Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu tại Tokyo, EUR/USD đã đi ngang, dao động trong phạm vi hẹp từ 1,0961 – 1,0973.
Yếu tố ảnh hưởng chính đến cặp tỷ giá là những diễn biến liên quan đến đồng dollar Mỹ. Chỉ số đồng dollar Mỹ (DXY) hiện đã tăng từ mức thấp trong ngày là 100,78 lên 101,80. Tuy nhiên, đồng bạc xanh vẫn chưa thể phục hồi sau khi đã chịu đòn giáng mạnh trong ngày thứ Năm bởi các dữ liệu kém khả quan của kinh tế Mỹ và những đồn đoán liên quan đến chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Các nhà phân tích tại Ngân hàng ANZ nhận định, “Chỉ số sản xuất của FED chi nhánh Philadelphia đã trượt từ mức -23,2 trong tháng 3 xuống -31,3 trong tháng 4, đánh dấu tháng tiêu cực thứ 8 liên tiếp. Kết quả này cũng phản ánh sự suy yếu của nền kinh tế mà cuộc khảo sát của Viện quản lý cung ứng (ISM) đã chỉ ra trước đó. Các số liệu lạm phát tiếp tục cho thấy sự hạ nhiẹt hơn nữa, phù hợp với báo cáo chỉ số giá sản xuất (PPI). Mức giá nhận được đã giảm từ 7,9 xuống 3,3 trong khi mức giá phải trả giảm từ 23,5 xuống 8,2. Có thể thấy, mức giá đầu vào và sức mạnh định giá của doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hóa đang giảm dần.”
Số đơn đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ đạt mức 245 nghìn trong tuần kết thúc vào 15/4, thấp hơn đôi chút so với mức 247 nghìn trong tuần trước đó. Kết quả này cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn ở trong tình trạng vững chắc, bất chấp các hoạt động tuyển dụng đang giảm tốc.
Báo cáo Beige Book – cuộc khảo sát định tính về hoạt động kinh doanh của FED đã ghi nhận sự suy giảm động lực kinh tế sau những biến động trong ngành ngân hàng hồi tháng 3, với chi tiêu tiêu dùng và hoạt động sản xuất nhìn chung không có nhiều thay đổi. Những lĩnh vực này chiếm tổng cộng 85% hoạt động của cả nền kinh tế.
Tuy vậy, theo các chuyên gia của ngân hàng Rabobank, “dollar Mỹ hiện vẫn là loại tiền tệ được sử dụng rộng rãi nhất. Đây là mấu chốt cho đặc tính trú ẩn an toàn của đồng bạc xanh. Nếu có thêm bất kỳ dấu hiệu khủng hoảng nào trong năm nay, USD có thể sẽ tăng giá. Khẩu vị rủi ro của thị trường đã dần lắng xuống trong tháng này, khi những chấn động trong ngành ngân hàng hồi tháng 3 dần lắng dịu.”
“Các dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc cũng có thể sẽ xoa dịu tâm lý lo ngại của thị trường. Chúng tôi nhận thấy vẫn sẽ có rủi ro xảy ra những biến động tiếp theo và điều này có thể khiến tỷ giá EUR/USD giảm xuống còn 1,06 trước thời điểm cuối năm nay,” các nhà phân tích lập luận.
EUR/USD đã có ngày thứ ba liên tiếp đóng cửa ở quanh mức 1,0950, và vẫn không thể tăng lên trên mức 1,1000. Càng mất nhiều thời gian tại đây, cặp tỷ giá càng có nhiều khả năng tạo ra một sự điều chỉnh đáng kể. Biểu đồ hàng ngày cho thấy xu hướng đi lên của EUR/USD và mức giá vượt lên trên đường SMA20 hiện đang ở mức 1,0905.
Biểu đồ 4 giờ cho thấy EUR/USD đang nằm trên đường xu hướng tăng và dao động quanh đường SMA 20 kỳ giảm/trung tính. Các chỉ báo kỹ thuật cho thấy các tín hiệu trái chiều khi Động lượng và Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) không thay đổi quanh các đường giữa. Xu hướng tăng sẽ bắt đầu khi giá ở trên mức 1,0930.
Một sự phá vỡ lên trên mức 1,0980 sẽ mở đường cho cặp tiền tệ kiểm tra lại ngưỡng 1,1000. Ngược lại, một sự phá vỡ xuống dưới mức 1,0930 có thể kích hoạt một đà giảm nhanh hơn, xuống mức 1,0900 và tiếp sau đó là mức hỗ trợ 1,0880.
Thanh Hiệp-Theo fxstreet