logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ tư, 31/07/2024

Nước Mỹ muốn hạ bệ Huawei, nhưng bất thành

Gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc ban đầu đã gặp khó khăn sau lệnh trừng phạt của Mỹ - nhưng rồi Bắc Kinh đã vào cuộc

Nước Mỹ muốn hạ bệ Huawei, nhưng bất thành

Một cửa hàng của Huawei ở Trùng Khánh, Trung Quốc

Năm năm trước đây, Washington đã trừng phạt Huawei, cắt bỏ quyền tiếp cận với các công nghệ Mỹ cao cấp của công ty Trung Quốc này, bởi lo ngại rằng gã khổng lồ viễn thông có thể do thám người dân Mỹ và đồng minh của minh. Rất nhiều người trong ngành đã nghĩ rằng nó sẽ gióng lên hồi chuông báo tử cho một trong những công ty công nghệ quan trọng nhất xứ Trung.

Huawei đã gặp khó khăn lúc ban đầu – nhưng giờ đây đang trở lại hết sức mạnh mẽ.

Được thúc đẩy bởi hàng tỷ đô-la tiền nhà nước hỗ trợ, Huawei đã mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới, thúc đẩy lợi nhuận và tìm ra những cách thức mới để hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp của Mỹ.

Công ty từ đó đã giữ vững vị trí hàng đầu ở thị trường thiết bị viễn thông thế giới, bất chấp những nỗ lực của người Mỹ nhằm loại Huawei khỏi mạng lưới của các đồng minh của nước này. Và công ty đang thực hiện một sự trở lại ngoạn mục trong lĩnh vực điện thoại thông minh cao cấp, sử dụng loại chip mới tinh vi được chính công ty phát triển, hòng lấy đi khách hàng từ tay Apple.

Cùng lúc đó, một công ty tự nhận là độc lập với Bắc Kinh đãng biến đổi thành một điều gì đó tương tự như một nhà vô địch quốc gia, giúp đỡ Trung Quốc dứt bỏ khỏi các nhà cung cấp nước ngoài – một phần của chiến dịch lớn hơn nhằm loại bỏ công nghệ Mỹ ra khỏi Trung Quốc, có tên là “Delete A” viết tắt của Delete America (tạm dịch: xóa bỏ nước Mỹ). Sự hồi sinh của nó cho thấy lý do tại sao lại khó khăn cho nước Mỹ để kiềm chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc.

“Chiến dịch chống lại Huawei của chính phủ Mỹ vô tình thúc đẩy sự hồi phục của công ty, minh chứng cho câu ngạn ngữ xưa rằng những gì không thể quật ngã được bạn sẽ khiến bạn mạnh mẽ hơn,” Sameh Boujelbene, một chuyên gia phân tích ở công ty nghiên cứu Dell’Oro Group, cho biết.

Tiền của nhà nước là rất quan trọng. Dù chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ cho Huawei từ những ngày đầu tiên, nhưng sự hỗ trợ đó còn mạnh mẽ hơn trong những năm gần đây. Lợi nhuận của Huawei đã tăng gấp hơn hai lần vào năm ngoái, mức tăng lớn nhất trong ít nhất hai thập kỷ. Khoảng hai phần ba doanh thu của hãng đến từ khách hàng nội địa.

Các hợp đồng chính phủ và hồ sơ đăng ký công ty, cũng như các cuộc phỏng vấn nhân viên cũ và còn làm việc, cho thấy hàng tỷ đô-la Mỹ đã chảy từ chính phủ Trung Quốc vào Huawei thông qua các hợp đồng mua ưu đãi và trợ cấp. Các doanh nghiệp nhà nước, cơ quan chính phủ và cơ quan Đảng Cộng sản đều có nhu cầu mua chip, điện thoại thông minh, dịch vụ đám mây và phần mềm của Huawei, khi một số hợp đồng mua sắm đều nêu rõ tên thiết bị của Huawei.

