logo
Theo dõi investo trên google news

thứ bảy, 29/06/2024

Nhìn lại Tuần 26: Nhật Bản sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối

  • IMF: Fed cần giữ nguyên lãi suất cho ít nhất là đến cuối năm
  • USD vẫn là đồng tiền dự trữ chính của toàn cầu trong ngắn hạn và trung hạn
  • Singapore tiếp tục là thành phố đắt đỏ nhất thế giới đối với giới siêu giàu
  • 100 thành phố tại châu Âu cần gần 700 tỷ USD để giảm khí thải
  • Sản lượng toàn cầu của Toyota sụt giảm tháng thứ 4 liên tiếp
  • 4 hãng xe Hàn Quốc đưa hơn 456.000 xe về sửa chữa vì lỗi linh kiện
  • Nokia chi hơn 2 tỷ USD để thâu tóm Infinera
  • Vốn hóa thị trường của Amazon cán mốc 2.000 tỷ USD
  • Lufthansa sẽ tăng giá vé đến 72 euro do phí môi trường
  • BofA: Giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce trong 12-18 tháng tới

Nhìn lại Tuần 26: Nhật Bản sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối

Nhật Bản sẵn sàng thực hiện hành động cần thiết đối với thị trường ngoại hối, nhằm ngăn đà giảm giá của đồng yen

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki ngày 27/6 đã lên tiếng trấn an dư luận khi đồng nội tệ giảm mạnh so với đồng USD, xuống mức thấp kỷ lục trong vòng 38 năm qua.

Ông Suzuki bày tỏ quan ngại về ảnh hưởng của biến động tỷ giá giữa đồng yen và USD đối với nền kinh tế. Ông khẳng định các cơ quan chức năng liên quan đang theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ có biện pháp hành động cần thiết để can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Cùng ngày, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho biết Tokyo sẽ có hành động phù hợp, nhằm ngăn chặn những biến động quá mức hoặc những hoạt động đầu cơ thao túng thị trường một cách bất thường. Tuy nhiên, ông Hayashi không nêu rõ liệu chính phủ sẽ hành động để can thiệp thị trường hay không.

Trong phiên 27/6, đồng yen đã phá vỡ mức kháng cự, tức mức tâm lý quan trọng 160 yen/USD, khi giao dịch ở mức 160,52 yen đổi 1 USD, gần với mức thấp nhất trong 38 năm qua là 160,88 yen/1 USD trong phiên giao dịch ngày 26/6.

Tính từ đầu năm đến nay, đồng yen đã giảm 12% so với đồng USD, do các nhà giao dịch tiếp tục kỳ vọng vào sự chênh lệnh lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ. Đồng yen giảm mạnh làm dấy lên suy đoán của thị trường về khả năng Chính phủ Nhật Bản sẽ can thiệp thị trường, bằng cách mua vào số lượng lớn đồng yen.

Tâm điểm thị trường: Triển vọng sáng cho thị trường M&A toàn cầu nửa cuối năm nay

Lãi suất ở mức cao trong thời gian dài, môi trường pháp lý không thuận lợi và thị trường chứng khoán bị thổi phồng dẫn đến các mức định giá cao quá mức đã ảnh hưởng đến hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) toàn cầu trong 3 tháng qua.

Theo Dealogic, số lượng các thỏa thuận được ký kết trên toàn cầu trong quý II đã giảm 21% xuống còn 7.949 thương vụ, song tổng giá trị giao dịch tăng 3,7% lên 769,1 tỷ USD. Số lượng thương vụ trị giá 10 tỷ USD trở lên giảm xuống còn 6 thương vụ trong quý II, so với 8 thương vụ cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn lại Tuần 26: Nhật Bản sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối

Tuy nhiên, các chuyên gia ngân hàng đầu tư và luật sư chuyên về M&A hàng đầu đã gạt bỏ những lo ngại về thể trạng của thị trường M&A, và dự báo triển vọng tích cực khi bước sang nửa cuối năm. Một số chuyên gia nhấn mạnh, tốc độ của hoạt động M&A đã quay trở lại mức của những năm trước đại dịch 2018 và 2019, khi tổng giá trị giao dịch trung bình khoảng 4.000 tỷ USD/năm.

Tổng giá trị M&A của Mỹ đã giảm 3% trong quý II xuống còn 324,4 tỷ USD. Ngược lại, hoạt động M&A ở châu Âu đã phục hồi và tăng 27%, chủ yếu nhờ vào giá trị của một số giao dịch lớn. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch ở châu Á-Thái Bình Dương giảm 18%.

Mặc dù hoạt động giao dịch các thương vụ lớn vẫn ở diễn ra đều, nhưng các chuyên gia cho biết số lượng các "megadeal" (siêu thương vụ), có trị giá hơn 25 tỷ USD, đã chậm lại so với các chu kỳ M&A trước đó, do giới quản lý thắt chặt giám sát chống độc quyền.

Một số tin tức thị trường quan trọng trong tuần

Nhiều nhà đầu tư tin rằng triển vọng dài hạn của cổ phiếu công nghệ là vững chắc nhờ mức lợi nhuận cao và sự phấn khích trước tiềm năng mang tính cách mạng của trí tuệ nhân tạo (AI). Tuy nhiên, sự bùng nổ của các cổ phiếu công nghệ, trong đó, Nvidia tăng tới 155% kể từ đầu năm đến nay, đã làm dấy lên sự lo ngại về sự tăng giá quá mức. Ngược lại, những cổ phiếu đang tụt lại trên thị trường như cổ phiếu vốn hóa nhỏ và nhóm cổ phiếu tài chính, công nghiệp có thể sẽ trở thành món hời với nhiều nhà đầu tư.

