Sự hạ nhiệt áp lực giá cả tại Mỹ có thể đè nặng lên đồng USD.
Động lực tăng vẫn còn nguyên vẹn khi EUR/USD và GBP/USD kiểm tra các rào cản quan trọng.
Ngày càng nhiều nhà đầu tư tin rằng, sự tăng giá gần đây của USD/JPY là một phần của đợt điều chỉnh.
Áp lực giá cả hạ nhiệt tại Mỹ được cho là có thể ảnh hưởng đến đồng USD, ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nhẹ trong năm nay, do hậu quả của tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng.
Các số liệu mới công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng Ba đã tăng 5,0% so với cùng kỳ năm ngoái và 0,1% so với tháng trước. Các kết quả này đều thấp hơn so với mức tăng 6,0% và 0,4% của tháng Hai. Tuy nhiên, đánh giá của Chủ tịch FED chi nhánh Richmond Thomas Barkin rằng áp lực giá cả vẫn còn mạnh, cho thấy FED có thể tiếp tục tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong tháng Năm. Trước ông Barkin, một quan chức khác là Chủ tịch FED chi nhánh San Francisco Mary Daly hôm thứ Tư cũng cho biết, FED vẫn còn nhiều việc phải làm.
Hơn nữa, biên bản cuộc họp tháng Ba của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của FED cũng cho thấy, một số quan chức đã cân nhắc việc tạm dừng tăng lãi suất, nhưng rốt cuộc vẫn kết luận rằng, lạm phát cao cần được giải quyết, ngay cả khi các dự báo cho thấy rằng, căng thẳng trong lĩnh vực ngân hàng sẽ đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái nhẹ. Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường lãi suất đang định giá có khoảng 68% FED sẽ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % tại cuộc họp vào ngày 2 – 3/5.
Động lực tăng giá của EUR/USD đang được cải thiện khi cặp tỷ giá kiểm tra ngưỡng kháng cự quan trọng ở mức cao nhất trong tháng 2 là 1,1035. Tính chất tiến hai bước, lùi một bước của hành động giá kể từ cuối tháng Ba là dấu hiệu cho thấy mức độ quan trọng của ngưỡng kháng cự này. Việc phá vỡ hoàn toàn qua ngưỡng kháng cự này có thể mở ra khả năng cặp tỷ giá tăng lên mức đường trung bình động 200 tuần, hiện ở quanh ngưỡng 1,1200. Xu hướng của EUR/USD vẫn tăng sau khi giữ được ngưỡng hỗ trợ quan trọng trong tháng Ba, ở mức đáy của tháng 1 là 1,0480.
GBP/USD một lần nữa chạm mức cao nhất trong tháng Mười Hai là 1,2450. Một sự đột phá quyết định lên trên ngưỡng kháng cự sẽ kích hoạt sự bứt phá của cặp tiền tệ khỏi kênh giá đi ngang kể từ tháng Mười Hai. Độ rộng của kênh cho thấy, cặp tiền tệ sẽ hướng tới mức 1,3000. GBP/USD vẫn có xu hướng tăng sau đợt phục hồi vào tháng Ba từ ngưỡng hỗ trợ quan trọng ở mức thấp nhất trong tháng Một là 1,1840, trùng với đường trung bình động 200 ngày.
Trong những ngày gần đây, USD/JPY đã phải vật lộn để vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng ở mức cao nhất của ngày 3/4 ở mức 133,75, trùng với đường trung bình động 89 ngày và cạnh trên của chỉ báo đám mây Ichimoku trên biểu đồ hàng ngày. Kể từ cuối tháng 3, Chỉ số sức mạnh tương đối (RSI) 14 ngày tiếp tục được giới hạn ở phạm vi 50-55. Các đợt phục hồi điều chỉnh có xu hướng đánh mất động lực ở khu vực 50 – 55 của RSI. Tuy nhiên, một sự phá vỡ hoàn toàn qua ngưỡng 133,75 sẽ xác nhận rằng, áp lực giảm đối với cặp tỷ giá đã hạ nhiệt, mở ra khả năng USD/JPY dao động trong phạm vi rộng 129 – 138.
Thanh Hiệp-Theo dailyfx