Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu của Mỹ đã giảm trong tuần trước, trong khi số nhà xây mới trong tháng 2 rơi xuống mức thấp nhất trong gần 4 năm. Các số liệu này cho thấy hoạt động kinh tế vẫn ở mức vừa phải trong quý II/2024.
Các thống kê trên kết hợp với doanh số bán lẻ ảm đạm trong tháng 5 khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn đang cân nhắc việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Các thị trường tài chính dự đoán sẽ có 1 hoặc nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Nhà kinh tế Bill Adams tại công ty dịch vụ tài chính Comerica (Mỹ) nhận định các chỉ số kinh tế trong quý II cho thấy hoạt động kinh tế chậm lại. Số liệu về thị trường lao động và hoạt động kinh tế yếu đi củng cố kỳ vọng về khả năng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong vài tháng nữa, với lần cắt giảm đầu tiên vào tháng 9 và lần cắt giảm thứ hai vào tháng 12.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đã giảm 5.000 xuống 238.000 trong tuần kết thúc vào ngày 15/6. Trong tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp lần đầu tiên tăng lên 4% kể từ tháng 1/2022.
Số lượng nhà ở mới xây dựng đã giảm 5,5% xuống 1,277 triệu căn vào tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020. Tình trạng thiếu nhà trầm trọng đã thúc đẩy hoạt động xây dựng.
Tuy nhiên, lãi suất thế chấp tăng trong năm nay đã “dội gáo nước lạnh” vào động lực này. Lãi suất trung bình của khoản thế chấp cố định 30 năm đã lên mức cao nhất trong 6 tháng là 7,22% vào đầu tháng 5 trước khi giảm xuống chỉ dưới 7 % vào cuối tháng.
Các nhà kinh tế tại ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng GDP trong quý II/2024 từ 2% xuống 1,9%. Nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng 1,3% trong quý I/2024.
Cổ phiếu của Nvidia đã giảm gần 3,4% trong phiên 20/6, khiến họ phải nhường lại danh hiệu công ty giá trị nhất thế giới cho Microsoft. Với mức giảm 3,5% xuống 130,78 USD/cổ phiếu trong phiên này, giá trị vốn hóa thị trường của Nvidia giảm xuống 3.220 tỷ USD. Microsoft đã trở lại vị trí dẫn đầu khi cổ phiếu có mức giảm nhỏ hơn đáng kể (0,14%) xuống 445,70 USD/cổ phiếu và đạt giá trị vốn hóa 3.310 tỷ USD.
Trong phiên 18/6, giá trị vốn hóa thị trường của Nvidia đã vượt qua Microsoft, trở thành công ty niêm yết có giá trị nhất thế giới.
Nvidia, Microsoft và Apple đang trong cuộc đua để trở thành công ty giá trị nhất thế giới. Vốn hóa thị trường của Táo Khuyết là 3.220 tỷ USD sau khi cổ phiếu giảm 2,15% ở mức 209,68 USD khi đóng phiên.
Các công ty sản xuất máy chủ đang có nhu cầu lớn về chip của Nvidia, giúp công ty tận dụng nhu cầu ngày càng tăng về bộ vi xử lý cao cấp có vai trò quan trọng trong hầu hết mọi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Ông Jake Dollarhide, CEO công ty tư vấn tài chính Longbow Asset Management, cho biết trong khi Microsoft vừa kiếm tiền vừa phải chi tiêu vào AI, thì Nvidia đơn giản kiếm được rất nhiều tiền và lợi nhuận từ AI. Đó là lý do tại sao những cơn sốt xung quanh AI không thể thiếu Nvidia. Giá cổ phiếu của Nvidia đã tăng gần gấp 3 lần trong năm nay, góp phần thúc đẩy đà đi lên trên thị trường chung.
Sản lượng công nghiệp trong tháng 5 của Trung Quốc thấp hơn kỳ vọng và sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản không có dấu hiệu giảm bớt đã gây thêm sức ép lên nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này. Cụ thể, sản lượng công nghiệp tháng 5 tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, chậm lại so với tốc độ 6,7% trong tháng 4 và thấp hơn kỳ vọng tăng 6% của các nhà phân tích.
Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong tháng 5 đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng từ mức tăng 2,3% trong tháng 4 và đánh dấu mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ tháng 2, và cao dự báo tăng 3% của các nhà phân tích, nhờ kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày vào đầu tháng.
Ngày 17/6, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giữ nguyên lãi suất chính sách. Kinh tế nước này tăng trưởng 5,3% trong quý I/2024, cao hơn dự kiến, song các nhà phân tích cho rằng mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5% của chính phủ là đầy tham vọng khi lĩnh vực bất động sản vẫn trong tình trạng ảm đạm.
