Cặp EUR/JPY đã giảm trong phiên đầu tuần, và ngày càng rời xa mức cao nhất kể từ tháng 9/2008, quanh khu vực 159,20 đạt được hôm thứ Sáu tuần trước. Giá giao ngay đã giảm xuống khu vực 158,25 trong phiên châu Á, đánh dấu ngày giảm thứ hai liên tiếp, mặc dù vẫn chưa thể khẳng định về một sự sụt giảm rõ ràng.
Thị trường đang đồn đoán rằng sự suy yếu gần đây của yen Nhật (JPY) có thể dẫn tới sự can thiệp của các cơ quan chức năng Nhật Bản vào thị trường ngoại hối. Điều này đã đóng vai trò như một cơn gió ngược đối với tỷ giá EUR/JPY.
Ngoài ra, xu hướng giảm điểm trên thị trường chứng khoán châu Á cũng có lợi với đồng yen – tài sản trú ẩn an toàn, và gây áp lực giảm lên tỷ giá giao ngay. Trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về điều kiện kinh tế xấu đi tại Trung Quốc, căng thẳng Mỹ - Trung, và rủi ro địa chính trị, nhu cầu của nhà đầu tư đối với các tài sản rủi ro đã suy giảm, thúc đẩy dòng tiền đổ vào JPY.
Một điều đáng lưu ý là Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tuần trước đã ký một sắc lệnh cấm đầu tư mới của Mỹ vào Trung Quốc trong các ngành công nghệ nhạy cảm như chip máy tính. Các lĩnh vực công nghệ khác cũng được yêu cầu thông báo với chính phủ nếu đầu tư.
Phó Tổng thống Đài Loan William Lai hôm thứ Bảy đã bắt đầu chuyến thăm Mỹ, trong sự phản đối quyết liệt từ Trung Quốc. Các quan chức Đài Loan lo ngại, chuyến đi có thể thúc đẩy Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động quân sự hơn xung quanh hòn đảo này.
Bộ Thương mại Trung Quốc cũng đã công bố mức thuế chống bán phá giá đối với polycarbonate nhập khẩu từ Đài Loan, có hiệu lực từ 15/8.
Trong một diễn biến khác, tàu chiến Nga đã bắn cảnh cáo một tàu chở hàng ở phía Tây Nam Biển Đen vào Chủ Nhật, qua đó làm giảm nhu cầu đối với các tài sản rủi ro.
Lập trường ôn hòa của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể kiềm chế JPY, qua đó hạn chế đà giảm đối với EUR/JPY, ít nhất là vào lúc này. Các quan chức đã nhấn mạnh rằng, các bước đi hồi tháng 7, giúp chính sách kiểm soát đường cong lợi suất trái phiếu (YCC) trở nên linh hoạt hơn, đã cho phép lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1%, là một điều chỉnh kỹ thuật, nhằm duy trì chính sách kích thích kinh tế.
Ngược lại, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng chi phí đi vay tổng cộng 4,25 điểm % kể từ tháng 7 năm ngoái. Các thị trường vẫn đang kỳ vọng về khả năng ECB sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào cuối năm nay. Sự khác biệt lớn trong lập trường chính sách tiền tệ giữa hai ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ cho triển vọng về sự xuất hiện một số hoạt động mua vào EUR/JPY.
Do đó, nhà đầu tư sẽ cần thận trọng khi chờ đợi đợt bán mạnh mẽ tiếp theo, trước khi xác nhận rằng, giá giao ngay sẽ đạt đỉnh trong thời gian tới, và mở đường cho bất kỳ đợt điều chỉnh giảm đáng kể nào.
Thanh Hiệp-Theo fxstreet