logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ tư, 03/04/2024

Tin Forex 03/04: EUR/USD phục hồi về quanh mức 1,0770

EUR/USD phục hồi về gần mức 1,0770 sau các dữ liệu lạm phát tại Eurozone. Tuy nhiên, xu hướng giảm vẫn sẽ chiếm ưu thế trong ngắn hạn.

  • EUR/USD đang phục hồi từ mức thấp tại khu vực bán quá mức trên biểu đồ trong ngày.
  • Dữ liệu lạm phát Eurozone vừa công bố ngày thứ Tư có thể tác động đến kỳ vọng về lãi suất và tỷ giá.
  • Sự phục hồi có thể được nới rộng hơn đôi chút, nhưng xu hướng trong ngắn hạn vẫn là giảm.

Tin Forex 03/04: EUR/USD phục hồi về quanh mức 1,0770
EUR/USD đang tăng cao hơn trong ngày thứ Tư, quay trở lại mức 1,0770, và nới rộng đà phục hồi trong phiên hôm trước, từ mức thấp nhất trong 6 tuần qua. Hiện vẫn còn quá sớm để xác định xem, liệu động thái này là một đợt điều chỉnh mang tính tự nhiên, hay là sự đảo ngược của xu hướng giảm đang chiếm ưu thế trong ngắn hạn. Khả năng đây là một đợt điều chỉnh có phần lớn hơn.

Chỉ số Giá tiêu dùng hài hòa (HICP) và tỷ lệ thất nghiệp vừa công bố trong ngày thứ Tư đã không ảnh hưởng nhiều đến tỷ giá, mặc dù có những áp lực lạm phát tiếp tục giảm. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), lạm phát toàn phần tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 3 chỉ tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, thay vì giữ nguyên ở mức 2,6% như trong tháng 2. Lạm phát cốt lõi cũng hạ nhiệt xuống còn 2,9%, thay vì giữ nguyên ở mức 3,1% như dự báo.

Lạm phát hàng tháng tại Eurozone tăng 0,8%, cao hơn mức 0,6% trong tháng 2. Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone đã tăng lên 6,5% thay vì giữ nguyên ở mức 6,4% của tháng trước như kỳ vọng của giới chuyên gia.

Mặc dù các dữ liệu không làm suy yếu cặp tiền này, nhưng có thể làm tăng khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm hơn, thậm chí là ngay trong tháng 4.

EUR/USD: Tất cả đều phụ thuộc vào kỳ vọng lãi suất

Tỷ giá EUR/USD đã giảm kể từ tuần thứ hai của tháng 3, chủ yếu là do những thay đổi trong triển vọng lãi suất ở châu Âu và Mỹ. Tại Mỹ, chi phí đi vay được dự báo sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn, hỗ trợ đồng đô la Mỹ (USD), do mức lãi suất cao hơn sẽ thúc đẩy việc thu hút dòng vốn nước ngoài. Xu hướng này ít có khả năng thay đổi đáng kể.

Ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương, lạm phát đang dần hạ nhiệt, loại bỏ sự cần thiết phải duy trì lãi suất ở mức cao. Tuy nhiên, ở Mỹ, quá trình này đang diễn ra chậm hơn, và các chuyên gia không tự tin rằng, Mỹ đang trên đường hướng tới mục tiêu lạm phát 2% của FED, một cách bền vững.

Hầu hết các nhà kinh tế đều kỳ vọng ECB và FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cùng thời điểm, có thể là trong tháng 6. Tuy nhiên, gần đây, triển vọng chính sách của hai ngân hàng đã bắt đầu có sự khác biệt. FED được cho là có khả năng trì hoãn cắt giảm lãi suất, trong khi ECB có thể đẩy nhanh tiến trình nới lỏng chính sách tiền tệ.

EUR/USD đã phục hồi sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong 6 tuần ở ngưỡng 1,0720 hôm thứ Ba, dù vẫn chưa rõ, động lực nào đã thúc đẩy sự phục hồi này. Đây có thể là một yếu tố mang tính chất kỹ thuật, khi các chỉ báo đạt ngưỡng bán quá mức trên biểu đồ trong ngày.

