logo
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 21/08/2023

IPO cận kề: tất cả mọi thứ bạn cần biết về ARM

Công ty sản xuất chất bán dẫn Arm Limited của Anh – thường được gọi là ARM – dự kiến sẽ niêm yết vào tháng 9 năm nay với định giá ước tính trong khoảng 30 tỷ đến 70 tỷ USD. Hãy cùng điểm qua tất cả mọi thứ chúng ta biết về đợt IPO này của ARM.

IPO cận kề: tất cả mọi thứ bạn cần biết về ARM

Chúng ta biết gì về sự kiện IPO của ARM?

Tập đoàn đầu tư SoftBank Group dự kiến sẽ niêm yết công ty ARM Ltd thuộc sở hữu của mình vào tháng 9 năm 2023. Thời điểm IPO chính xác sẽ được xác định tùy theo điều kiện thị trường. Tuy nhiên, theo Bloomberg, các sự kiện tiền IPO đã được lên kế hoạch cho tuần đầu tiên của tháng 9 và giá IPO sẽ được công bố trong tuần sau đó. Công ty đã chọn 4 ngân hàng đầu tư để bảo lãnh cho đợt phát hành: Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Barclays và Mizuho Financial Group.

Việc niêm yết tại Hoa Kỳ sẽ gây thất vọng cho các bộ trưởng Vương quốc Anh. Các quan chức của Anh đã liên tục vận động hành lang để công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn nhằm đảm bảo London là điểm đến hấp dẫn cho các đợt IPO giá trị cao. Trong quá khứ, ARM có một công ty niêm yết kép ở London và New York cho đến khi được SoftBank mua lại vào năm 2016 và hủy niêm yết.

Hồi năm 2020, Softbank tuyên bố sẽ bán ARM cho nhà sản xuất chip NVIDIA của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thương vụ trị giá 80 tỷ USD đã sụp đổ vào tháng 2 năm 2022 sau khi nhiều chính phủ phản đối với lý do liên quan đến vấn đề cạnh tranh. Quyết định niêm yết ARM có thể sẽ không mang lại nhiều lợi nhuận như việc bán cho NVIDIA. Tuy nhiên, ARM đang đàm phán để mời Nvidia làm nhà đầu tư chính cho đợt niêm yết tại New York, cùng với các tên tuổi công nghệ lớn khác như Apple và Amazon.

Công ty bán dẫn đang tìm kiếm một đợt IPO vì các nhà đầu tư tư nhân trong Quỹ Vision do SoftBank đứng đầu – sở hữu 25% cổ phần của ARM – sẽ có thể kiếm tiền thông qua đợt IPO. Tuy nhiên, SoftBank cũng đang đặt mục tiêu mua lại 25% cổ phần của quỹ Vision trước đợt IPO. ARM cũng muốn có khả năng cung cấp quyền chọn mua cổ phiếu để khuyến khích nhân viên.

Nếu đợt IPO của ARM được tiến hành, đây có thể sẽ là một trong những đợt IPO nổi tiếng nhất trong những năm gần đây và có thể mang lại một sự thúc đẩy rất cần thiết cho thị trường IPO. Đặc biệt, giờ đây, đợt IPO đã thu hút sự chú ý của những tên tuổi lớn như Apple, Amazon và NVIDIA. Những tên tuổi này có khả năng sẽ thu hút thêm nhiều sự quan tâm từ giới đầu tư.

Cách giao dịch IPO ARM

Một khi ARM đã được niêm yết, bạn sẽ có thể giao dịch cổ phiếu giống như với bất kỳ cổ phiếu nào khác trên thị trường với các bước đơn giản sau:

  1. Mở tài khoản trên một nền tảng giao dịch hoặc đăng nhập nếu bạn đã có tài khoản,
  2. Tìm tên công ty bạn muốn giao dịch,
  3. Chọn vị thế và khối lượng giao dịch, cũng như các mức dừng lỗ và giới hạn,
  4. Đặt lệnh giao dịch.

ARM làm gì?

