Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, từ đầu năm đến nay, kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều cú sốc nhưng các nền kinh tế đã đứng vững, thích ứng tốt trong bối cảnh nhiều trở ngại.
Sự leo thang xung đột ở Trung Đông là nguy cơ lớn đối với tăng trưởng kinh tế thế giới, gây sức ép lên các thị trường và đẩy giá dầu lên cao hơn. Sự gián đoạn nghiêm trọng về nguồn cung dầu mỏ từ Trung Đông (nếu xảy ra) sẽ tác động tiêu cực đến các nền kinh tế.
Trong khi đó, xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ như được dự báo vào cuối năm 2023 gần như đã lắng xuống, khi các ngân hàng trung ương lớn đối mặt với thực tế là lạm phát dai dẳng hơn dự kiến và tăng trưởng kinh tế và tiền lương mạnh hơn.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất trong tháng 6. Tuy nhiên, ECB cần thêm thời gian để khẳng định lạm phát đang quay về mức mục tiêu 2% và các số liệu kinh tế tích cực như thị trường lao động mạnh mẽ cho thấy việc tiếp tục hạ lãi suất hiện không phải là yêu cầu cấp bách. Lạm phát tại Eurozone trong tháng 6 đã giảm nhẹ xuống 2,5%, thấp hơn mức 2,6% của tháng 5. Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát cơ bản vẫn ở mức 2,9%.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) ngày 12/6 đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5%. Mặc dù lạm phát đã hạ nhiệt trong năm qua, song các quan chức FED cho rằng việc cắt giảm lãi suất chỉ phù hợp khi nhận thấy lạm phát đang giảm một cách chắc chắn về mục tiêu 2%.
Lạm phát tại Mỹ ở mức 3,3% trong tháng 5, giảm nhẹ so với tháng 4 và vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế. Tốc độ tăng giá chậm lại đáng kể so với mức đỉnh khoảng 9% vào năm ngoái, nhưng lạm phát vẫn cao hơn so với mục tiêu 2% của FED.
Ước tính, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý II/2024 hiện vào khoảng 2%, sau khi tăng trưởng 1,4% trong quý trước. Chủ tịch FED Jerome Powell đánh giá tốc độ tăng trưởng của kinh tế nước này "vẫn vững chắc", với nhu cầu tư nhân "mạnh mẽ", điều kiện cung ứng tổng thể được cải thiện và "sự phục hồi" trong đầu tư nhà ở.
Đối với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, kể từ đầu năm nay, chính phủ nước này đã dùng đòn bẩy chính sách để đối phó với nhiều thách thức, như nhu cầu không cao, môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp, khắc nghiệt và bất ổn hơn,...GDP của Trung Quốc tăng 5,3% trong quý I/ 2024, vượt mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% đặt ra cho cả năm. Doanh số bán lẻ hàng tiêu dùng tăng 4,7% trong quý I so với cùng kỳ năm trước.
Theo các nhà phân tích của công ty tài chính Wedbush, Apple có thể đang trên đà hướng đến mức vốn hóa thị trường 4.000 tỷ USD, nhờ chu kỳ nâng cấp iPhone sắp tới, được thúc đẩy bởi sản phẩm điện thoại iPhone 16 sở hữu các tính năng trí tuệ nhân tạo (AI).
Thị trường đang dần nhận ra rằng với sự ra đời của Apple Intelligence, Apple sẽ trở thành người nắm giữ cuộc cách mạng AI tiêu dùng, với 2,2 tỷ thiết bị iOS và 1,5 tỷ iPhone trên toàn thế giới.
Wedbush dự đoán "làn sóng AI tiêu dùng" có thể bắt đầu với iPhone 16 vào giữa tháng 9, đồng thời cho biết, ước tính, 270 triệu người dùng iPhone đã không nâng cấp trong hơn 4 năm.
Việc ổn định nguồn cung iPhone ở châu Á cũng là "một dấu hiệu rất tốt hướng tới chu kỳ nâng cấp iPhone 16 hoành tráng." Dự báo của Wedbush được đưa ra trong bối cảnh vẫn còn những lo ngại đối với nhà sản xuất iPhone ở khu vực Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng, mặc dù gần đây đã có những dấu hiệu cho thấy doanh số đang được cải thiện.
