Việc Bank of America hạ dự báo kinh tế Trung Quốc – đối tác thương mại hàng đầu của Úc, khiến AUD/USD nới rộng xu hướng giảm.
- Đô la Úc tiếp tục suy yếu sau các dữ liệu kinh tế trái chiều được công bố hôm thứ Tư.
- Bank of America đã điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong năm 2024 xuống 4,8%.
- Theo ISM, Chỉ số PMI sản xuất của Mỹ đã tăng nhẹ từ mức 46,8 trong tháng 7 lên 47,2 trong tháng 8.
Đô la Úc (AUD) tiếp tục giảm so với Đô la Mỹ (USD) sau khi các dữ liệu kinh tế quan trọng được công bố vào thứ Tư. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Úc đạt mức tăng theo quý 0,2% trong quý II, cao hơn so với mức 0,1% của quý I nhưng thấp hơn mức dự kiến tăng 0,3%. Ngoài ra, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) dịch vụ của Trung Quốc đã giảm từ 52,1 trong tháng 7 xuống 51,6 trong tháng 8, đây là điều đáng chú ý khi xét đến mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa hai nền kinh tế Trung Quốc và Úc.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) khả quan của Úc trong tháng 8 có thể đã hỗ trợ phần nào cho Đô la Úc (AUD) và hạn chế đà giảm của cặp AUD/USD. Các nhà giao dịch hiện đang tập trung sự chú ý vào bài phát biểu sắp tới của Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Úc (RBA) Michele Bullock vào thứ Năm để thu thập thêm thông tin chi tiết về lập trường cứng rắn của ngân hàng trung ương này về chính sách tiền tệ.
Đô la Mỹ nhận được sự hỗ trợ khi các nhà giao dịch xem xét triển vọng kinh tế và tiền tệ. Chỉ số PMI sản xuất của ISM cho thấy hoạt động của nhà máy tại Mỹ đã giảm trong tháng thứ năm liên tiếp, với tốc độ giảm vượt quá kỳ vọng đôi chút. Điều này làm dấy lên lo ngại về tác động của lãi suất ở mức cao đối với sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Hiện tại, thị trường đang chờ đợi thêm các dữ liệu kinh tế trong tuần này, bao gồm chỉ số PMI dịch vụ ISM và Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) để làm sáng tỏ triển vọng cắt giảm lãi suất của FED trong tháng này.
Động lực thị trường hàng ngày: Đô la úc nới rộng đà giảm sau các dữ liệu kinh tế quan trọng
- Ngân hàng Bank of America (BoA) đã điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024 từ mức 5,0% trước đó xuống còn 4,8%. Dự báo tăng trưởng năm 2025 được điều chỉnh về 4,5%, trong khi triển vọng năm 2026 vẫn giữ nguyên ở mức 4,5%.
- Theo Judo Bank, Chỉ số PMI tổng hợp của Úc đã tăng từ mức 51,4 vào tháng 7 lên 51,7 vào tháng 8, báo hiệu mức tăng trưởng nhanh nhất trong ba tháng qua. Sự tăng trưởng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng trong hoạt động dịch vụ, với Chỉ số PMI dịch vụ tăng từ mức 52,2 vào tháng 7 lên 52,5 vào tháng 8, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ bảy liên tiếp trong lĩnh vực dịch vụ.
- Chỉ số PMI sản xuất ISM của Mỹ tăng nhẹ từ mức 46,8 vào tháng 7 lên 47,2 vào tháng 8, thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 47,5. Đây là lần thứ 21 hoạt động của các nhà máy tại Mỹ bị thu hẹp trong 22 tháng qua.
- Số giấy phép xây dựng của Úc trong tháng 7 tăng vọt 10,4% so với tháng trước đó, phục hồi mạnh mẽ sau mức giảm 6,5% vào tháng 6, và là mức tăng trưởng mạnh nhất kể từ tháng 5/2023. So với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng trưởng đạt 14,3%, phục hồi đáng kể so với mức giảm 3,7% trước đó.
- Chỉ số PMI sản xuất Caixin của Trung Quốc tăng từ mức 49,8 vào tháng 7 lên 50,4 vào tháng 8, điều này đặc biệt đáng chú ý khi xét đến mối quan hệ thương mại chặt chẽ của Trung Quốc với Úc.
- Cục Phân tích Kinh tế Mỹ hôm thứ Sáu tuần trước cho biết rằng Chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) toàn phần trong tháng 7 đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức tháng 6 là 2,5% nhưng thấp hơn mức dự báo 2,6%. Trong khi đó, chỉ số giá PCE cốt lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 7, bằng với mức tháng 6 là 2,6% nhưng thấp hơn một chút so với mức dự báo tăng 2,7%.
- Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ đạt mức tăng trưởng theo năm là 3,0% trong quý II, vượt cả tốc độ tăng trưởng dự kiến và trước đó là 2,8%. Ngoài ra, số đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu cho thấy số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm xuống còn 231.000 trong tuần kết thúc vào ngày 23/8, giảm so với mức 233.000 của tuần trước, và thấp hơn một chút so với mức dự kiến là 232.000.
- Chi tiêu vốn tư nhân của Úc bất ngờ ghi nhận mức giảm 2,2% trong quý II/2024, đảo ngược so với mức tăng trưởng 1,9% (đã được điều chỉnh nâng) đạt được trong quý I/2024. Kết quả này cũng không đạt được kỳ vọng của thị trường về mức tăng 1,0%. Đây là lần đầu tiên chi tiêu vốn mới tại Úc giảm kể từ quý III/2023.
Phân tích kỹ thuật: Đô la Úc giảm xuống gần mức 0,6700
Đô la Úc giao dịch quanh mức 0,6700 trong ngày thứ Tư. Việc cặp AUD/USD đột phá xuống bên dưới Đường trung bình động hàm mũ (EMA) 9 ngày trên biểu đồ hàng ngày, cho thấy xu hướng giảm trong ngắn hạn. Bên cạnh đó, Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI) 14 ngày cũng di chuyển xuống dưới mức 50, xác nhận xu hướng giảm.
Nếu tiếp tục suy giảm, cặp AUD/USD sẽ điều hướng về khu vực xung quanh mức 0,6575, và có thể giảm sâu hơn nữa, hướng tới mức hỗ trợ 0,6470.
Trong trường hợp tăng trở lại, cặp AUD/USD có thể kiểm định mức hỗ trợ tức thời xung quanh đường EMA 14 ngày ở 0,6729, và tiếp đó là đường EMA 9 ngày ở 0,6742. Một sự đột phá lên trên các đường EMA này sẽ hỗ trợ cặp tiền kiểm định mức đỉnh 7 tháng ở 0,6798.
Biểu đồ hàng ngày AUD/USD
GIÁ ĐÔ LA ÚC HÔM NAY
Bảng bên dưới hiển thị phần trăm thay đổi của Đô la Úc (AUD) so với các loại tiền tệ chủ chốt được niêm yết hôm nay. Đồng Đô la úc giảm mạnh nhất so với Franc Thụy Sĩ.
Thanh Hiệp-Theo fxstreet
Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại
Investo.