Theo số liệu điều chỉnh của cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (EU) Eurostat, kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng trưởng thấp hơn ước tính trước đó trong quý II năm nay.
Eurozone đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế 0,2% trong quý II so với quý I, thấp hơn mức ước tính 0,3% được đưa ra hồi tháng 7. Eurostat cũng đã điều chỉnh số liệu tăng trưởng kinh tế của EU, theo đó khối này đã tăng trưởng 0,2% trong quý II, thấp hơn một chút so với ước tính trước đó là 0,3%.
Trước đó, các chuyên gia phân tích trong cuộc khảo sát của FactSet và Bloomberg dự đoán nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 0,2% trước khi ước tính đầu tiên được công bố vào tháng 7. Các số liệu điều chỉnh nói trên có thể sẽ làm gia tăng những lo ngại về Eurozone, đặc biệt là đối với Đức. Số liệu chính thức cho thấy kinh tế Đức đã giảm 0,1% trong quý II.
Theo khảo sát của ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB) do S&P Global tổng hợp, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất tại Eurozone đứng ở mức 45,8 trong tháng 8, cao hơn mức ước tính sơ bộ 45,6 và nằm dưới mốc 50 - phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Chuyên gia Cyrus de la Rubia của HCOB nhận định, điều này có thể gây rắc rối cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), vốn đang phải vật lộn với lạm phát dai dẳng trong lĩnh vực dịch vụ trong khi dựa vào giá sản xuất giảm để duy trì đà giảm lạm phát. Lạm phát chung của Eurozone trong tháng 8 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm là 2,2%, củng cố nhu cầu nới lỏng chính sách tiền tệ từ ECB.
Hơn 80% các nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters cho rằng, ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12, ít hơn so với kỳ vọng của thị trường.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng trên toàn cầu đã chứng kiến "dòng chảy" vàng đổ vào tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 8/2024, khi các quỹ niêm yết ở Bắc Mỹ và châu Âu bổ sung lượng vàng nắm giữ.
Các ETF vàng, nơi lưu trữ vàng thỏi cho các nhà đầu tư, là một công cụ đầu tư chính đối với kim loại quý này, trước khả năng lãi suất tại Mỹ sẽ giảm. Giá vàng đã tăng lên mức cao kỷ lục 2.531,60 USD/ounce vào ngày 20/8 vừa qua.
Tuy nhiên, các ETF vàng đã có 3 năm liên tiếp chứng kiến lượng vàng bị rút ra trong bối cảnh lãi suất toàn cầu cao.
Theo WGC, các quỹ ETF vàng đã tiếp nhận lượng vàng đổ vào là 28,5 tấn, tương đương 2,1 tỷ USD, trong tháng 8, nâng tổng lượng vàng nắm giữ lên 3.182 tấn. Giá vàng cao hơn và lượng vàng đổ vào gần đây đã đẩy tổng giá trị tài sản quản lý của các ETF vàng lên là 257,3 tỷ USD vào tháng 8.
WGC ước tính khối lượng giao dịch vàng toàn cầu trong tháng 8 giảm 3,2% so với tháng trước đó xuống 241 tỷ USD mỗi ngày do hoạt động giao dịch trên sàn COMEX thấp hơn. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trung bình trên thị trường phi tập trung tăng 5,9% lên 158 tỷ USD.
Với giá vàng tăng 21% từ đầu năm đến nay và khả năng hạ lãi suất tại Mỹ ngày càng tăng, các nhà đầu cơ đã tăng tổng vị thế mua ròng trên COMEX thêm 17% từ tháng 7 lên 917 tấn vào cuối tháng 8/2024, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.
Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy hoạt động sản xuất của Eurozone vẫn “sa lầy” trong tháng 8, và sự phục hồi có thể còn lâu mới diễn ra do nhu cầu tiêu dùng đang giảm với tốc độ mạnh nhất trong năm nay.
