GBP/USD đối mặt với áp lực bán tháo, sụt giảm mạnh từ mức 1,2750, khi giới đầu tư đang chờ đợi nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng.
- Đồng Bảng Anh đối mặt với áp lực bán tháo gần mức 1,2750, trước thềm công bố nhiều dữ liệu kinh tế Mỹ.
- Lạm phát giá dịch vụ dai dẳng tại Anh khiến thị trường không chắc chắn về thời điểm BOE giảm lãi suất.
- Các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu PMI sản xuất ISM của Mỹ để xác định xu hướng tỷ giá.
Trong phiên ngày thứ Hai tại thị trường London, đồng bảng Anh (GBP) tụt dốc nhưng vẫn giữ được mức hỗ trợ quan trọng ở ngưỡng 1,2700 so với đồng đô la Mỹ (USD). Tỷ giá GBP/USD chịu nhiều áp lực trước một tuần đầy các dữ liệu quan trọng của kinh tế Mỹ, mở đầu là Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Viện Quản lý cung ứng (ISM) trong tháng 5, dự kiến được công bố lúc 14:00 GMT.
Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, chỉ số PMI – thước đo hoạt động của các nhà máy tại Mỹ sẽ tăng từ mức 49,2 trong tháng 4 lên 49,8, nhưng vẫn ở dưới ngưỡng 50,0 – ngưỡng phân tách giữa mở rộng và thu hẹp hoạt động. Tuy nhiên, báo cáo PMI sơ bộ tháng 5 của S&P Global – một cuộc khảo sát khác cũng đánh giá hoạt động trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ, đã cho thấy chỉ số PMI tăng từ mức 50,0 trong tháng 4 lên 50,9 – mức cao nhất trong hai tháng.
Giới đầu tư cũng sẽ chú ý tới các thành phần phụ khác trong báo cáo PMI, như chỉ số Đơn đặt hàng mới và Giá phải trả, bởi chúng cung cấp thông tin chi tiết về triển vọng nhu cầu và sự thay đổi giá đầu vào của lĩnh vực sản xuất. Giới phân tích coi đây là các chỉ số hàng đầu về áp lực lạm phát trong thời gian tới.
Cuối tuần này, giới đầu tư sẽ theo dõi sát chỉ số PMI dịch vụ Mỹ của ISM và dữ liệu việc làm chính thức, lần lượt được công bố vào thứ Tư và thứ Sáu. Trong khi đó, không có bất kỳ sự kiện quan trọng nào trong lịch trình kinh tế của Vương quốc Anh.
Động lực thị trường hàng ngày: Bảng Anh giảm giá so với Đô la Mỹ trước thềm công bố dữ liệu PMI sản xuất
- Đồng Bảng Anh suy yếu so với đồng Đô la Mỹ. Chỉ số đồng Đô la Mỹ (DXY) – thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với sáu đồng tiền chủ chốt khác, cũng không có nhiều thay đổi, dao động quanh mức 104,60.
- Đồng Đô la Mỹ chưa cho thấy xu hướng rõ ràng, khi các nhà đầu tư tìm kiếm những tín hiệu mới về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu cắt giảm lãi suất. Mọi thứ vẫn chưa có gì chắc chắn, sau khi báo cáo Chỉ số Giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) công bố hôm thứ Sáu cho thấy, áp lực lạm phát vẫn gia tăng tại Mỹ trong tháng 4, và Chi tiêu Cá nhân ở mức yếu.
- Chỉ số PCE cốt lõi hàng năm, thước đo lạm phát ưa thích của FED, tăng 2,8% như kỳ vọng. Xét trên cơ sở hàng tháng, chỉ số PCE đạt mức tăng 0,2% - thấp hơn so với mức ước tính và mức tăng trong tháng 3 là 0,3%.
- Chi tiêu Cá nhân đạt mức tăng 0,2% trong tháng 4, thấp hơn mức dự báo 0,3% và mức 0,7% của tháng trước đó. Sự giảm tốc đáng kể trong chi tiêu tiêu dùng – vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của Mỹ, đã làm dấy lên những lo ngại về cuộc khủng hoảng hộ gia đình ngày càng sâu sắc, trong bối cảnh FED duy trì lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
- Sau các dữ liệu chi tiêu tiêu dùng yếu, nhà đầu tư đang dần tin tưởng hơn vào việc FED sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất một lần trong năm nay. Công cụ FEDWatch của CME cho thấy, khả năng FED cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9 đã tăng từ mức 49% hồi tuần trước lên 52%.
- Tại Anh, nhà đầu tư vẫn chưa chắc chắn về khung thời gian cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Thị trường tài chính kỳ vọng BOE có thể bắt đầu giảm lãi suất từ cuộc họp tháng 9. Lạm phát hàng năm của Vương quốc Anh đã giảm đáng kể xuống 2,3% trong tháng 4, nhưng các nhà hoạch định chính sách BOE vẫn lo lắng về tiến độ chậm chạp trong quá trình giảm lạm phát dịch vụ. Lạm phát dịch vụ ở Anh hiện ở mức 5,9%, chủ yếu là do tăng trưởng tiền lương cao hơn nhiều so với mức cần thiết, để đảm bảo lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu 2%.
- Trong khi đó, kỳ vọng lạm phát tại Anh trong 12 tháng tới đã giảm đáng kể. Một cuộc khảo sát hàng tháng của Citi/YouGov cho thấy, kỳ vọng lạm phát của công chúng vào năm tới đã giảm xuống còn 3,1% trong tháng 5 – mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021.
Phân tích kỹ thuật: Đồng Bảng Anh giảm từ mức 1,2750
Đồng Bảng Anh đang chịu áp lực và đã giảm từ mức 1,2750. Cặp GBP/USD có mức biến động giảm mạnh khi giao dịch bên trong mô hình Tam giác giảm dần trên khung thời gian 4 giờ. Đường viền dốc xuống của mô hình nêu trên được vẽ từ mức đỉnh ngày 28/5 gần ngưỡng 1,2800, trong khi mức hỗ trợ nằm ngang được đánh dấu từ mức đấy của ngày 24/5 ở ngưỡng 1,2676.
Đường Trung bình động hàm mũ (EMA) 50 ngày giao dịch gần với giá giao ngay quanh mức 1,2720, báo hiệu xu hướng đi ngang.
Trong khi đó, Chỉ số Sức mạnh tương đối (RSI) 14 kỳ dao động trong phạm vi 40,00 – 60,00, cho thấy những người tham gia thị trường vẫn chưa có thái độ rõ ràng.
Thanh Hiệp-Theo fxstreet
Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại
Investo.