ARM là một công ty chip bán dẫn của Anh. Công ty có hoạt động kinh doanh chính là thiết kế bộ vi xử lý, cũng như các loại chip, hệ thống và nền tảng bán dẫn khác nhau. ARM không tự sản xuất bộ vi xử lý máy tính mà bán giấy phép khai thác bản quyền trí tuệ cho các công ty khác sản xuất. Họ tự mô tả mình là bộ phận R&D cho toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn.

IPO cận kề: tất cả mọi thứ bạn cần biết về ARM

ARM đã được tách ra khỏi một công ty điện toán tên là Acorn Computers vào năm 1990. Tại thời điểm đó, công ty này là một phần của liên doanh với Apple nhằm sản xuất chip cho máy tính cầm tay đầu tiên của Nhà Táo. Tuy nhiên, dự án này đã thất bại, dẫn đến việc Apple phải bán 43% cổ phần của mình trong ARM – và sử dụng số tiền thu được để mua NeXT, một công ty công nghệ do cựu CEO của Apple là Steve Jobs thành lập.

Ngay sau đó, Nokia đã bắt đầu sử dụng các giải pháp dựa trên ARM. Và đến cuối những năm 90, các giải pháp của ARM đã được sử dụng bởi phần còn lại của lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, bao gồm cả Apple. Khi trở lại Nhà Táo, Jobs đã bắt đầu sử dụng các thiết kế chip dựa trên ARM làm cơ sở cho các mẫu iPod, iPhone và iPad đầu tiên.

Sau đó, ARM đã được SoftBank mua lại vào năm 2016 với giá 32 tỷ USD – cao hơn 43% so với giá cổ phiếu ARM tại thời điểm đó. SoftBank đã phải gánh thêm nhiều khoản nợ để tài trợ cho thương vụ. Việc này đã thu hút nhiều sự chỉ trích vào thời điểm đó. Tuy nhiên, canh bạc của họ đã thắng lớn khi chip ARM ngày càng trở nên phổ biến.

Các thiết kế của ARM hiện được tìm thấy trong rất nhiều loại thiết bị, chẳng hạn như máy tính bảng, máy tính, TV thông minh, nhà thông minh, xe điện, máy bay không người lái, hộ chiếu điện tử và thậm chí cả đèn đường tự động. Đặc biệt, công nghệ của công ty được tìm thấy trong khoảng 95% điện thoại thông minh trên thế giới – bao gồm cả Apple, Android và Samsung – và 95% chip được thiết kế tại Trung Quốc.

ARM đáng giá bao nhiêu?

Đợt IPO của ARM được dự kiến sẽ định giá công ty trong khoảng từ 30 tỷ đến 70 tỷ USD. Tuy nhiên, một số báo cáo cho thấy ARM vẫn đang hy vọng đạt được gần 80 tỷ USD. Đây là mức định giá của công ty trong thương vụ với NVIDIA hồi năm 2021.

Giá trị của thương vụ thâu tóm lúc đó đã được gắn trực tiếp với giá cổ phiếu NVIDIA vì nếu hoàn thành, SoftBank sẽ nắm giữ 10% cổ phần của công ty Hoa Kỳ. Định giá của thỏa thuận ban đầu được đặt ở mức 40 tỷ USD. Tuy nhiên, trong thời kỳ thiếu hụt chip toàn cầu, giá cổ phiếu NVIDIA đã tăng vọt và định giá của ARM cũng vậy.

ARM kiếm tiền bằng cách nào?

Phần lớn lợi nhuận của ARM đến từ tiền bản quyền thu được mỗi khi một công ty sản xuất chip sử dụng thiết kế của họ. Và nhờ vào vị thế thống trị thị trường của mình, hơn 160 tỷ con chip đã được sản xuất dựa trên thiết kế của ARM tính đến năm ngoái.

Trong Báo cáo thường niên năm 2021, SoftBank đã tuyên bố tiền bản quyền công nghệ của ARM đã tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu không phải tiền bản quyền của ARM đến từ giấy phép thiết kế bộ vi xử lý cho các công ty bán dẫn khác. Những công ty này trả trước một khoản phí để có quyền truy cập công nghệ – và sau đó là tiền bản quyền cho mỗi con chip sử dụng một thiết kế của ARM.

ARM có lãi không?