Ngay cả khi một đợt thoái lui xảy ra, có rất ít dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư sẽ rời bỏ nhóm cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng dài hạn. Đặt cược vào cổ phiếu công nghệ vẫn là một lựa chọn hấp dẫn, bởi chỉ riêng trong thập kỷ qua, chỉ số Nasdaq 100 đã tăng hơn 400% trong khi Chỉ số Russell 1000 Value tăng khoảng 70%. Cổ phiếu công nghệ cũng có thể phục hồi khá nhanh trong bối cảnh các nhà đầu tư đổ xô mua vào khi giá giảm.

Theo khảo sát của Conference Board, niềm tin người tiêu dùng Mỹ đã giảm nhẹ trong tháng 6/2024 giữa lúc lo ngại ngày càng tăng về điều kiện kinh doanh hiện tại và trong tương lai. Chỉ số niềm tin tiêu dùng đã giảm xuống 100,4 điểm, giảm so với số liệu được điều chỉnh ở mức 101,3 điểm trong tháng 5.

Theo Briefing.com, số liệu của tháng 6 giảm nhẹ so với mức của tháng 5 cho thấy những lo ngại đang diễn ra về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn nhất thế giới trước thềm cuộc bầu cử trong tháng 11/2024. Mặc dù vậy, chỉ số phụ của Conference Board đo lường tình hình kinh doanh và lao động hiện tại vẫn tăng trong tháng 6 lên 141,5 điểm, so với con số được sửa đổi là 140,8 điểm trong tháng 5.

Nhìn lại Tuần 26: Nhật Bản sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối

Theo Viện nghiên cứu thị trường GfK (Đức), phong vũ biểu tâm trạng tiêu dùng ở nước này trong tháng 6 bất ngờ giảm xuống mức âm 21,8 điểm, từ mức âm 21 điểm trong tháng 5. Đây là lần giảm đầu tiên sau 4 tháng liên tiếp tâm trạng tiêu dùng của người dân Đức phục hồi, mặc dù vẫn ở mức rất thấp.

Kỳ vọng của người dân về thu nhập cũng như tăng trưởng kinh tế đều giảm, trong khi lạm phát tăng trở lại, khiến người dân Đức phải hạn chế chi tiêu hơn trước. Sau 4 lần tăng liên tiếp, kỳ vọng về thu nhập của người tiêu dùng giảm 4,3 điểm, xuống mức 8,2 điểm. Kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế cũng giảm 7,3 điểm, xuống mức 2,5 điểm.

Ngược lại, tỷ lệ lạm phát tăng lên mức 2,4% trong tháng 5, so với mức 2,2% trong tháng 3 và tháng 4. Chỉ số xu hướng tiết kiệm cũng tăng 3,2 điểm lên mức 8,2 điểm trong tháng 6. Những diễn biến này dẫn đến tâm trạng tiêu dùng nói chung giảm xuống.  

Các số liệu điều chỉnh lần cuối dự kiến cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý I/2024 đạt mức tăng trưởng hàng quý 1,3% - thấp hơn đáng kể so với mức 3,4% trong quý IV/2023. Kết quả này cũng thấp hơn so với các số liệu được công bố trước đó là 1,6%, và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý II/2022. 

Nhập khẩu tăng mạnh là một trong những nguyên nhân kéo tụt tăng trưởng kinh tế Mỹ, trong khi chi tiêu công và đầu tư trong lĩnh vực tư nhân giảm cũng gây sức ép lên GDP. Tiêu dùng - yếu tố đóng góp phần lớn vào GDP Mỹ đã chậm lại đầu năm nay, nhưng vẫn là động lực tăng trưởng quan trọng trong quý I.

Số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tại Mỹ trong tháng 5 được dự báo không thay đổi so với tháng trước đó, chấm dứt chuỗi 3 tháng tăng liên tiếp. Trước đó, trong tháng 4, số đơn đặt hàng ghi nhận mức tăng theo tháng là 0,7%. Việc nhu cầu đối với hàng hóa lâu bền tại Mỹ đang chững lại, sẽ là tín hiệu tiêu cực cho ngành sản xuất. 

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh  (ONS), GDP của nước này trong 3 tháng đầu năm nay tăng 0,7%, cao hơn so với mức ước tính trước đó là 0,6%. Đây là mức tăng khá khiêm tốn, song cho thấy nền kinh tế Anh đã thoát khỏi tình trạng suy thoái kỹ thuật trong ngắn hạn. Động lực cho sự tăng trưởng này là nhờ lĩnh vực dịch vụ, nhất là dịch vụ chuyên nghiệp, vận tải và kho bãi.

Trong suốt 6 tháng cuối năm 2023, nền kinh tế Anh suy giảm và rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật, trong khi lạm phát tăng vọt khiến chi phí sinh hoạt theo thang. Mặc dù vậy, số liệu đầu tháng này của ONS cho thấy nền kinh tế Anh đã trong tình trạng đình trệ trong tháng 4 vừa qua với tăng trưởng ở mức 0%.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh người dân nước này đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào ngày 4/7 tới.

Nhìn lại Tuần 26: Nhật Bản sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại hối

Những sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần qua đã tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu và chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư. Hãy tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin nhanh nhất, mới nhất và chính xác cùng Investo.

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

370x700.png