Doanh số bán lẻ chưa được điều chỉnh theo lạm phát của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 5, trong khi số liệu của tháng 4 được điều chỉnh thành giảm 0,2% so với mức không thay đổi được báo cáo trước đó. Đây là dấu hiệu cho thấy hoạt động của nền kinh tế vẫn chưa có nhiều khởi sắc trong quý II.
Doanh số bán lẻ cốt lõi, không bao gồm ô tô, xăng dầu, vật liệu xây dựng và dịch vụ thực phẩm đã tăng 0,4% trong tháng 5, sau khi được điều chỉnh giảm 0,5% trong tháng 4. Doanh số bán lẻ cốt lõi tương ứng chặt chẽ với thành phần chi tiêu tiêu dùng trong Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và việc điều chỉnh giảm doanh số bán lẻ cốt lõi của tháng 4 cho thấy chi tiêu tiêu dùng ở mức vừa phải trong quý II.
Các số liệu mới nhấn mạnh sự sụt giảm đáng chú ý trong chi iêu của người tiêu dùng Mỹ sau những con số mạnh mẽ hơn vào đầu năm. Các nhà kinh tế kỳ vọng tốc độ chi tiêu sẽ tăng vừa phải trong thời gian tới khi người Mỹ thận trọng hơn trong bối cảnh lạm phát dai dẳng, thị trường việc làm dần hạ nhiệt và các dấu hiệu căng thẳng tài chính mới xuất hiện.
Lạm phát tại Anh trong tháng 5/2024 đã quay về mức mục tiêu 2% lần đầu tiên trong gần 3 năm, nhưng sức ép giá cả vẫn lớn, có nghĩa là Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cho thể chờ lâu hơn trước khi hạ lãi suất.
Lạm phát giá tiêu dùng tại Anh giảm từ mức 2,3% trong tháng 4, đúng với dự báo của các nhà kinh tế và giảm mạnh từ mức cao kỷ lục 41 năm là 11,1% được ghi nhận vào tháng 10/2022. Lạm phát giá dịch vụ đứng ở mức 5,7% trong tháng 5. Con số này giảm so với mức 5,9% trong tháng 4, nhưng cao hơn mức dự kiến 5,5% của các nhà kinh tế.
Nhà kinh tế Martin Sartorius tại Liên đoàn Công nghiệp Anh dự báo lần hạ lãi suất đầu tiên của BoE vào tháng 8.
Ngày 20/6, BoE đã quyết định giữ nguyên lãi suất điều hành ở mức 5,25% sau bảy phiên họp liên tiếp gần đây. BoE đang duy trì lãi suất ở mức 5,25%, trong khi đặt mục tiêu duy trì lạm phát ở mức 2%. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng lạm phát có thể sẽ quay trở lại mức 3% vào cuối năm nay trước khi giảm trở lại vào năm tới, xuống còn 2%.
Nhận định về động thái mới nhất của BoE, hầu hết các nhà kinh tế đều có chung nhận định cho rằng việc BoE chưa hạ lãi suất, vốn đang ở mức cao nhất trong 16 năm, là để chờ xem liệu lạm phát có tiếp tục được duy trì ở mức 2% trong những tháng tới hay không trước khi đi đến quyết định tiếp theo.
Giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản trong tháng 5/2024 đã tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tháng trước và là cơ sở để Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục tăng lãi suất trong những tháng tới.
Đà tăng chỉ số giá tiêu dùng lõi (CPI), không bao gồm giá thực phẩm tươi sống dễ biến động, thấp hơn so với dự báo trung bình là tăng 2,6% và theo sau mức tăng 2,2% trong tháng 4. Tuy nhiên, chỉ số CPI lõi (không tính giá thực phẩm và nhiên liệu) đã tăng 2,1% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, chậm lại so với mức tăng 2,4% trong tháng 4.
BoJ đã từ bỏ chính sách lãi suất âm và kiểm soát lợi suất trái phiếu vào tháng 3/2024, trong một bước đi mang tính bước ngoặt khỏi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng kéo dài hàng thập kỷ.
Với việc lạm phát vượt mục tiêu 2% trong 2 năm qua, BoJ cũng đã đưa ra gợi ý sẽ tăng lãi suất ngắn hạn lên mức để không làm hạ nhiệt tăng trưởng nhưng cũng không làm nền kinh tế tăng trưởng quá nóng. Giới phân tích dự báo ngân hàng này sẽ nâng lãi suất lên mức khoảng 1-2%.
Những sự kiện kinh tế quan trọng trong tuần qua đã tác động đáng kể đến thị trường tài chính toàn cầu và chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư. Hãy tiếp tục theo dõi và cập nhật thông tin nhanh nhất, mới nhất và chính xác cùng Investo.