Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Ryozo Himino cho biết, BoJ sẵn sàng tăng lãi suất nếu lạm phát vẫn phù hợp với dự báo, mặc dù cần theo dõi chặt chẽ sự biến động hiện nay trên các thị trường tài chính.
Ông Himino cho biết, nếu BoJ dự kiến hoạt động kinh tế và giá cả chuyển động đúng hướng thì họ sẽ điều chỉnh mức độ nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, các thị trường tài chính vẫn "bất ổn" sau những biến động mạnh của cổ phiếu Nhật Bản và các giao dịch ngoại tệ hồi đầu tháng 8. BoJ sẽ tiếp tục theo dõi các động thái của thị trường với "sự thận trọng cao nhất".
Phó thống đốc BoJ thông báo, lạm phát vẫn duy trì trên mục tiêu 2% của ngân hàng này do giá năng lượng, thực phẩm tăng và dự kiến sẽ giảm dần. BoJ hy vọng trạng thái cân bằng sẽ bắt đầu vào năm tài chính tiếp theo.
Những phát biểu này phần lớn phù hợp với những gì mà Thống đốc BoJ, Kazuo Ueda đã bày tỏ tại phiên họp Quốc hội hôm 23/8. Các nhà đầu tư trên thị trường nhận định rằng ngân hàng này sẽ không tăng lãi suất nếu vẫn còn nhiều bất ổn trên thị trường.
BoJ chịu áp lực phải trấn an thị trường sau khi ông Ueda tuyên bố vào ngày 31/7 rằng lãi suất có thể được tăng thêm vào cuối năm 2024, cùng với những lo ngại về nền kinh tế Mỹ tăng trưởng yếu khiến chỉ số chứng khoán Nikkei sụt giảm lịch sử.
Sau những biến động mạnh của thị trường, Phó thống đốc BoJ Shinichi Uchida cho biết, BoJ sẽ giữ nguyên chính sách lãi suất để duy trì nới lỏng tiền tệ và sẽ không nâng tiếp nếu thị trường tài chính không ổn định.
Mặc dù lĩnh vực tiền điện tử chứng kiến các vụ tấn công dường như xảy ra hàng tuần, nhưng theo nền tảng Immunefi, trong tháng 8/2024, số lượng tiền điện tử bị đánh cắp trong các vụ tấn công và lừa đảo đã sụt giảm đáng kể.
Trong tháng 8, chỉ có khoảng 15 triệu USD tiền điện tử bị đánh cắp, nâng tổng số tiền bị đánh cắp từ đầu năm 2024 đến nay lên hơn 1,2 tỷ USD. Mặc dù con số này thể hiện mức tăng đột biến 15% về số tiền điện tử bị đánh cắp trong năm 2024 so với năm 2023, nhưng số tiền bị đánh cắp trong hơn 150 vụ việc đã được phân ra trong 8 tháng đầu năm 2024.
Phần lớn các cuộc tấn công trong năm nay nhắm vào DeFi (các dịch vụ tài chính phi tập trung dựa trên công nghệ blockchain) và không phải là do lỗ hổng mã nguồn hoặc khóa riêng tư bị đánh cắp.
Mã phân nhánh đã khiến những vụ lừa đảo có mục tiêu và các vụ trộm tiền điện tử khác trở nên phổ biến hơn trên BNB Chain. 1,64 tỷ USD đã bị đánh cắp khỏi BNB Chain kể từ khi nó được tạo ra vào năm 2017 và con số đó dự kiến sẽ tăng lên khi tin tặc tìm kiếm nhiều cơ hội có giá trị cao hơn trên mạng.
Theo nhà kinh tế trưởng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Philip Lane, cuộc chiến đưa lạm phát trở lại mức 2% của ECB vẫn chưa kết thúc và lãi suất phải duy trì ở mức cao cần thiết để có thể đạt được mục tiêu đó mà không gây thiệt hại quá mức cho nền kinh tế. Tuy nhiên, tại hội nghị Jackson Hole hôm 23/8, ông Lane đã cảnh báo rằng chính sách thắt chặt quá mức cũng gây ra những nguy hiểm - đặc biệt là đối với nền kinh tế Eurozone đang mất đà.
