Ngày 24/5, Thủ tướng Theresa May nói rằng bà sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6, đồng nghĩa với việc rời bỏ chức thủ tướng Anh.
"Kể từ lần đầu tiên bước qua cánh cửa đằng sau lưng tôi với tư cách thủ tướng, tôi đã cố sức để biến Anh trở thành một đất nước không chỉ phục vụ cho số ít có đặc quyền mà là cho tất cả mọi người, và cố sức để thực hiện kết quả của cuộc trưng cầu dân ý", bà nói trước văn phòng thủ tướng ở số 10 Phố Downing hôm 24/5.
Thủ tướng cho biết bà đã cố gắng để Brexit được diễn ra êm thấm. "Tôi đã cố 3 lần".
"Niềm hối tiếc sâu sắc của tôi sẽ luôn luôn là việc tôi không thể biến Brexit thành hiện thực", bà nói.
Thủ tướng Anh, người đã phải chịu sự chỉ trích và cười chê khi không thể thuyết phục quốc hội thông qua các kế hoạch Brexit, nói rằng công việc này "là vinh dự của đời bà". Giọng bà vỡ ra, rõ ràng đang cố nén nước mắt.
|
Thủ tướng Anh tuyên bố từ chức trong nước mắt. Ảnh: AFP. |
Bà May trở thành thủ tướng thay ông David Cameron, người từ chức sau khi cuộc trưng cầu dân ý tháng 6/2015 cho thấy người Anh muốn rời khỏi EU.
Trước quyết định này, bà May vốn đã đối diện với những lời chỉ trích và áp lực khi các kế hoạch Brexit do bà trình lên liên tiếp bị quốc hội Anh bác bỏ, khiến nước Anh 2 lần trễ hạn chót để rời Liên minh châu Âu (EU).
Số phận của bà May được định đoạt trong cuộc gặp với các nghị sĩ đảng Bảo thủ đang dọa rằng họ sẽ tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm nếu bà không chịu ra đi.
Kế hoạch "Brexit mới" gồm 10 điểm do bà May trình lên vào ngày 21/5 đã khiến nhiều nghị sĩ trong chính đảng của bà nổi giận. Lãnh đạo Hạ viện Andrea Leadsom đã từ chức ngày 22/5 thay vì trình kế hoạch mới này lên quốc hội.
Bà May sẽ ở lại Phố Downing đến tháng sau, để chờ đợi kết quả (và có thể là đón nhận chỉ trích) về thành tích của đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu tuần này. Bà May cũng sẽ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông đến thăm Anh.
|
Cựu ngoại trưởng Boris Johnson, ứng viên hàng đầu cho chức thủ tướng Anh vào lúc này. Ảnh: AFP. |
Sự ra đi của bà May đánh dấu chấm hết cho 3 năm bà vật lộn với những người ủng hộ Brexit trong đảng mình để tìm kiếm một thỏa thuận định hình tương lai của Anh và EU mà tất cả các bên có thể đồng ý. Mọi chuyện càng khó khăn sau khi bà May kêu gọi bầu cử sớm vào năm 2017, để rồi đảng bà mất thế đa số trong quốc hội.
Việc bà May từ chức khởi động cuộc đua vào số 10 Phố Downing. Một số nghị sĩ đảng Bảo thủ đang cạnh tranh cho vị trí này và người thắng cuộc sẽ trở thành thủ tướng tiếp theo. Ứng viên sáng giá nhất vào lúc này là cựu ngoại trưởng Boris Johnson, một người ủng hộ nhiệt thành của Brexit. Khả năng này cũng làm nhiều đảng viên trung lập trong đảng Bảo thủ lo ngại.
