Ngày 5/8, Công ty sản xuất xe điện Evergrande New Energy Vehicle thuộc Tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande (Trung Quốc) cho biết một tòa án địa phương đã ra phán quyết rằng hai doanh nghiệp của họ sẽ phá sản và được tái cơ cấu.
Hôm 29/7, cổ phiếu của nhà sản xuất xe điện này đã giảm 7%, một ngày sau khi các chủ nợ cá nhân của hai doanh nghiệp sản xuất xe điện Evergrande New Energy Vehicle (Quảng Đông) và Evergrande Smart Automotive (Quảng Đông) nộp đơn xin tòa án chấp thuận cho họ tiến hành thủ tục phá sản và tái cơ cấu.
Công ty cho biết trong phiên tòa diễn ra ngày 2/8, tòa án địa phương đã ra phán quyết buộc các doanh nghiệp này tiến hành thủ tục phá sản và tái cấu trúc.
Trước đó, vào tháng Năm, doanh nghiệp sản xuất xe điện của Tập đoàn Evergrande cho biết bộ phận thanh lý của công ty đang tích cực đàm phán với một nhà đầu tư tiềm năng để tìm kiếm nguồn vốn mới nhằm duy trì hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, những nỗ lực này cuối cùng lại bất thành.
Hồi đầu năm, tập đoàn bất động sản Evergrande của Trung Quốc đã chính thức bị một tòa án ở Hong Kong (Trung Quốc) ra phán quyết thanh lý sau khi gánh khoản nợ hàng trăm tỷ USD trong những năm qua.
Phán quyết được đưa ra sau khi Evergrande đã “né” được phán quyết tương tự vào tháng 12/2023. Thẩm phán khi đó cho phép tập đoàn này có thêm hai tháng để đưa ra kế hoạch trả nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng họ không thể đưa ra một kế hoạch đủ thuyết phục. Sự sụp đổ của Evergrande sẽ đe dọa số phận của 1.200 dự án đang trong các giai đoạn hoàn thành khác nhau.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi cổ phiếu của Evergrande niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong ngay lập tức rơi tự do sau thông tin này. Cổ phiếu của Evergrande đã ngừng giao dịch vào lúc 10h18 sáng giờ địa phương sau khi giảm mạnh 20%.
Các công ty con của Evergrande, gồm Evergrande Property Services và Evergrande New Energy Vehicle Group, cũng kêu gọi tạm dừng giao dịch để ngăn chặn tình trạng rơi tự do.
Vào năm 2021, nhà phát triển bất động sản này đã trở thành công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới, sau khi khoản nợ của họ đã “phình” lên tới hơn 300 tỷ USD. Sự kiện này đã gây ra cuộc khủng hoảng tài sản tồi tệ nhất từ trước đến nay ở Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về hiệu ứng lây lan trong lĩnh vực bất động sản cả trong và ngoài nước.
Năm 2023, các chủ nợ đã nộp đơn kiện Evergrande tại Hong Kong nhưng vụ việc kéo dài trong khi các bên cố gắng đạt thỏa thuận. Đến cuối tháng 6/2023, ước tính khoản nợ của Evergrande đã lên tới 328 tỷ USD.
Evergrande, từng là tập đoàn bất động sản giá trị nhất thế giới, đã sụp đổ vào năm 2021. Sự sụp đổ đó đã gây ra cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực này và kéo lùi tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Mặc dù việc giải thể nhà phát triển với khối tài sản trị giá 240 tỷ USD sẽ gây ra làn sóng chấn động trên thị trường vốn của Trung Quốc, các chuyên gia đánh giá đây sẽ không phải mô hình chung cho cách thức thanh lý đối với các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn khác.
Trong bối cảnh hiện tại, việc hoàn thành các dự án xây dựng nhà đang diễn ra sẽ là ưu tiên hàng đầu của tập đoàn, ngành bất động sản và Chính phủ Trung Quốc. Song công ty tư vấn Oxford Economics hồi tháng 12/2023 ước tính sẽ mất từ 4 năm đến 6 năm để hoàn thành toàn bộ các khu nhà ở đang xây dựng dang dở.
Một điều chắc chắn là việc thanh lý tài sản của Evergrande sẽ là một trở ngại lớn đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang vật lộn phục hồi sau giai đoạn đại dịch COVID-19.
Trong nhiều thập niên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc được thúc đẩy bởi dân số đông và quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh. Lĩnh vực bất động sản đóng góp 30% GDP và 2/3 tài sản của các hộ gia đình gắn với bất động sản. Lĩnh vực bất động sản được coi là động lực tăng trưởng chính trong hai thập kỷ qua của Trung Quốc, thậm chí từng giúp nước này đạt được mức tăng trưởng kinh tế hai con số hàng năm.
Hoa Nguyễn