Công ty bán dẫn ARM Limited của Anh – hay ARM – dự kiến sẽ niêm yết vào tháng 9 năm nay với ước tính định giá từ 30 tỷ đến 70 tỷ USD. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin liên quan về đợt IPO của ARM.
SoftBank Group dự kiến sẽ niêm yết phân khúc ARM Ltd của mình vào tháng 9 năm 2023. Thời điểm IPO chính xác sẽ được xác định theo điều kiện thị trường nhưng theo Bloomberg, roadshow dự kiến bắt đầu vào tuần đầu tiên của tháng 9. Hoạt động định giá IPO sẽ được thực hiện trong tuần tiếp theo. Công ty đã chọn bốn ngân hàng đầu tư dẫn đầu danh sách bao gồm Goldman Sachs, JPMorgan Chase, Barclays và Mizuho Financial Group.
Đợt niêm yết tại Hoa Kỳ chắc hẳn sẽ gây thất vọng cho các bộ trưởng tại Vương quốc Anh, khi họ là những người đã liên tục vận động hành lang để công ty niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn, nhằm đảm bảo London là điểm đến hấp dẫn cho các đợt IPO giá trị cao. Trước đây ARM từng sở hữu một công ty niêm yết kép ở London và New York, cho đến khi được SoftBank mua lại vào năm 2016 và hủy niêm yết công ty này.
Vào năm 2020, Softbank tuyên bố sẽ bán ARM cho nhà sản xuất chip NVIDIA của Hoa Kỳ, nhưng thương vụ trị giá 80 tỷ USD đã thất bại vào tháng 2 năm 2022 sau khi nhiều cơ quan chức năng tại các quốc gia viện dẫn các vấn đề cạnh tranh. Thay vào đó, quyết định niêm yết ARM có thể sẽ không mang lại nhiều giá trị lợi nhuận như phương án bán đứt cho NVIDIA. Tuy nhiên, ARM đang đàm phán để mời Nvidia làm nhà đầu tư chính cho đợt niêm yết tại New York, cùng với các tên tuổi công nghệ lớn khác như Apple và Amazon.
Công ty đang tìm kiếm một đợt IPO để các nhà đầu tư tư nhân trong Vision Fund do SoftBank đứng đầu – những người sở hữu 25% cổ phần của ARM – có thể kiếm tiền thông qua đợt IPO. Tuy nhiên, SoftBank cũng đang đặt mục tiêu mua lại 25% cổ phần của Vision Fund trước đợt IPO. ARM cũng muốn cung cấp quyền chọn mua cổ phiếu để khuyến khích nhân viên gắn bó với công ty.
Nếu đợt IPO của ARM được tiến hành, đây có thể sẽ là một trong những đợt IPO “khủng” nhất trong những năm gần đây và có thể mang lại sự thúc đẩy rất cần thiết cho thị trường IPO. Nhất là giữa bối cảnh đợt IPO đã thu hút sự chú ý của các ông lớn như Apple, Amazon và NVIDIA, vì thế đợt IPO càng trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Khi ARM đã được niêm yết, bạn có thể giao dịch cổ phiếu của nó giống như bất kỳ cổ phiếu nào khác trên thị trường.
ARM là một công ty chip bán dẫn của Anh, có hoạt động kinh doanh chính là thiết kế bộ vi xử lý và các loại chip khác, cũng như các hệ thống và nền tảng. ARM không tự sản xuất bộ vi xử lý máy tính mà bán giấy phép cho các công ty sản xuất khác. Công ty mô tả bản thân giống như bộ phận R&D cho toàn bộ ngành công nghiệp bán dẫn.
ARM được tách ra từ công ty điện toán mang tên Acorn Computers vào năm 1990. Vào thời điểm đó, công ty này là một phần của liên doanh với Apple, chuyên sản xuất chip cho máy tính cầm tay đầu tiên của gã khổng lồ Hoa Kỳ. Nhưng dự án này đã thất bại, dẫn đến việc Apple phải bán 43% cổ phần của mình trong ARM - số tiền thu được mà họ dùng để mua NeXT - một công ty công nghệ của Mỹ do cựu CEO của Apple Steve Jobs thành lập.
Ngay sau đó, Nokia bắt đầu sử dụng các giải pháp dựa trên ARM và đến cuối những năm 90, phần còn lại của ngành sản xuất điện thoại di động, bao gồm cả Apple, cũng tham gia. Khi trở lại công ty, Jobs bắt đầu sử dụng các thiết kế chip dựa trên ARM làm cơ sở cho iPod, iPhone và iPad đầu tiên.
Cuối cùng, ARM đã được SoftBank mua lại vào năm 2016 với giá 24 tỷ USD - cao hơn 43% so với giá cổ phiếu của ARM vào thời điểm đó. SoftBank đã phải gánh thêm nhiều khoản nợ để tài trợ cho thương vụ này, điều mà nhiều người đặt câu hỏi vào thời điểm đó, nhưng rõ ràng canh bạc của SoftBank tỏ ra thành công khi chip ARM ngày càng phổ biến.