|
Sự nghiệp chính trị của bà Theresa May, người vừa tuyên bố sẽ từ chức thủ tướng Anh, bắt đầu vào năm 1997. Khi đó, bà được bầu làm đại biểu quốc hội của Maidenhead, thị trấn thuộc hạt Berkshire, phía đông nam nước Anh. Ảnh: Mirrorpix. |
|
Bà trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của đảng Bảo thủ vào năm 2002. Trong bài phát biểu tại đại hội đảng cùng năm, bà May kêu gọi các thành viên đảng thay đổi, trong bối cảnh Công đảng đã có những chiến thắng liên tiếp. Ảnh: Guardian. |
|
Bà May và ứng viên lãnh đạo đảng Bảo thủ lúc đó là ông David Cameron trò chuyện hồi năm 2005. Sau này cả hai người đều trở thành thủ tướng Anh và đều phải từ chức trước khi nhiệm kỳ kết thúc. Ảnh: PA. |
|
Sau khi ông Cameron trở thành thủ tướng vào năm 2010, bà May được bổ nhiệm giữ vị trí bộ trưởng nội vụ. Di sản của bà trong thời gian này là các kế hoạch cải tổ lực lượng cảnh sát, lập trường cứng rắn với tội phạm ma túy và việc hạn chế người nhập cư vào Anh. Ảnh: PA. |
|
Sau khi ông Cameron từ chức vào năm 2016, vào buổi sáng công bố kết quả trưng cầu dân ý cho thấy người dân Anh muốn rời khỏi EU (Brexit), bà May công bố kế hoạch tranh cử vị trí lãnh đạo đảng Bảo thủ. Ảnh: AP. |
|
Sau cuộc thương lượng quyền lực với một ứng viên nổi bật khác là cựu thị trưởng London Boris Johnson, bà May trở thành lãnh đạo đảng - tức thủ tướng, còn ông Johnson giữ vị trí bộ trưởng ngoại giao. Bà May trình diện Nữ hoàng Elizabeth II sau khi chính thức trở thành thủ tướng vào ngày 13/7/2016. Ảnh: PA. |
|
Bà May và Tổng thống Mỹ Donald Trump nắm tay nhau đi trong Nhà Trắng khi thủ tướng Anh thăm Mỹ vào tháng 1/2017. Ảnh: New York Times. |
|
Để có thêm quyền kiểm soát trong quá trình thương lượng Brexit với EU, bà May mở cuộc bầu cử sớm vào tháng 6/2017. Ảnh: Reuters. |
|
Thủ tướng Anh Theresa May đến sớm trong cuộc gặp với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vào tháng 10/2017. Như đã dự đoán trước, quá trình thương lượng Brexit diễn ra hết sức khó khăn với chính phủ của bà May, khi vừa phải làm hài lòng quốc hội Anh, vừa cần sự chấp thuận của EU. Ảnh: AFP. |
|
Phản ứng của Thủ tướng May khi kế hoạch Brexit mà bà đạt được với EU bị các nghị sĩ quốc hội "vùi dập" không thương tiếc trong lần bỏ phiếu đầu tiên vào tháng 1/2019. Ảnh: PA. |
|
Bà May và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker tại trụ sở EC ở Brussels hồi tháng 2. Thủ tướng Anh đã có quá trình trung gian hết sức bận rộn để đạt được một thỏa thuận Brexit làm hài lòng cả EU và quốc hội Anh. |
|
Bà May gặp khó khăn khi phát biểu trước quốc hội vì bị đau họng, trong bối cảnh các nghị sĩ không chấp nhận thỏa thuận Brexit của bà lần thứ hai. Ảnh: Barcroft Images. |
|
Bà May ở trong xe rời khỏi hạ viện sau khi hứa sẽ từ chức nếu các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận Brexit của bà, vốn đã bị từ chối hai lần trước đó. Ảnh: Getty. |
|
Bà May gần như sắp khóc sau khi kết thúc bài phát biểu bên ngoài nhà số 10 phố Downing - văn phòng thủ tướng Anh hôm 24/5. Bà tuyên bố sẽ từ chức lãnh đạo đảng Bảo thủ vào ngày 7/6. "Tôi đã làm việc với lòng biết ơn to lớn và bền bỉ vì được có cơ hội phụng sự đất nước tôi yêu", bà nghẹn ngào nói. Ảnh: Reuters. |
Theo Zing
Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại
Investo.