Nước Mỹ muốn hạ bệ Huawei, nhưng bất thành

Những chiếc điện thoại thông minh mới được ra mắt tại một cửa hàng Huawei ở Bắc Kinh

Nước Mỹ muốn hạ bệ Huawei, nhưng bất thành

Xe điện Luxeed S7, được đồng phát triển bởi Huawei và Chery Automobile, trong một buổi triển lãm ở Trùng Khánh

Chính quyền địa phương đã mua lại các hoạt động kinh doanh của Huawei, một hình thức bơm tiền mặt. Trước đây khi còn phụ thuộc vào hệ điều hành Android của Google cho các thiết bị tiêu dùng, Huawei cũng đã xây dựng một hệ điều hành riêng của mình. Thậm chí công ty còn lấn sân sang xe điện – một nhiệm vụ mà Apple đã từ bỏ, và phát triển một phiên bản Bluetooth của riêng mình.

Huawei vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Các con chip bán dẫn tiên tiến nhất của hãng vẫn đi sau các công ty đầu ngành như Nvidia, và một vài chuyên gia trong ngành tin rằng Huawei sẽ khó có thể tiếp tục đổi mới nếu như không được tiếp xúc với các công nghệ tiên tiến hơn của phương Tây.

“Chúng tôi đã kinh qua rất nhiều chỉ trong vài năm. Nhưng từ thách thức này đến khó khăn khác, chúng tôi đã xoay xở để phát triển,” Huawei cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản, nói thêm rằng công ty nợ sự tồn tại và phát triển của mình đối với niềm tin và ủng hộ của khách hàng toàn cầu, đối tác và “toàn bộ các ngành trong xã hội”. Việc duy trì khoản đầu tư cho R&D (Nghiên cứu và Phát triển) sẽ trở nên quan trọng trong tương lai, công ty cho biết. 

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và Bộ Tài chính của Trung Quốc, cơ quan quản lý hoạt động mua sắm của chính phủ, đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Nước Mỹ muốn hạ bệ Huawei, nhưng bất thành

Tại Mỹ, những người ủng hộ lệnh hạn chế Huawei cho biết họ đã đạt được mục tiêu chính của mình: giảm thiểu số lượng thiết bị của Huawei ở các mạng lưới tại Mỹ và các đông minh quân sự của nước này.

“Mục tiêu ở đây không phải là đẩy Huawei ra khỏi thị trường,” ông Matt Pottinger, cựu cố vấn an ninh quốc gia thời chính quyền Trump, hiện là chủ tịch chương trình Trung Quốc của tổ chức nghiên cứu Foundation for Defense of Democracies (Tổ chức Bảo vệ Dân chủ). “Nó là để bảo vệ các đồng minh và dữ liệu của chúng ta, và nếu điều đó khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn với Huawei, thì lại càng tốt hơn.”

Washington đang thận trọng theo dõi tiến trình của Huawei. Một quan chức Mỹ cho biết Washington hiện đang theo dõi sát sao những nỗ lực của Huawei trong việc tự sản xuất con chip bán dẫn của mình, trong trường hợp cần có thêm hành động để ngăn Trung Quốc khỏi việc sản xuất các con chip chuyên cho trí tuệ nhân tạo, có thể mang lại cho Bắc Kinh lợi thế quân sự.

Đường phát triển bị ngắt đoạn

Huawei được thành lập vào năm 1987 bởi ông Nhậm Chính Phi (hiện đã 79 tuổi), với tư cách là công ty sản xuất chuyển mạch điện thoại. Nó đã phát triển trở thành một trong những nhà cung ứng điện thoại thông minh và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, và là một trong những công ty tư nhân có lợi nhuận cao nhất ở Trung Quốc, với khoảng 48% doanh thu tới từ khách hàng quốc tế vào năm 2018.

Nước Mỹ muốn hạ bệ Huawei, nhưng bất thành

Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Nhậm Chính Phi (trái) tại văn phòng ở London của công ty

Khi căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, các quan chức phương Tây ngày càng lo ngại rằng Huawei có thể gây ra rủi ro an ninh tới các quốc gia sử dụng thiết bị của hãng. Nhận định về công ty này ở nước ngoài trở nên xấu hơn khi Mạnh Vãn Chu, một giám đốc điều hành của Huawei và con gái ông Nhậm, đã bị bắt ở Canada vào năm 2018 vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Chính quyền ông Trump, vốn đã vận động các đồng minh loại trừ Huawei ra khỏi mạng lưới của họ, đã đưa công ty này vào danh sách đen của Bộ Thương mại, cấm các công ty như Intel, Qualcomm và Google không được cung cấp công nghệ từ Mỹ cho Huawei mà không có giấy phép.

