Quyết định của các ngân hàng trung ương lớn trong tuần qua cho thấy chính sách tiền tệ trong thời kỳ đại dịch sắp đến hồi kết thúc, tuy nhiên con đường trở lại "bình thường" sẽ còn dài.
Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 1/8 đã cắt giảm lãi suất từ 5,25% xuống 5%. Với động thái này, BoE đã góp mặt cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Canada (BoC) và các ngân hàng trung ương khác trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt, vốn đã được áp dụng để đẩy lùi tình trạng lạm phát leo thang trong thời kỳ đại dịch.
Làn sóng lạm phát đó phần lớn hiện đã lắng xuống và lãi suất sẽ giảm từ đây, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tuần này đã đặt nền tảng cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9, trong bối cảnh lạm phát ở nước này hiện chỉ cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với mức mục tiêu 2%.
Chỉ vài tháng trước đây, việc thoát khỏi cuộc chiến chống lạm phát và tình trạng lãi suất cao vẫn còn là một dấu chấm hỏi, khi lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng lên vào đầu năm, buộc FED phải trì hoãn kế hoạch hạ lãi suất vốn dự kiến bắt đầu vào tháng 6.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là FED, BoE, BoC và ECB đều biết con đường phía trước - đặc biệt là tốc độ và mức độ cắt giảm lãi suất.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết mọi khả năng đều có thể xảy ra tại cuộc họp tháng 9, và một số nhà hoạch định chính sách cho rằng sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất nữa nếu số liệu diễn biến như dự kiến.
Trong khi đó, tại Canada, BoC đã chuyển hướng sang hỗ trợ một nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả trong thời gian gần đây. Ngân hàng này được dự đoán sẽ hạ lãi suất lần thứ 3 liên tiếp vào tháng 9.
Tại Mỹ, thị trường hiện đang dự đoán tình hình kinh tế sẽ diễn biển đủ thuận lợi trong thời gian tới để FED có thể hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tiếp theo, chứ không chỉ 0,25 điểm phần trăm.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các gia đình và cá nhân giàu có đang lo ngại về mức nợ công ngày càng cao của Chính phủ Mỹ là nguyên nhân chính dẫn đến nhu cầu vàng tăng kỷ lục trong quý II/2024, đẩy giá vàng lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay.
Các giao dịch mua vàng cá nhân đã tăng vọt lên 329 tấn trong quý II, gần gấp 5 lần so với quý I. Điều này đã giúp nâng tổng nhu cầu vàng toàn cầu lên 1.258 tấn trong quý II/2024, mức cao nhất trong quý II hàng năm kể từ khi bắt đầu thống kê dữ liệu này vào năm 2000 và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023.
Giá vàng đạt mức cao kỷ lục 2.483,60 USD/ounce hồi đầu tháng 7, do kỳ vọng tăng lãi suất giảm và sự không chắc chắn về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. Hiện tại, kim loại quý này đang giao dịch ở mức giá khoảng 2.380 USD/ounce.
Các nhà đầu tư đang lo ngại về núi nợ công khổng lồ của Mỹ đang ngày càng tăng cao, đặc biệt nếu ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump thắng cử vào tháng 11. Dự báo nợ công của Mỹ sẽ vượt quá mức cao kỷ lục ghi nhận từ thời Thế chiến thứ hai là 106% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2029.
Theo số liệu được Bộ Tài chính Mỹ công bố ngày 29/7, tổng nợ công của chính phủ liên bang lần đầu tiên vượt ngưỡng 35.000 tỷ USD (vào ngày 26/7). Chỉ 7 tháng trước, nợ quốc gia của Mỹ đã vượt qua mốc 34.000 tỷ USD vào cuối tháng 12/2023. Trước đó 3 tháng, nợ công của Mỹ đã chạm mức lịch sử khi vượt qua mức 33.000 tỷ USD.
Việc mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương, vốn giúp đẩy giá vàng tăng hơn 30% kể từ đầu năm 2022, đạt 483 tấn, mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, điều này tính mức giảm 39% trong giữa quý I và quý II. Điều đó có thể khiến mức dự báo lượng vàng mà các ngân hàng trung ương mua vào trong cả năm vượt quá 1.000 tấn khó thành hiện thực hơn, sau khi đạt được mức này trong hai năm trước đó.
Báo cáo tài chính của các tập đoàn công nghệ lớn dự kiến tiếp tục được công bố trong tuần này và bất kỳ sự thất vọng nào cũng có thể khiến thị trường tiếp tục chao đảo trong bối cảnh có những lo ngại về mức định giá quá cao của các cổ phiếu này.
Microsoft công bố báo cáo tài chính vào ngày 30/7, Meta vào ngày 31/7, tiếp theo là Apple và Amazon vào ngày 1/8.
