Shi Yinhong, Giáo sư chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin của Trung Quốc đồng thời là cố vấn cho Chính phủ, cho biết sự hợp tác hiện không còn là điều ưu tiên đối với Chính phủ Trung Quốc lẫn Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó hầu hết lĩnh vực mà hai nước có thể hợp tác đều bị lấp đầy bởi sự đối đầu.
“Cuộc họp mặt giữa hai vị lãnh đạo không tạo ra thay đổi gì đáng kể, và chỉ mang tính tạm thời. Quỹ đạo của các vòng đàm phán đã ngắn lại thành chưa đầy một tháng”, ông Shi nói, ông còn đề cập đến thông báo đầy bất ngờ của ông Trump khi áp 10% thuế quan lên số hàng hóa trị giá 300 tỷ USD của Trung Quốc, có hiệu lực kể từ ngày 01/09/2019.
Động thái của ông Trump – được ông quy thành thất bại của Trung Quốc trong việc mua nông sản của Mỹ và việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu fentanyl sang Mỹ - được đưa ra sau chưa đầy một tháng kể từ khi cuộc họp giữa ông và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản) vào cuối tháng 6 vừa qua.
“Cả Trung Quốc và Mỹ đều cam kết sẽ đặt nước của họ lên hàng đầu, chủ nghĩa dân tộc ở cả hai quốc gia đều đang trở nên mạnh mẽ hơn, khiến hai nước này đối đầu với nhau nhiều hơn”.
“Cơ hội dẫn đến hợp tác là rất hiếm. Những vấn đề mà phía Trung Quốc tin rằng họ có thể hợp tác với Mỹ lại không phải là những vấn đề được ưu tiên trong chương trình ngoại giao của ông Trump”, ông Shi cho biết. “Và những vấn đề được Mỹ ưu tiên cũng không nằm trong chương trình nghị sự của Trung Quốc”.
Trung Quốc cũng đã không quan tâm đúng mức đến các nhà chiến lược kinh tế có ý tưởng gần với ông Trump, và các biện pháp thảo luận gián tiếp mà trước đây Trung Quốc đã dùng để giao tiếp với phía Mỹ - ví dụ như các công ty tài chính Mỹ - đã trở nên vô tác dụng, ông Shi nói. “Vai trò của các học giả đối với mối quan hệ Mỹ-Trung cũng đã giảm dần”.
Những nỗ lực trước đây của hai quốc gia nhằm thể hiện các lĩnh vực tốt nhất có thể hợp tác – mặc dù hai nước không thể đồng ý về các vấn đề an ninh, ví dụ như tranh chấp trên biển ở vùng Biển Đông – đều biến thành công cốc. Một ví dụ quan trọng là sự hợp tác của Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề biến đổi khí hậu, một triển vọng bị cắt ngang khi ông Trump rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris về khí hậu vào năm 2017.
Cả hai quốc gia còn tấn công lẫn nhau thông qua lệnh trừng phạt mà Washington áp lên Iran – sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà Trung Quốc cũng có tham gia.
Những nỗ lực hợp tác chống khủng bố cũng bị lu mờ trước những chỉ trích của Mỹ đối với việc Trung Quốc vi phạm quyền con người ở vùng Tân Cương, trong đó có nói đến việc gần 1 triệu người dân Uygur và những dân tộc thiểu số khác bị giam giữ ở “các trung tâm đào tạo” mà theo các nhà phê bình Mỹ mô tả là những trại tập trung.
Ông Shi nói rằng ưu tiên chính của Trung Quốc và Mỹ là ngăn chặn những tranh chấp này leo thang và phát triển thành xung đột quân sự.
Ni Jian, Đại sứ Trung Quốc tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, vào tuần trước đưa ra triển vọng hợp tác ở vùng Vịnh, trong đó có một lời đề nghị rằng Trung Quốc có thể hộ tống các tàu chở hàng của Trung Quốc theo đề xuất về liên minh hàng hải của Mỹ để đảm bảo an toàn cho các tuyến vận chuyển dầu ở vùng Vịnh, ngay tại thời điểm căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng.
“Nếu trường hợp cực kỳ nguy hiểm xảy ra, chúng tôi sẽ xem xét đến việc hộ tống các tàu chở hàng Trung Quốc bằng lực lượng hải quân”, ông Ni nói, theo Reuters đưa tin.
Nhưng các nhà quan sát nói rằng trong tình hình đối đầu hiện tại, Trung Quốc và Mỹ chỉ có thể hợp tác trong các lĩnh vực không mấy quan trọng.
“Hành động của ông Trump đối với Trung Quốc đang thu hút rất nhiều người Mỹ. Trung Quốc phải tìm cách tránh làm gia tăng tác động này”, Zhu Feng, Trưởng khoa quan hệ quốc tế tại Đại học Nanjing, cho biết.
“Cơ hội dẫn đến việc Mỹ và Trung Quốc hợp tác hiện hầu như không còn. Việc Trung Quốc phải làm là kiểm soát thiệt hại nhiều hơn”, ông Zhu nói, thêm vào đó, Trung Quốc cũng đã cải thiện mối quan hệ với các nước láng giềng.
Theo Vietstock