Wedbush dự đoán quý II sẽ là quý tăng trưởng âm cuối cùng của Trung Quốc, với sự phục hồi tăng trưởng bắt đầu vào quý III, cũng là thời điểm iPhone 16 dự kiến được phát hành.
Các báo cáo tài chính quý II sẽ dần xuất hiện, cho thấy hiệu quả hoạt động mạnh mẽ của các công ty thuộc S&P 500. Trong quý II, dự kiến lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu cũng tăng 4,7%. Tốc độ tăng trưởng dự kiến này là tốt nhất kể từ mức tăng 9,9% được quan sát thấy trong quý I/2022.
Xu hướng điều chỉnh tích cực dẫn đến chu kỳ lợi nhuận này đã tạo tiền đề cho giai đoạn phục hồi liên tục của doanh nghiệp và góp phần cải thiện triển vọng tài chính. Mức tăng trưởng lợi nhuận dự kiến của S&P 500 không chỉ phản ánh sự phục hồi vững chắc mà còn đánh dấu sự thay đổi tiềm năng về động lực của thị trường.
Ngày 9/7, trong buổi điều trần trước Thượng viện, Chủ tịch Powell đánh giá nền kinh tế Mỹ không còn quá nóng, thị trường việc làm đã hạ nhiệt và nhiều lĩnh vực kinh tế đã quay trở lại tình trạng trước đại dịch COVID-19, khiến khả năng cắt giảm lãi suất trở nên mạnh mẽ hơn.
Nhà phân tích thị trường Jim Wyckoff tại chuyên trang Kitco Metals nhận định ông Powell đã không đưa ra bất kỳ bình luận cứng rắn nào trong bài phát biểu và điều này đã củng cố đồn đoán của thị trường về khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Theo công cụ CME FedWatch, các thị trường dự kiến có 75% khả năng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9 và một đợt cắt giảm khác vào tháng 12. Hiện thị trường hướng sự chú ý vào số liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ, công bố ngày 11/7 và báo cáo Chỉ số giá sản xuất (PPI) công bố ngày 12/7.
Chỉ số CPI của Trung Quốc trong tháng 6 đã tăng 0,2% so với một năm trước, thấp hơn mức tăng 0,3% trong tháng 5 và là mức thấp nhất trong 3 tháng. Giá thực phẩm tại giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Cùng tháng, Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã giảm 0,8% so với một năm trước, thấp hơn mức giảm 1,4% trong tháng 5 và phù hợp với mức giảm dự báo 0,8%.
Nhà kinh tế Gabriel Ng tại tổ chức tư vấn Capital Economics, dự báo CPI cả năm tại Trung Quốc sẽ chỉ tăng 0,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu lạm phát chính thức là 3% trong năm 2024.
Trong tháng 6, CPI tổng thể của Mỹ giảm 0,1% so với tháng 5 và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2020. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, CPI trong tháng 6 tăng 3%. Con số này thấp hơn so với dự báo trước đó của giới phân tích là 3,1% và cũng là mức tăng theo năm thấp nhất kể từ năm 2021. Chỉ số CPI lõi tăng 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng yếu nhất kể từ tháng 4/2021.
Các số liệu mới giúp củng cố niềm tin của người dân đối với chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden trong bối cảnh nhà lãnh đạo này đang nỗ lực củng cố sự ủng hộ của cử tri cho cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã ghi nhận mức tăng trưởng nhanh nhất trong 15 tháng vào tháng 6, tăng 8,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức tăng dự báo 8% trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters và mức tăng 7,6% vào tháng 5.
Nhập khẩu trong tháng 6 giảm 2,3%, xuống mức thấp nhất trong 4 tháng, trái ngược với dự báo tăng 2,8%, cũng như mức tăng 1,8% trong tháng 5. Số liệu này cho thấy hoạt động tiêu dùng nội địa yếu.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 99,05 tỷ USD vào tháng 6, mức cao kỷ lục kể từ năm 1981, cao hơn dự báo 85 tỷ USD và 82,62 tỷ USD vào tháng 5.
Những sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần qua đã tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu và chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư. Hãy tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin nhanh nhất, mới nhất và chính xác cùng Investo.