Theo khảo sát của ngân hàng Thương mại Hamburg (HCOB), chỉ số PMI trong lĩnh vực sản xuất tại Eurozone đứng ở mức 45,8 trong tháng 8, cao hơn mức ước tính sơ bộ 45,6 và nằm dưới mốc 50 - phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Chuyên gia Cyrus de la Rubia của HCOB nhận định: “Lĩnh vực sản xuất của Eurozone đã bị mắc kẹt trong một lối mòn, với các điều kiện kinh doanh trở nên tồi tệ trong 3 tháng liên tiếp, dẫn tới đà suy giảm của lĩnh vực sản xuất kéo dài 26 tháng liên tiếp và có thể lâu hơn nữa”.
Chỉ số PMI của Mỹ đã tăng lên mức 47,2% trong tháng 8. Tuy nhiên, chỉ số này tăng thấp hơn dự báo và duy trì dưới ngưỡng 50 trong 5 tháng liên tiếp, cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới vẫn đang trong vùng suy thoái.
Ông Chris Williamson, chuyên gia kinh tế trưởng tại S&P Global Market Intelligence, cho biết: "Chỉ số PMI tiếp tục giảm cho thấy lĩnh vực sản xuất đang trở thành lực cản gia tăng đối với nền kinh tế vào giữa quý III. Các chỉ số tương lai cho thấy lực cản này có thể gia tăng trong những tháng tới".
Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) được dự báo sẽ tiến hành thêm một đợt hạ lãi suất 0,25 điểm %, đưa lãi suất từ mức 4,50% xuống 4,25%. Đây sẽ là lần giảm lãi suất thứ 3 liên tiếp của BoC. Thị trường cũng kỳ vọng BoC sẽ thực hiện thêm 2 đợt cắt giảm lãi suất sau tháng 9, trong bối cảnh nền kinh tế này có dấu hiệu chững lại.
Cán cân thương mại của Canada trong tháng 7 được dự báo đạt mức thặng dư 0,85 tỷ CAD, cao hơn so với mức 0,64 tỷ CAD, và đánh dấu tháng thặng dư thương mại thứ hai liên tiếp. Tuy nhiên, sự suy giảm đáng kể của giá dầu trong tháng 7 đã hạn chế kim ngạch xuất khẩu và thặng dư thương mại của Canada.
Theo Bộ Lao động Mỹ, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của nước này đã giảm trong tuần trước do tình trạng sa thải vẫn ở mức thấp, giúp xoa dịu những lo ngại về thị trường lao động đang dần xấu đi.
Trên cơ sở điều chỉnh theo mùa, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 5.000 đơn, xuống 227.000 đơn trong tuần tính đến ngày 31/8, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7/2024. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu chưa được điều chỉnh cũng giảm 3.352 đơn, xuống còn 189.389 đơn vào tuần trước.
Số liệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới được công bố phù hợp với đánh giá đưa ra trong báo cáo Sách Be được Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố ngày 4/9, theo đó mô tả tình hình việc làm "nói chung ổn định hoặc tăng nhẹ trong những tuần gần đây".
Số đơn xin tiếp tục nhận trợ cấp sau tuần thất nghiệp đầu tiên cũng giảm 22.000 đơn, xuống còn 1,838 triệu đơn trong tuần tính đến ngày 24/8, mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6/2024.
Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động thuộc Bộ Lao động Mỹ (BLS), trong tháng 8, số việc làm phi nông nghiệp tăng 142.000, thấp hơn mức dự báo của Dow Jones là 161.000 việc làm.
Xét theo các ngành, lĩnh vực xây dựng dẫn đầu với 34.000 việc làm mới được bổ sung. Những ngành có số việc làm tăng trưởng đáng kể khác gồm chăm sóc sức khoẻ (31.000 việc làm), hỗ trợ xã hội (13.000 việc làm). Mặt khác, lĩnh vực sản xuất giảm 24.000 việc làm trong tháng 8.
Xét về tiền lương, thu nhập bình quân theo giờ tăng 0,4% trong tháng 8 và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cả hai con số này đều cao hơn so với ước tính lần lượt là 0,3% và 3,7%..
Tăng trưởng việc làm trong tháng 8 thấp hơn kỳ vọng, song tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức 4,2% cho thấy thị trường lao động Mỹ đang chậm lại một cách ổn định, làm gia tăng khả năng sẽ không có một đợt cắt giảm lãi suất lớn trong cuộc họp tới đây của FED.
Những sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần qua đã tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu và chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư. Hãy tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin nhanh nhất, mới nhất và chính xác cùng Investo.