Theo một báo cáo từ Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), số lượng các công ty ở Liên minh châu Âu (EU) phá sản đã đạt mức cao kỷ lục trong quý 4 năm 2022 kể từ khi các dữ liệu được thu thập từ năm 2015.
Với mức tăng trưởng đáng kể 26,8% so với quý trước, chỉ số đánh giá mức độ phá sản của doanh nghiệp ở EU đã tăng lên mức cao nhất là 113,1 - so với điểm chuẩn 100 vào năm 2015.
Dữ liệu từ Eurostat cho thấy chỉ số này bắt đầu tăng nhanh kể từ quý 2 năm 2020 và tăng nhanh chóng trong suốt năm 2022. Số liệu quý 4 phản ánh tình trạng xấu đi của các công ty, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang vật lộn với nhu cầu yếu đi, chi phí sản xuất tăng vọt và một tương lai ảm đạm.
Tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều báo cáo tỷ lệ tuyên bố phá sản gia tăng, trong đó ngành vận tải và kho bãi tăng 72,2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 39,4%; giáo dục, y tế và các hoạt động xã hội tăng 29,5%.
Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn. Theo công ty dữ liệu thương mại Altares (Pháp), do chi phí sản xuất tăng vọt vì khủng hoảng năng lượng, số vụ phá sản ở Pháp đã tăng 50% và số vụ phá sản của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 78% trong năm 2022. Hơn 30% công ty nộp đơn phá sản trong quý 4 năm 2022.
Ông Thierry Millon, Giám đốc nghiên cứu tại Altares, lưu ý rằng mạng lưới kinh tế địa phương sẽ bị ảnh hưởng khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng cửa.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng sự gia tăng đáng kể các vụ phá sản ở EU phần lớn có thể là do các yếu tố bao gồm tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá năng lượng leo thang, sự hỗ trợ của chính phủ bị thu hẹp, tiền lương chi trả và chi phí tài chính tăng cao.
Song song với đó, nhiều vòng trừng phạt mà EU áp đặt đối với Nga đã phản tác dụng, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng, từ đó gây áp lực lên các công ty.
Ông Stefan Genth, Giám đốc điều hành Liên đoàn Bán lẻ Đức, cho biết việc tăng giá các sản phẩm năng lượng đã khiến các công ty rơi vào tình trạng bấp bênh và toàn bộ ngành công nghiệp đối diện với câu hỏi về sự sống còn.
Ông Tillmann Peeters, một đối tác của công ty tư vấn Đức Falkensteg, cho biết khi nền kinh tế trở nên trì trệ, các công ty không thể chuyển mức tăng trong chi phí sản xuất cho khách hàng vào thời điểm nhu cầu đang yếu đi.
Theo ông James Watson, nhà kinh tế trưởng của Business Europe - Liên đoàn doanh nghiệp châu Âu, việc chính phủ giảm hỗ trợ cho các công ty cũng đóng một vai trò quan trọng khiến các vụ phá sản gia tăng.
Trong năm 2020, chính phủ của một số nước châu Âu đã đưa ra hàng loạt biện pháp hỗ trợ để giúp các công ty bị ảnh hưởng nặng nề “sống sót” qua đại dịch COVID-19. Sự hỗ trợ của chính phủ, cùng với lãi suất thấp, đã giúp một số công ty trụ vững trong giai đoạn đại dịch.
Tuy nhiên, hiện nay các gói cứu trợ này đã cạn kiệt, tiền lương và chi phí tài chính tăng lên, ngày càng nhiều công ty không thể tồn tại nếu không có hỗ trợ và phải nộp đơn xin phá sản.
Trong nửa cuối năm 2022, số công ty tuyên bố phá sản ở Pháp đã tăng 16% sau khi Chính phủ Pháp chấm dứt các biện pháp hỗ trợ.
Ông Ludovic Subran, nhà kinh tế trưởng của Allianz, nhấn mạnh khi chính phủ hạn chế các biện pháp hỗ trợ và tiền lương cũng như chi phí tài chính tăng lên, các công ty đang phải vật lộn để tồn tại sẽ thấy đó là một nhiệm vụ bất khả thi.
Ông Thierry Millon, Giám đốc nghiên cứu tại Altares, nhận định rằng các công ty châu Âu đang phải đối mặt với con đường gập ghềnh phía trước. Hiện tại có rất nhiều yếu tố bất ổn đe dọa sự sống còn của họ và quý 1 năm 2023 sẽ là thời điểm đặc biệt khó khăn.
Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng James Watson lưu ý rằng xu hướng gia tăng các vụ phá sản ở châu Âu sẽ không chấm dứt trong thời gian tới.
Yến Anh-Theo english.news