Bình luận của Chủ tịch FED San Francisco, bà Mary Daly cũng có thể góp phần nhỏ vào sự phục hồi của tỷ giá. Bà Daly đã đưa ra quan điểm ôn hòa, khi cho biết, “ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay là một lựa chọn hợp lý”, nhưng đồng thời cũng nói thêm rằng, đây “không phải là một cam kết”. Tuy nhiên, tỷ giá đã không có phản ứng tức thời sau khi tuyên bố của bà Daly được đưa ra.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Eurozone theo khảo sát của HCOB, cũng có thể là chất xúc tác cho sự phục hồi của EUR/USD. Chỉ số PMI trong tháng 3 đã được điều chỉnh từ mức 45,7 trong ước tính sơ bộ lên 46,1. Tuy nhiên, kết quả này vẫn ở dưới ngưỡng 50, biểu thị sự thu hẹp hoạt động. Ngoài ra, chỉ số PMI sản xuất ISM của Mỹ công bố hôm thứ Hai thậm chí còn tích cực hơn, khi đạt mức 50,3 trong tháng 3. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022, chỉ số vượt ngưỡng 50 – biểu thị sự mở rộng hoạt động.  

Các dữ liệu đáng chú ý sắp tới

Tại Mỹ, dữ liệu quan trọng sắp được công bố trong ngày thứ Tư là báo cáo việc làm ADP, công bố lúc 12:15 GMT, tiếp đó là chỉ số PMI dịch vụ của S&P Global và chỉ số PMI dịch vụ ISM. Lạm phát giá dịch vụ được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong rổ chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Một kết quả khác với kỳ vọng có thể thu hút nhiều sự chú ý của thị trường.

Bên cạnh đó, sẽ có thêm nhiều quan chức FED có bài phát biểu trước công chúng, bao gồm Thống đốc Michelle Bowman, Thống đốc FED Chicago Austan Goolsbee, Phó Chủ tịch FED Michael Barr, Thống đốc FED Adriana Kugler và Chủ tịch FED Jerome Powell.

Phân tích kỹ thuật: EUR/USD phục hồi, thoát khỏi mức đáy mới

EUR/USD đã phục hồi sau khi rơi xuống mức thấp nhất trong nhiều tuần ở ngưỡng 1,0720 hôm thứ Ba. Trong quá trình này, tỷ giá đã hình thành mô hình đảo chiều nến Nhật đường xuyên tăng trên biểu đồ hàng ngày. Điều này xảy ra khi tỷ giá rơi xuống mức đáy mới, nhưng cùng ngày lại phục hồi và đóng cửa ở trên mức trung bình của ngày hôm trước.

Mô hình này có thể là tín hiệu cho thấy xu hướng phục hồi sẽ tạm thời được duy trì, với mức kháng cự quan trọng tiếp theo xuất hiện ở ngưỡng 1,0798.  

Tin Forex 03/04: EUR/USD phục hồi về quanh mức 1,0770

Tuy nhiên, cặp tiền vẫn đang có xu hướng giảm trong ngắn hạn, và sự sụt giảm sẽ được nối lại khi đợt điều chỉnh phục hồi hiện nay hết động lực.

Mục tiêu rõ ràng nhất mà đợt sụt giảm này hướng tới sẽ là mức đáy của tháng 2 và cũng là mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay ở ngưỡng 1,0694.

Ngưỡng 1,0694 cũng có khả năng đóng vai trò là một mức hỗ trợ đáng kể, giúp tỷ giá phục hồi trở lại. Tuy nhiên, nếu tỷ giá đột phá hoàn toàn xuống dưới ngưỡng này, một đợt sụt giảm mạnh khác sẽ diễn ra, đẩy tỷ giá lùi về mức 1,0650.

Thanh Hiệp-Theo fxstreet

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

banner-5-1.jpg