Huawei đã phủ nhận việc sản phẩm của họ được dùng cho mục đích do thám các quốc gia phương Tây, và hạ thấp mọi mối quan hệ với nhà nước Trung Quốc. Theo truyền thông đại lục, trong những năm đầu thành lập công ty, ông Nhậm đã từ chối sự giuýp đỡ của thủ tướng Trung Quốc khi đó trong việc vay vốn để Huawei có thể duy trì khoảng cách với các nhà cầm quyền.

Sau khi Mỹ áp đặt lệnh hạn chế, Huawei và chính phủ Trung Quốc trở nên thân cận hơn. Sau đó, các nhà lãnh đạo Huawei tuyên bố mọi sản phẩm mà họ làm ra trong tương lại đều có thể dựa hoàn toàn vào các nguyên liệu do công ty Trung Quốc phát triển.

Trong bài phát biểu trước công chúng năm ngoái, ông Nhậm nhớ lại chuyện một giám đốc điều hành của Huawei đã nói với ông: “Nước Mỹ không hiểu rằng với đòn giáng này, họ đang biến người ủng hộ lớn nhất cho Mỹ thành người chỉ trích to nhất.”

Nước Mỹ muốn hạ bệ Huawei, nhưng bất thành

Bà Mạnh Vãn Chu của Huawei phát biểu tại Vancouver năm 2021 sau khi được thả khỏi trại giam

Ông Nhậm đã so sánh công ty như một chiếc máy bay quân sự của Liên Xô bị rơi trong Thế Chiến II vào một hồ nước ở Kazakhstan, chỉ mới được sửa chữa trong những năm gần đây và được phục hồi trở lại. Chiếc Ilyushin Il-2, còn được gọi là Xe tăng Bay, đã cất cánh lần nữa. Huawei đã phát đi một đoạn phim về chiếc máy bay này tới nhân viên với khẩu hiệu: “Anh hùng là do rèn luyện, không phải do sinh ra.”

Tuy vậy, Huawei sẽ phải vật lộn trong một thời gian để duy trì được vị thế. Trong năm 2021, doanh thu của công ty đã giảm gần 30% so với năm trước. Hoạt động kinh doanh thiết bị viễn thông cốt lõi của hãng cũng đang gặp khó khăn. iPhone của Apple chiếm lĩnh thị phần điện thoại của Huawei.

Huawei đã tập trung vào việc xây dựng thêm chuỗi cung ứng của riêng mình và mở rộng sang các lĩnh vực mới có thể tạo ra doanh thu nhằm duy trì hoạt động của công ty, bao gồm điện toán đám mây và các dịch vụ khác, theo Chris Peirera, cựu quản lý cấp cao phụ trách quan hệ công chúng của Huawei. Ông Peirera cũng cho biết ông Nhậm là một nhà lãnh đạo truyền động lực. 

“Trong quá khứ, chúng tôi đã theo đuổi lý tưởng toàn cầu hóa, quyết tâm phục vụ nhân loại. Giờ mục tiêu của chúng tôi là gì? Đó là sống sót. Chúng tôi sẽ kiếm tiền ở bất kỳ nơi nào có thể,” ông Nhậm sau đó đã nói với nhân viên trong một lá thư gửi nội bộ.

Trung Quốc giải cứu

Sự hỗ trợ từ chính phủ bắt đầu nhiều hơn kể từ Ngày Thứ Nhất của lệnh trừng phạt

Vào ngày 16/05/2019 – ngày Bộ Thương mại đưa Huawei vào danh sách đen thương mại – chính quyền địa phương của Thâm Quyến, nơi Huawei đặt trụ sở, đã đăng ký một công ty đầu tư. Tổ chức đó, Shenzhen Major Industry Investment Group, hay SMII, tập trung cho chip bán dẫm, đầi tư vào các xưởng chế tạo, sản xuất thiết bị và vật liệu giúp bảo đảm bảo rằng Huawei được cung cấp đủ chip được sản xuất nội địa và các công nghệ khác.