Ông Lane cho rằng việc trở lại mục tiêu cần phải bền vững. Một lộ trình lãi suất quá cao trong thời gian quá dài sẽ dẫn đến lạm phát liên tục dưới mục tiêu trong trung hạn và sẽ không hiệu quả về mặt giảm thiểu tác dụng phụ lên sản lượng kinh tế và việc làm.
Ngày càng nhiều nhà hoạch định chính sách ủng hộ kỳ vọng của thị trường về việc ECB cắt giảm lãi suất lần thứ hai tại cuộc họp tháng 9/2024. ECB được dự báo có thể sẽ có thêm 1 hoặc 2 lần cắt giảm lãi suất sau đó trong năm nay.
Lợi nhuận của các công ty công nghiệp Trung Quốc trong tháng 7 đã tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi đã tăng 3,6% trong tháng 6. Đây là mức tăng nhanh nhất trong 5 tháng, giữa bối cảnh nhu cầu trong nước yếu đang làm dấy lên câu hỏi liệu đà phục hồi này có thể kéo dài hay không.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, khoản lợi nhuận này đã tăng 3,6% lên 4.099 tỷ NDT (575 tỷ USD). Con số này cao hơn dự báo của Bloomberg Economics về mức tăng trưởng lợi nhuận đạt 3,5%, tương đương tốc độ trong nửa đầu năm.
Mặc dù tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ chậm lại vào tháng 7, các đơn đặt hàng ở nước ngoài đã hỗ trợ cho đà phục hồi lợi nhuận của các công ty công nghiệp ngay cả khi tranh chấp thương mại và thuế quan mới nổi lên như những rủi ro lớn.
Ngày 28/8, Nvidia công bố báo cáo tài chính vượt kỳ vọng, trong đó doanh thu bán hàng trong quý II/2024 đạt 30 tỷ USD, cao hơn mức dự báo 28 tỷ USD được đưa ra trước đó. Lợi nhuận trong quý II đạt 16,5 tỷ USD. Như vậy, cả doanh thu và lợi nhuận của Nvidia trong quý II đều tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Chuyên gia phân tích công nghệ Jacob Bourne của Emarketer nhấn mạnh Nvidia tiếp tục gặt hái thành công, với kết quả kinh doanh vượt kỳ vọng, dù bất ổn kinh tế gia tăng và lo ngại về bong bóng trí tuệ nhân tạo (AI).
Phố Wall đánh giá Nvidia là cổ phiếu quan trọng nhất trên thế giới. Trước thời điểm công ty công bố kết quả kinh doanh quý II, cổ phiếu Nvidia đã tăng khoảng 160% so với đầu năm và chiếm hơn 30% mức tăng của chỉ số S&P 500 trong năm 2024.
Số liệu sơ bộ do Cục Thống kê Liên bang công bố cho thấy người tiêu dùng Đức đã giảm bớt một phần áp lực lên “ví tiền” trong tháng 8, khi lạm phát giảm xuống chỉ còn 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái và thấp hơn so với mức 2,3% ghi nhận trong tháng 7. Cùng với lạm phát giảm, giá cả thậm chí giảm thêm 0,1% so với tháng trước.
Với mức thấp nhất trong hơn 3 năm qua và vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế, lạm phát của Đức đã giảm xuống dưới mục tiêu lạm phát chung là 2% của ECB đặt ra cho Eurozone. Số liệu thống kê mới này có thể thúc đẩy ECB cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 9.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng - vốn chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế của nước này - đã tăng 0,5% trong tháng 7, sau khi tăng 0,3% trong tháng 6. Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo hoạt động chi tiêu sẽ tăng tốc với mức tăng 0,5%.
Chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh trong tháng 7 cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang tăng trưởng vững vào đầu quý III/2024. Chi tiêu tiêu dùng vẫn duy trì phần lớn động lực từ quý II, là nhân tố giúp thúc đẩy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lên mức 3%, sau khi tăng 1,4% trong quý I.
Hiện đã xuất hiện những lo ngại về thể trạng kinh tế Mỹ sau khi tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức cao nhất trong gần 3 năm là 4,3% vào tháng 7. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp tỷ lệ thất nghiệp tăng, khiến các thị trường và một số nhà kinh tế cân nhắc về dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9.
Những sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần qua đã tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu và chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư. Hãy tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin nhanh nhất, mới nhất và chính xác cùng Investo.