NGÀY HÔM NAY
Bảng dưới đây cho thấy tỷ lệ phần trăm thay đổi của yên Nhật (JPY) so với các loại tiền tệ chính được niêm yết trong ngày. Yên Nhật giảm mạnh nhất so với Euro.
Thanh Hiệp-Theo fxstreet
Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại
Investo.