Hai công ty được thành lập bởi SMII, bao gồm một xưởng chế tạo chip, đã chiêu mộ các cựu giám đốc điều hành của Huawei, theo lời những người biết về vấn đề này. Một công ty đã nhận được khoảng một tá các công nghệ đã được cấp bằng sáng chế, được chuyển giao từ Huawei. Các giám đốc quản lý nhân sự của Huawei đã hỏi những chuyên gia nghiên cứu của công ty rằng họ có muốn làm việc tại đơn vị đó hay không, hứa hẹn rằng các chế độ phúc lợi sẽ vẫn được giữ nguyên nếu như họ chuyển đi, theo lời người biết về vấn đề này.

Nước Mỹ muốn hạ bệ Huawei, nhưng bất thành

Một dây chuyền sản xuất của Huawei tại Đông Quan năm 2019

Dữ liệu chính thức cho thấy hoạt động nhập khẩu thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Thâm Quyến đã tăng vọt sau khi SMII hoạt động.

Chính quyền Thâm Quyến và SMII không trả lời các yêu cầu bình luận. Huawei cho biết không phải toàn bộ hoạt động liên quan đến chip bán dẫn của chính quyền Thâm Quyến đều liên quan đến Huawei.

Một công ty mới, có phần lớn vốn góp của Thâm Quyến, cũng đã mua lại hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh Honor của Huawei, vốn đang gặp khó khăn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Thỏa thuận này có giá lên tới hàng tỷ đô-la Mỹ, theo lời người biết về vấn đề này. Khoản tiền mặt này cho phép Huawei tập trung vào các hoạt động kinh doanh khác, bao gồm dòng điện thoại Mate cao cấp hơn.

Nước Mỹ muốn hạ bệ Huawei, nhưng bất thành

Nguồn hỗ trợ tài chính trực tiếp cũng được tăng lên. Huawei đã nhận được hơn 1 tỷ USD tiền tài trợ của chính phủ vào năm 2023, nhiều hơn gấp bốn lần số tiền mà công ty đã nhận được năm 2019, theo báo cáo tài chính của Huawei. Tổng cộng, Huawei đã nhận gần 3 tỷ USD trong vòng 5 năm qua, chiêm 3% tổng chí phí R&D của công ty.

Nước Mỹ cũng đang đưa ra các khoản trợ cấp lớn để khuyến khích hoạt động sản xuất chip nội địa, dù nước này cũng đang trợ giúp các công ty nước ngoài, bao gồm cả Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. 

Bắc Kinh đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan nhà nước mua nhiều hơn nữa các phần mềm, chip và thiết bị điện thoại của Huawei, một chính sách thúc đẩy Huawei đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các công ty của Mỹ, bao gồm Apple, công ty sở hữu những chiếc iPhone từ lâu đã không được phép sử dụng tại nơi làm việc đối với nhiều nhân viên chính phủ.

Một đơn vị nghiên cứu của chính phủ đã nêu tên Huawei là một trong bống gã khổng lồ công nghệ mũi nhọn, nhận được sự thúc đẩy của quốc gia nhằm dứt bỏ bản thân khỏi công nghệ nước ngoài, trong khi một cơ quan chính phủ khác đã chỉ định Huawei là nhà cung cấp chip AI, máy chủ và các phần mềm doanh nghiệp khác được nhà nước ưa thích.

The Wall Street Journal đã tìm thấy hơn 300 hợp đồng mua sắm của chính phủ trị giá khoảng 5 tỷ USD, đặc biệt kêu gọi thực hiện mua máy chủ và các cơ sở hạ tầng công nghệ khác sử dụng bộ xử lý trung tâm (CPU) Kunpeng của Huawei vào năm 2023. Các hợp đồng khác đã liệt kê CPU của Huawei trong số ít những công ty cung cấp địa phương được ưa chuộng.

Tất cả những điều này hoàn toàn trái ngược với 5 năm trước đây, khi các cơ quan chính phủ đặc biệt yêu cầu sản phẩm từ các công ty sản xuất chip của Mỹ, Intel hoặc AMD.

Chính sách mua hàng nội địa của Trung Quốc thậm chí còn rõ ràng hơn trong lĩnh vực thiết bị viễn thông, nguồn thu lớn nhất của Huawei. Các công ty mạng không dây thuộc sở hữu nhà nước ở Trung Quốc hầu hết đã ngừng mua thiết bị từ các đối thủ cạnh tranh nước ngoài của Huawei, Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan), ngay cả khi một trong hai tập đoàn này đã đưa ra giá hợp đồng rẻ hơn so với các công ty Trung Quốc. Sự chuyển đổi này diễn ra trong khi Thụy Điển và các nước châu Âu khác ám chỉ rằng họ sẽ loại trừ Huawei và ZTE, một công ty sản xuất thiết bị khác của Trung Quốc, khỏi mạng lưới của họ.

