Washington tìm cách dẫn dắt chuỗi cung ứng bán dẫn bằng việc sử dụng những “rào chắn” trong Đạo luật Chip.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký thành luật Đạo luật Chip tại Nhà Trắng vào năm ngoái.
Các công ty bán dẫn đang tìm kiếm các khoản trợ cấp liên bang theo Đạo luật Chip có thể sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: Nhận trợ giúp của Washington để mở rộng sản xuất ở Mỹ hay duy trì khả năng để mở rộng hoạt động tại Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden tuần trước đã đề xuất quy định mới, nêu chi tiết những hạn chế mà các công ty chip sẽ phải đối mặt khi hoạt động tại Trung Quốc và các quốc gia đáng quan ngại khác nếu các công ty này chấp nhận nguồn tài trợ từ chính phủ liên bang.
Một số hạn chế đề xuất, được biết đến với tên gọi “rào chắn Trung Quốc”, khắt khe hơn những gì mà các giám đốc điều hành, luật sư trong ngành bán dẫn và giới chuyên gia phân tích về an ninh quốc gia từng ước đoán. Điều này áp dụng cho cả các tổ hợp chế tạo bán dẫn hiện đại chuyên sản xuất các bộ chip cần có trong các hệ thống vũ khí quân sự, cho đến các nhà máy chế chế tạo loại chip cơ bản dùng trong các thiết bị tiêu dùng điện tử.
Bà Angela Styles, luật sư của hãng Akin Gump chuyên tư vấn cho các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn, cho rằng: “Hướng dẫn mới sẽ khiến nhiều công ty đặt câu hỏi liệu họ có muốn chấp nhận khoản tài trợ theo Đạo luật Chip hay không.”
Những hạn chế sẽ đặc biệt khó khăn đối các công ty ở Đông Á có hoạt động sản xuất quy mô lớn tại Trung Quốc, nơi họ đã đầu tư hàng tỷ USD. Trong số này có tập đoàn Samsung Electronics và SK Hynix - hai hãng chế tạo chip hàng đầu thế giới của Hàn Quốc, và tập đoàn TSMC, hãng chế tạo chip lớn nhất thế giới đến từ Đài Loan (Trung Quốc).
Samsung Electronics là một trong những công ty Đông Á có hoạt động quan trọng ở Trung Quốc.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun nhận định các hạn chế của Mỹ đối với việc xuất khẩu sản phẩm chip tiên tiến và thiết bị chế tạo chip sang Trung Quốc sẽ khiến các công ty Hàn Quốc gặp khó khăn hơn trong tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Ông cũng khẳng định các công ty sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết, chính quyền Tổng thống Biden không tìm kiếm phân tách kinh tế với Trung Quốc.
Trong bài trả lời phỏng vấn tờ WSJ, bà Raimondo chia sẻ rằng: “Chúng tôi muốn các công ty Mỹ tiếp tục kinh doanh tại Trung Quốc, với Trung Quốc và ngược lại. Nhưng chúng tôi phải chú tâm đến các rủi ro có thể xảy ra với Mỹ”.
Bà Raimondo nhấn mạnh, Trung Quốc đã tuyên bố muốn tiếp cận với công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ để kết hợp vào khả năng quân sự của mình.
“Chúng tôi không thể cho phép điều đó xảy ra,” - bà Raimondo khẳng định.
Hiện tại, các công ty lớn được xem là các ứng cử viên nhận tài trợ từ Đạo luật Chip không đưa ra bình luận công khai.
Samsung cho biết tập đoàn đã thảo luận chặt chẽ với các cơ quan chính phủ của Mỹ và Hàn Quốc và có kế hoạch xác định các bước đi tiếp theo sau khi rà soát các chi tiết liên quan đến nhận tài trợ. Samsung đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip tiên tiến trị giá 17 tỷ USD ở Taylor, Texas và năm 2022 đã đưa ra kế hoạch đầu tư tiềm năng lên tới 200 tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip ở Texas.
TSMC, với kế hoạch trị giá 40 tỷ USD để xây dựng một tổ hợp sản xuất chip tiên tiến tại bang Arizona, từ chối bình luận.
SK Hynix dự định giám sát chặt chẽ các thông báo của Washington.
SK Hynix đã tiết lộ kế hoạch xây dựng một nhà máy đóng gói chip hiện đại mới tại Mỹ, nơi sẽ diễn ra các bước cuối cùng trong quy trình chế tạo chất bán dẫn. Tập đoàn này cho biết những điều không chắc chắn liên quan đến vận hành tại các cơ sở ở Trung Quốc đã được giải quyết thông qua các cuộc thảo luận giữa chính phủ Mỹ và Hàn Quốc.
Hướng dẫn mới của Bộ Thương mại Mỹ xác định “các giao dịch quan trọng” thuộc nhóm có chi phí ít nhất từ 100.000 USD; còn “mở rộng sản xuất” được hiểu là tăng năng lực hiện thêm từ 5% trở lên. Theo đó, Mỹ cấm công ty nhận tài trợ thực hiện các giao dịch quan trọng liên quan đến việc mở rộng cơ sở vật chất cho các chip tiên tiến ở các quốc gia đó trong 10 năm kể từ khi nhận tài trợ. Ngoài ra, các công ty cũng chịu hạn chế về can dự trong các nghiên cứu chung, cấp phép công nghệ với các thực thể quan ngại.
Bà Reva Goujon, Giám đốc mảng tư vấn doanh nghiệp Trung Quốc tại hãng nghiên cứu Rhodium Group, cho biết: “Về cơ bản, đây là việc Mỹ sử dụng chính sách công nghiệp để điều khiển chuỗi cung ứng chất bán dẫn theo hướng mà họ mong muốn và hướng đi đó rõ ràng không thuộc về Trung Quốc.”
Bà Goujon cho rằng, chính sách này gửi đến các nhà sản xuất chip một “tín hiệu rõ ràng rằng việc sản xuất chất bán dẫn cao cấp tại Trung Quốc sẽ không bền vững”.
Đối với các nhà sản xuất chip, các cơ sở ở Trung Quốc là thành quả của nhiều năm đầu tư và đang chiếm một phần đáng kể năng lực sản xuất chip của thế giới.
Samsung vận hành một nhà máy sản xuất chip nhớ flash NAND ở thành phố Tây An, miền trung Trung Quốc và một cơ sở đóng gói chip ở thành phố Tô Châu, miền đông Trung Quốc.
SK Hynix vận hành các nhà máy sản xuất chip nhớ DRAM tại thành phố Vô Tích và sở hữu các nhà máy sản xuất chip nhớ flash NAND của Intel tại thành phố Đại Liên thông qua một thỏa thuận được ký kết vào năm 2020. TSMC vận hành các cơ sở sản xuất chip tại thành phố Nam Kinh và Thượng Hải.
Tính đến năm ngoái, cơ sở Tây An của Samsung sản xuất khoảng 16% sản lượng chip nhớ flash NAND toàn cầu, trong khi cơ sở Vô Tích của SK Hynix chiếm khoảng 12% sản lượng chip nhớ DRAM toàn cầu, và cơ sở Đại Liên sản xuất khoảng 6% sản lượng bộ chip flash NAND toàn cầu, theo hãng nghiên cứu thị trường công nghệ TrendForce. Các nhà máy ở Thượng Hải và Nam Kinh của TSMC đóng góp khoảng 6% tổng công suất sản xuất chip theo hợp đồng của công ty.
Yến Anh-Theo wsj