Ngày 13/12, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) cho biết công ty Credit Suisse Securities và hai doanh nghiệp liên kết đã đồng ý trả hơn 10 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc của SEC rằng các công ty này đã cung cấp những dịch vụ bị cấm cho các quỹ tương hỗ. Tình trạng này, thực tế, đã và đang trở thành một bài toán hóc búa, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực nhằm tái cân bằng môi trường tài chính, từ chính phủ Thụy Sĩ.
Trong phán quyết về vụ kiên năm 2022 liên quan đến hành vi vi phạm các điều luật của bang, một tòa án ở tiểu bang New Jersey đã cấm các thực thể thuộc Credit Suisse không được thực hiện một số hoạt động nhất định. Nhưng SEC cho biết các công ty này vẫn tiếp tục cung cấp các dịch vụ bất chấp lệnh cấm nói trên đến tháng 6/2023.
Như vậy, Credit Suisse đã đồng ý nộp phạt dân sự 3,3 triệu USD và hơn 6,7 triệu USD tiền thu hồi lợi ích có được do hành vi sai trái và tiền lãi, mà không thừa nhận hay bác bỏ các phát hiện của SEC.
Trong một thông báo qua thư điện tử, người phát ngôn của UBS, ngân hàng đã "thâu tóm" Credit Suisse trong năm nay, cho biết sự dàn xếp này là một nước quan trọng khác trong nỗ lực của UBS nhằm chủ động giải quyết các vấn đề còn tranh chấp của Credit Suisse.
Trước đó hồi cuối tháng 10, các nhà quản lý của UBS và giới phân tích nhận định tương lai thương hiệu ngân hàng Credit Suisse sẽ bị lung lay rất nhiều trong thời gian tới. Thậm chí, Giám đốc Điều hành của Ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS, ông Sergio Ermotti ngày 31/10 cho rằng cái tên Credit Suisse sẽ “phai dần” đặc biệt là sau khi UBS “giải cứu” Credit Suisse hồi đầu năm nay.
Phát biểu tại một diễn đàn, ông Sergio Ermotti nhận định thương hiệu Credit Suisse có thể chỉ tồn tại ở một số thị trường nhất định vào năm 2026.
Credit Suisse là ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ, và là một trong số 30 ngân hàng toàn cầu, có chi nhánh ở khoảng 50 quốc gia trên thế giới. Với độ phủ rộng lớn như vậy, việc Credit Suisse bị lung lay sẽ gây ra hiệu ứng Domino trong giới tài chính.
Trước đó, Chính phủ Thụy Sĩ đã đề nghị UBS mua Credit Suisse khi giới chức nước này lo ngại ngân hàng lớn thứ hai nước này, vốn bị suy yếu sau nhiều năm bê bối, sẽ phá sản trong bối cảnh thị trường đối diện với nhiều sóng gió.
Giới phân tích nhận định, cuộc khủng hoảng của Credit Suisse thời gian qua, cũng như việc ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ - UBS - buộc phải mua lại để giải cứu Credit Suisse khỏi phá sản tạo nên những tác động toàn cầu đa chiều.
Ước tính, hiện có khoảng 2.400 tỉ USD tài sản nước ngoài được cất giữ trong các ngân hàng Thụy Sĩ. Do đó, cộng đồng tài chính Thụy Sĩ đóng một vai trò to lớn trong việc mở và quản lý các quỹ ủy thác, cùng với hệ thống cất giữ tài sản ở những quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Tháng 8 vừa qua, ngân hàng UBS của Thụy Sĩ thông báo sẽ hợp nhất hoàn toàn ngân hàng nội địa của Credit Suisse vào các hoạt động của UBS, đồng thời tuyên bố mục tiêu tiết kiệm chi phí ít nhất 10 tỷ USD từ nay đến năm 2026.
Các nhân viên tại ngân hàng đầu tư Credit Suisse ở London (Anh), New York (Mỹ) và một số khu vực ở châu Á dự kiến là nhóm chịu ảnh hưởng lớn nhất của đợt sa thải, một nguồn tin thân cận cho biết.
Nhân viên Credit Suisse đã được thông báo về 3 đợt cắt giảm nhân sự trong năm nay, với đợt đầu tiên dự kiến vào cuối tháng 7 và 2 đợt nữa dự kiến vào tháng 9 và tháng 10.
UBS ban đầu có kế hoạch giữ lại 20% nhân viên mảng công nghệ, truyền thông và viễn thông. Mặt khác, nhiều nhân viên mảng ngân hàng có thành tích tốt đã rời đi hoặc bị các đối thủ cạnh tranh săn đón. Deutsche Bank, Jefferies Financial và Wells Fargo & Co. là những đơn vị đã giành được nhân viên của Credit Suisse trong những tháng gần đây.
Nhìn chung, những thách thức mà Credit Suisse đang gặp phải cho thấy công cuộc “ổn định và làm trong sạch” các tổ chức tài chính tại Thụy Sĩ sẽ còn gian nan. Nổi tiếng với việc sở hữu một hệ thống dịch vụ ngân hàng đặc biệt, chú trọng bảo mật thông tin khách hàng ngay từ những ngày đầu thành lập. Tuy nhiên, đây cũng trở thành kẻ hở và là môi trường hoàn hảo đối với các hành vi gian lận hay trốn thuế….
Hoa Nguyễn