Theo báo cáo của công ty, tổng doanh thu năm 2021 của ARM đã tăng 35% lên 2,7 tỷ USD. Doanh thu cả từ tiền bản quyền và không phải bản quyền đều tăng trưởng mạnh. Cho đến khi công ty được giao dịch công khai, họ không có nghĩa vụ báo cáo bất kỳ số liệu kinh doanh nào khác.

Mô hình kinh doanh của ARM là gì?

Mô hình kinh doanh của ARM phụ thuộc rất nhiều vào việc luôn đi đầu trong các tiến bộ công nghệ.

IPO cận kề: tất cả mọi thứ bạn cần biết về ARM

Công ty thừa nhận rằng các ứng dụng, danh mục thiết bị và thị trường mới liên tục xuất hiện, đòi hỏi chất bán dẫn tiên tiến phải cung cấp khả năng làm việc với những thứ mới. Vì vậy, ARM tích cực cố gắng dự đoán các sản phẩm mà người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ cần trong 5-10 năm tới bằng cách đầu tư vào R&D. Làm như vậy, công ty hy vọng sẽ đảm bảo được khả năng phát triển công nghệ nhanh hơn các đối thủ khác.

Theo thông điệp hàng năm của ARM cho năm tài chính 2021, công ty đang đầu tư để phát triển công nghệ bộ xử lý mới nhằm:

  • Duy trì vị thế thị trường trong các lĩnh vực mà họ đã có thế mạnh, chẳng hạn như điện thoại thông minh, điện tử tiêu dùng và điện toán nhúng
  • Tăng doanh thu tiền bản quyền trên mỗi con chip bằng cách tăng giá trị với việc cung cấp nhiều công nghệ hơn hoặc công nghệ có giá trị hơn
  • Thiết lập vị trí dẫn đầu thị trường trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi bao gồm xe tự lái, IoT và tai nghe thực tế tăng cường
  • Giới thiệu các mô hình kinh doanh mới để thay đổi bối cảnh cạnh tranh, chẳng hạn như bằng cách cấp phép trực tiếp công nghệ của mình cho các OEM và công ty đám mây

Đối thủ cạnh tranh của ARM là ai?

Các đối thủ cạnh tranh chính của ARM vẫn là IBM, Intel và AMD, những công ty cũng sản xuất chip bán dẫn. Mặc dù vậy, ARM không phải đối mặt với bất kỳ sức ép cạnh tranh đáng kể nào trong không gian chip điện thoại thông minh.

Trong không gian đơn vị xử lý đồ họa (GPU), ARM phải đối mặt với cạnh tranh từ những “gã khổng lồ” khác như NVIDIA, Qualcomm và Intel. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng các công ty bán dẫn này cũng đã kết hợp GPU độc quyền của họ với các thiết kế được cấp phép bởi ARM.

Ai sở hữu ARM?

ARM thuộc sở hữu của tập đoàn Nhật Bản Softbank. Danh mục đầu tư của tập đoàn này cũng bao gồm 400 công ty khác. Trong số đó có thể kể đến công ty chia sẻ văn phòng WeWork, Grab, đối thủ cạnh tranh của Uber, và công ty ô tô đã qua sử dụng Auto1.

Softbank có tổng giá trị vốn hóa thị trường 76,61 tỷ USD tính đến tháng 3 năm 2022, nằm trong top 200 công ty có giá trị nhất trên toàn thế giới.

Đội ngũ quản lý của ARM

  • Rene Haas – CEO
  • Inder M. Singh – CFO
  • Kirsty Gill – Giám đốc nhân sự
  • Simon Segars – Cố vấn

Bạn có muốn biết thêm về thương vụ IPO ARM đang được "săn đón" nhất năm 2023 không? Nếu có, hãy theo dõi bài viết dưới đây để có thêm các chi tiết nóng hổi về thương vụ này. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin mới nhất và đầy đủ nhất về thương vụ IPO ARM để bạn có thể hiểu rõ hơn về nó.

Toàn cảnh thương vụ IPO ARM chấn động ngành đầu tư công nghệ thế giới

Huân Hà-Theo cityindex

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

370x700.png