Những con số đáng thất vọng có thể khơi dậy những lo lắng đã gây ra đợt bán tháo mạnh ở Mỹ hôm 24/7, khi cả S&P 500 và Nasdaq đều trải qua ngày giao dịch tồi tệ nhất kể từ cuối năm 2022. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của cổ phiếu công nghệ có thể đã đặt ra tiêu chuẩn cao cho báo cáo tài chính của các công ty này.
Alphabet, công ty mẹ của Google, một trong những nguyên nhân gây ra đợt bán tháo, thực tế đã ghi nhận doanh thu tốt hơn mong đợi, nhưng các nhà đầu tư ngày càng cảnh giác rằng mức chi tiêu ngày càng tăng vào cơ sở hạ tầng AI có thể làm giảm tỷ suất lợi nhuận, khiến cổ phiếu giảm 5%.
GDP của Eurozone trong quý II/2024 tăng trưởng 0,3%, tương đương với quý I/2024. Quý I/2024 ghi nhận mức tăng trưởng đầu tiên sau hơn một năm đình trệ. Mức tăng trưởng ảm đạm trong 6 tháng đầu năm nay ghi nhận sau 5 quý liên tiếp GDP tăng trưởng loanh quanh ở mức 0% do lạm phát leo thang khiến sức mua của người tiêu dùng giảm.
Theo thăm dò của hãng tin Reuters vào đầu tháng 7, kinh tế Eurozone sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 0,7% trong năm 2024 và 1,4% vào năm 2025. Trước đó, theo số liệu sơ bộ do Eurostat công bố vào đầu tháng 7, lạm phát tại Eurozone trong tháng 6 giảm nhẹ, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức rất thấp.
Tỷ lệ lạm phát ở Eurozone trong tháng 6 chỉ tăng 2,5%, thấp hơn mức tăng 2,6% của tháng 5. Lạm phát đang tiến gần đến mức mục tiêu 2% - mức mà ECB coi là lý tưởng để vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, vừa ổn định giá cả.
Sau cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, FED quyết định giữ nguyên lãi suất chuẩn trong phạm vi 5,25% - 5,50%, đồng thời lưu ý tình hình lạm phát tiếp tục có một số tiến triển hướng tới mục tiêu 2% của cơ quan này.
Sự sụt giảm đều đặn của lạm phát trong những tháng gần đây đã thúc đẩy sự đồng thuận rộng rãi trong các nhà hoạch định chính sách của FED rằng cuộc chiến lạm phát đã gần kết thúc. FED đánh giá lạm phát hiện chỉ "tăng nhẹ", một sự thay đổi đáng kể so với đánh giá lạm phát "tăng cao" mà cơ quan này thường xuyên sử dụng trong suốt thời gian qua.
Trong tuyên bố, FED không cam kết cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và nhắc lại rằng các nhà hoạch định chính sách vẫn cần "niềm tin lớn hơn rằng lạm phát đang tiến triển bền vững tới mục tiêu 2%" trước khi hạ chi phí đi vay.
BoE ngày 1/8 giảm lãi suất từ 5,25% xuống 5%, đánh dấu đợt giảm lãi suất đầu tiên của ngân hàng này kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào tháng 3/2020.
Từ tháng 8/2023, BoE giữ nguyên mức lãi suất 5,25%, mức cao kỷ lục trong vòng 16 năm, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao tại Anh.
Mức cắt giảm lãi suất được Ủy ban chính sách tiền tệ BoE (MPC) thông qua với tỷ lệ bỏ phiếu sít sao 5-4. Quyết định cắt giảm lãi suất được đưa ra trong bối cảnh lạm phát tại Anh trong tháng 5 giảm xuống còn 2% và giữ ở mức này trong tháng 6.
Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 7 đã tăng lên gần mức cao nhất trong 3 năm do hoạt động tuyển dụng chậm lại đáng kể, làm gia tăng lo ngại thị trường lao động đang xấu đi và có khả năng khiến nền kinh tế bị suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp lên mức 4,3%, từ mức 4,1% của tháng 6.
Thị trường lao động đang chậm lại, do hoạt động tuyển dụng yếu, trong bối cảnh chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của FED gây áp lực lên nhu cầu. Lĩnh vực phi nông nghiệp đã tạo thêm 114.000 việc làm trong tháng 7, thấp hơn nhiều mức dự báo trước đó là 175.000 việc làm. Số liệu của tháng 6 cũng được điều chỉnh giảm còn 179.000 việc làm, thay vì 206.000 việc làm như báo cáo ban đầu.
Những sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần qua đã tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu và chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư. Hãy tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin nhanh nhất, mới nhất và chính xác cùng Investo.