logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ ba, 06/02/2024

Liệu kinh tế Trung Quốc có trụ vững sau sóng gió Evergrande

Lệnh thanh lý tài sản gần đây của tòa án tại Hong Kong (Trung Quốc) đối với “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc Evergrande một lần nữa đặt ra những câu hỏi đáng lo ngại về tình hình nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi tin tức về hoạt động xây dựng bất động sản tại nước này ngày càng tồi tệ.

Liệu kinh tế Trung Quốc có trụ vững sau sóng gió Evergrande

Chắc hẳn chúng ta vẫn chưa thể quên sóng gió lớn trong ngành bất động sản là Evergrande và Country Garden được coi như những hình mẫu của thị trường bất động sản đang phát triển ở Trung Quốc. Sau đó, một loạt các hiệu ứng domino kéo theo. Theo thống kê từ năm 2021 cho thấy, hơn 50 công ty bất động sản chìm trong nợ nần của Trung Quốc đã tuyên bố vỡ nợ. Con số trên bao gồm cả Evergrande và Country Garden.

Khi doanh số bán nhà sụt giảm và người dân ngừng mua nhà, những người đã trót đặt mua bất động sản phải chứng kiến các dự án họ rất tin tưởng bị chậm trễ hoàn thành, thậm chí đóng cửa. Cuối cùng, sau nhiều thời gian “giãn nợ” nuôi hy vọng, chờ đợi những tín hiệu sáng thì tòa án Hong Kong đã ra lệnh đóng cửa Evergrande trước khi chỉ định người bắt đầu quá trình thanh lý công ty này.

Theo một ước tính, khoản nợ của Evergrande lên tới con số khổng lồ là 300 tỷ USD. Tình hình của công ty này bắt đầu xấu đi vào năm 2020, thời điểm chính phủ đưa ra một bộ quy tắc mới nhằm hạn chế số nợ của các nhà phát triển bất động sản. Điều này buộc các công ty như Evergrande phải bán bớt cổ phiếu với mức chiết khấu cao để ngăn chặn tình trạng thiếu vốn. Và đó chính là vấn đề. Vay mượn dựa trên các hứa hẹn trong tương lai, Evergrande đã phải vật lộn để đáp ứng tiến độ trả lãi cho các khoản nợ của mình.

Tình hình cuối cùng trở nên bất ổn đến mức cổ phiếu của công ty đã mất 99% giá trị trong ba năm qua. Năm ngoái, Evergrande đã nộp đơn xin phá sản ở New York trước khi công bố kế hoạch tái cơ cấu trị giá hàng triệu USD với các chủ nợ.

Đối với thế giới phương Tây, những diễn biến này chắc chắn gợi lại những ký ức khủng khiếp về cuộc khủng hoảng ở Mỹ hồi năm 2008. Nhưng đối với nhiều nước khác, sự sụp đổ của Evergrande có thể có tác động lan tỏa đến nguồn cung và nhà cung cấp. Vì bất động sản từng là một trong những động lực tăng trưởng chính của Trung Quốc.

Các nguồn tin trong ngành xây dựng toàn cầu đã nhanh chóng lưu ý rằng, bất kỳ sự gián đoạn nào đều có thể giáng một đòn mạnh vào việc tiêu thụ các mặt hàng cần thiết cho hoạt động xây dựng bất động sản tại Trung Quốc, bao gồm thép, nhôm và quặng sắt.

Có lý do tại sao các nhà kinh tế gọi Trung Quốc là “Công xưởng của thế giới”: tới 30% sản lượng chế tạo toàn cầu đến từ quốc gia này. Năm 2022, Trung Quốc sản xuất 40 triệu tấn nhôm, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu là 68 triệu tấn. Đồng thời, các nguồn tin xây dựng cho biết nước này tiêu thụ khoảng 55% lượng nhôm toàn cầu.

Liệu kinh tế Trung Quốc có trụ vững sau sóng gió Evergrande

Từ năm 1997-2022, mức tiêu thụ thép toàn cầu đã tăng từ 700 triệu tấn lên 1,8 tỷ tấn mỗi năm. Nhu cầu của Trung Quốc đã chiếm phần lớn trong mức tăng 1,1 tỷ tấn đó. Đà tăng trưởng của đất nước này mạnh mẽ đến mức chính Ngân hàng Thế giới (WB) từng mô tả Trung Quốc là “nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng bền vững nhanh nhất trong lịch sử”.

Một số người nhận định đó chính là lý do Chính phủ Trung Quốc muốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này và đảm bảo các dự án xây dựng sẽ được hoàn thành.

Trung Quốc vốn là “trụ cột” thúc nhiều lĩnh vực kinh tế trên toàn cầu. Nhiều nhà kinh tế tin rằng bất chấp cuộc khủng hoảng bất động sản, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đủ mạnh để chống chọi với những cú sốc như vậy. Họ cho rằng dù những tin tức không mấy lạc quan về hoạt động xây dựng có thể khiến tiêu dùng chậm lại, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu.

Hoa Nguyễn

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

banner-5-1.jpg