Những ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga và Ukraine trong hai năm vừa qua thực sự là “thách thức” không hề nhỏ đối với nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, bối cảnh này lại càng chứng nền kinh tế “xứ Bạch dương” có sức bền đáng kinh ngạc, không những không sụp đổ, mà ngược lại còn chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo hãng tin TASS, năm 2023, kinh tế Nga đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 3,6%, vượt mức trung bình trên thế giới. Tổng thống Putin Vladirmir từng nhấn mạnh, điều rất quan trọng là động lực tăng trưởng đạt được dựa trên nội lực. Ưu tiên của nhà nước Nga vẫn là tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân Nga cũng như hạnh phúc của gia đình họ.
Trong báo cáo tháng Một, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2024 lên 2,6%, cao hơn mức 1,1% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 10/2023. Con số này cao hơn đáng kể so với Vương quốc Anh (0,6%) và Liên minh châu Âu - EU (0,9%). Tương tự, thâm hụt ngân sách của Nga được duy trì ở mức dưới 1% GDP, so với 5,1% GDP ở Anh và 2,8% GDP ở EU.
Lý giải sức tăng trưởng thần kỳ của nền kinh tế Nga trong năm 2023, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, một động lực quan trọng là chi tiêu nhà nước ở mức kỷ lục 32 nghìn tỷ rúp (tương đương 346 tỷ USD), với phần lớn dành cho quốc phòng. Khoản chi tiêu này được dự báo sẽ còn tăng trong năm nay, dự kiến là 36,5 nghìn tỷ rúp (395 tỷ USD), trong đó hơn một phần ba sẽ dành cho các khoản thanh toán thời chiến khác nhau.
Bên cạnh đó, việc Moska đặt nền kinh tế trong tình trạng chiến tranh khiến sản xuất công nghiệp và chỉ số mua hàng (PMI) tăng vọt. Lĩnh vực sản xuất được thúc đẩy bởi hoạt động quân sự, qua đó góp phần mở rộng các ngành công nghiệp như kỹ thuật, hóa học và luyện kim.
Dĩ nhiên, cũng không thể không nhắc tới những nỗ lực của Nga trong việc triển khai các biện pháp tránh tác động từ lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhóm biện pháp này thậm chí được đánh giá là đã “vô hiệu hóa” lệnh trừng phạt dầu mỏ và công nghệ.
Theo tờ Financial Times (Anh), “không một thùng dầu nào của Nga được bán ở mức dưới mức trần 60 USD". Điện Kremlin cũng xây dựng được mạng lưới kinh tế đa quốc gia với Trung Quốc và các thành viên trong thế giới không liên kết, cũng như Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Để tài trợ cho nhập khẩu, Nga cần thu nhập từ xuất khẩu khí đốt. Tuy nhiên, đôi khi nguồn thu này đã giảm đáng kể do lệnh cấm nhập khẩu của EU và việc khai thác khách hàng mới chỉ là sự thay thế một phần.
Trong khi đó, doanh số bán dầu - nguồn thu xuất khẩu quan trọng thứ hai của Nga, vẫn nhiều như trước khi cuộc xung đột ở Ukraine xảy ra, bất chấp các biện pháp trừng phạt của EU nhằm thực thi mức trần giá 60 USD/thùng.
Theo đạo luật ngân sách được Tổng thống Nga Vladimir Putin ký thông qua hồi tháng 11/2023, nguồn thu của Nga trong năm 2024 dự kiến đạt hơn 35.000 tỷ ruble (gần 394 tỷ USD). Số liệu dự báo cho năm 2025 là gần 377 tỷ USD và năm 2026 là hơn 382 tỷ USD. Đây là mức tăng đáng kể sau khi nước này ghi nhận thu ngân sách kỷ lục 320 tỷ USD trong năm 2023, dù phải chi tiêu đáng kể cho hoạt động quốc phòng, đồng thời chống chọi với loạt lệnh trừng phạt liên tiếp từ phương Tây. Phần lớn nguồn thu của Nga trong năm qua là lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ.
Kinh tế Nga đứng vững còn do nước này biết cách đối phó với các lệnh trừng phạt. Gần một năm qua, Nga vẫn bán được dầu với giá sát thị trường, thay vì dưới 60 USD/thùng. Nhờ các nhà buôn tích cực gom tàu cũ và hàng loạt công ty mới gia nhập thị trường, Nga đã đưa được dầu đến các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan mà không cần tuân thủ trần giá.
Các chuyên gia cho rằng, chính những "cơn gió ngược" này lại là thử thách giúp nước Nga chứng minh sức bền của mình. Hơn nữa, trạng thái ổn định của nền kinh tế Nga lúc này là minh chứng cho thấy sự tài tình của người lãnh đạo - Tổng thống Vladimir Putin.
Hoa Nguyễn