Ericsson và Nokia nắm giữ khoảng 15% thị phần thiết bị di động của Trung Quốc trước khi 5G được triển khai vào năm 2019. Giờ đây, tại thị trường thiết bị di động 5G, thị phần của họ chỉ còn khoảng 4-5%, theo công ty nghiên cứu Dell’Oro.

Chống lại ‘áp bức từ nước ngoài’

Dù cho Huawei vẫn đang tìm cách bán sản phẩm của họ ra nước ngoài, tại các thị trường như Đông Nam Á và châu Phi, nhưng công ty đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc hơn bao giờ hết, khi 67% doanh thu năm ngoái là từ khách hàng nội địa. Công tu thường tự mô tả nó là nhà vô địch quốc gia, ưu tiên phục vụ Trung Quốc.

Việc bắt giữ bà Mạnh, con gái ông Nhậm, của Canada đã giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi đó. Bắc Kinh đã giam giữ hai công dân Canada nhằm mục đích trả đũa và đàm phán để thả bà. Khi bà Mạnh bước ra khỏi máy bay ở Trung Quốc vào tháng 9/2021 sau 3 năm bị giam giữ, bà đã bày tỏ sự biết ơn khi phát biểu trước đám đông những người tập trung lại để chào đón bà.

Nước Mỹ muốn hạ bệ Huawei, nhưng bất thành

Bà Mạnh ở sân bay Thâm Quyến năm 2021

Với sự hỗ trợ lớn từ chính phủ, Huawei đã có thể tránh được những đợt cắt giảm lớn, có khả năng làm yếu hoạt động R&D của hãng hoặc dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám. Huawei đã tăng chi tiêu cho R&D lên tới gần 165 tỷ CNY (23 tỷ USD) vào năm ngoái, tăng từ mức 102 tỷ CNY hồi năm 2018. Hơn một nửa trong số 207 nghìn nhân viên của Huawei làm trong bộ phận R&D.

Huawei hiện đang là công tiên phong trong nỗ lực của Trung Quốc để phát triển những con chip tiên tiến, để rũ bỏ sự phụ thuộc vào Nvidia và Intel, khi chính quyền Biden đang tìm cách hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc phát triển chip và công nghệ tiên tiến, được cho có khả năng hỗ trợ cho chiến tranh và giám sát của nước này. Gã khổng lồ ngành chip Nvidia của Mỹ đã chỉ đích danh Huawei là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của họ vào hồi tháng Hai.

Tháng Tám năm ngoái, Huawei đã cho ra mắt Mate 60 Pro, một chiếc điện thoại thông minh có khả năng tương tự 5G và sử dụng con chip được công ty tự phát triển. Rất nhiều người tiêu dùng xứ Trung đã trích dẫn lòng tự hào dân tộc như là một lý do để mua điện thoại thông minh của Huawei, sự thành công đó đã dẫn đến sự sụt giảm mạnh của doanh số bán iPhone của Apple cho đến tận bây giờ.

Chưa đầy một tháng sau khi chiếc điện thoại này ra mắt, một nhóm các nhà nghiên cứu của Huawei đã tụ hợp tại một nhà hàng ở ngoại ô Bắc Kinh và chúc mừng cho các kỹ sư đã làm việc trong dự án tại HiSilicon, một đơn vị sản xuất chip của Huawei.

“Những người HiSilicon các anh thật tuyệt vời,” một trong những nhà nghiên cứu của Huawei nhận xét, theo lời của một người tham dự. “Các nhà quản lý nói với chúng tôi mỗi ngày rằng công việc của chúng tôi sẽ giúp đất nước chống lại sự áp bức từ nước ngoài,” một kỹ sư HiSilicon có mặt ở đó đáp lời.

“Chúng ta đang ngày càng giống với một công ty vốn nhà nước, phải không?”, một nhà nghiên cứu khác nói thêm.

Hải Hà-Theo wsj

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

banner-5-1.jpg