Các thiết kế của ARM hiện được tìm thấy trong rất nhiều loại thiết bị, chẳng hạn như máy tính bảng, máy tính để bàn, TV thông minh, nhà thông minh, xe điện, máy bay không người lái, hộ chiếu điện tử và thậm chí cả đèn đường tự động. Công nghệ của công ty được tìm thấy trong khoảng 95% điện thoại thông minh trên thế giới – bao gồm cả Apple, Android và Samsung – và 95% chip được thiết kế tại Trung Quốc.
Đợt IPO của ARM dự kiến sẽ định giá công ty trong khoảng từ 30 tỷ đến 70 tỷ USD. Tuy nhiên, một số báo cáo cho thấy ARM vẫn đang hy vọng đợt IPO sẽ mang về gần 80 tỷ USD, đây là mức định giá trước đó của công ty vào năm 2021, trong bối cảnh công ty đàm phán với NVIDIA.
Giá trị của thương vụ mua bán được gắn trực tiếp với giá cổ phiếu của NVIDIA vì SoftBank sẽ nắm giữ 10% cổ phần của công ty Hoa Kỳ. Định giá của thỏa thuận ban đầu được đặt ở mức 40 tỷ USD, nhưng trong thời kỳ thiếu hụt chip toàn cầu, giá cổ phiếu của NVIDIA đã tăng vọt và định giá của ARM cũng vậy.
Phần lớn lợi nhuận của ARM đến từ tiền bản quyền thu được mỗi khi một công ty sản xuất chip sử dụng thiết kế của họ. Và nhờ sự thống trị của công ty trên thị trường, hơn 160 tỷ con chip đã được sản xuất dựa trên thiết kế của ARM tính đến năm ngoái.
Trong Báo cáo thường niên của SoftBank cho năm 2021, công ty tuyên bố tiền bản quyền công nghệ của ARM đã tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước đó.
Doanh thu phi bản quyền của ARM được lấy từ giấy phép thiết kế bộ vi xử lý cho các công ty bán dẫn khác. Các công ty này trả trước một khoản phí để có quyền truy cập công nghệ – và sau đó là tiền bản quyền cho mỗi con chip sử dụng một thiết kế.
Theo báo cáo của công ty, tổng doanh thu năm 2021 của ARM đã tăng 35% lên 2,7 tỷ USD, do cả doanh thu tiền bản quyền và phi bản quyền đều tăng trưởng mạnh. Và cho đến khi công ty được niêm yết công khai, ARM không có nghĩa vụ công bố báo cáo nào khác.
Mô hình kinh doanh của ARM dựa rất nhiều vào việc luôn đi đầu trong các tiến bộ công nghệ.
Công ty thừa nhận rằng các ứng dụng, danh mục thiết bị và thị trường mới liên tục xuất hiện, đòi hỏi chất bán dẫn tiên tiến phải đáp ứng các yêu cầu mới. Vì vậy, ARM luôn tích cực dự đoán các sản phẩm mà người tiêu dùng và doanh nghiệp sẽ cần trong 5-10 năm tới bằng cách đầu tư vào R&D. Trong quá trình đó công ty hy vọng sẽ phát triển công nghệ trước đối thủ.
Theo thông điệp của ARM cho năm tài chính 2021, công ty đang đầu tư để phát triển công nghệ bộ xử lý mới nhằm:
Các đối thủ cạnh tranh chính của ARM vẫn là IBM, Intel và AMD, những công ty cũng sản xuất chip bán dẫn. Mặc dù vậy, ARM không còn có bất kỳ sự cạnh tranh đáng kể nào trong không gian chip điện thoại thông minh.
Về đơn vị xử lý đồ họa (GPU), ARM phải đối mặt với sự cạnh tranh từ những gã khổng lồ khác như NVIDIA, Qualcomm và Intel. Mặc dù vậy cần lưu ý rằng các nhà sản xuất khác này đã kết hợp GPU độc quyền của họ với các thiết kế được cấp phép bởi ARM.
ARM thuộc sở hữu của tập đoàn Nhật Bản Softbank, danh mục đầu tư của họ cũng bao gồm 400 công ty khác, chẳng hạn như công ty chia sẻ văn phòng WeWork, đối thủ cạnh tranh của Uber là Grab và công ty ô tô đã qua sử dụng Auto1.
Công ty có tổng giá trị vốn hóa thị trường là 76,61 tỷ USD tính đến tháng 3 năm 2022, nằm trong số 200 công ty có giá trị nhất trên toàn thế giới.
Bạn có muốn biết thêm về thương vụ IPO ARM đang được "săn đón" nhất năm 2023 không? Nếu có, hãy theo dõi bài viết dưới đây để có thêm các chi tiết nóng hổi về thương vụ này. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin mới nhất và đầy đủ nhất về thương vụ IPO ARM để bạn có thể hiểu rõ hơn về nó.
Toàn cảnh thương vụ IPO ARM chấn động ngành đầu tư công nghệ thế giới
Hoàng Dương – Theo Cityindex