Những ngày qua, thị trường bất động sản Trung Quốc đón các tia sáng mới khi mà Evergande đã phục hồi. Có thời điểm, cổ phiếu này đã tăng tới 82%, một phần lớn là do Country Garden tránh được vỡ nợ. Tuy nhiên, theo đánh giá từ giới chuyên gia, lĩnh vực bất động sản Trung Quốc vẫn còn nhiều “gập ghềnh”.
Tín hiệu tích cực từ sàn chứng khoán đến từ thông tin Country Garden đã thanh toán thành công khoản lãi cổ phiếu trị giá 22,5 triệu USD trong ngày 5/9, thoát cảnh vỡ nợ trong gang tấc. Các khoản lãi trên ban đầu đều đã đến hạn trong tháng 8 vừa qua, nhưng Country Garden đã thanh toán đủ chỉ vài giờ trước khi thời gian ân hạn 30 ngày kết thúc.
Bà Kristy Hung - chuyên gia phân tích của Bloomberg - nhận định: "Country Garden nắm số dự án nhiều gấp bốn lần Evergrande. Do đó, mọi viễn cảnh của họ đều sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà đất Trung Quốc nhiều hơn Evergrande.”
Bất kỳ cuộc khủng hoảng nợ nào của Country Garden đều sẽ tác động sâu rộng lên thái độ của thị trường và có thể làm suy giảm niềm tin của người mua vào các công ty bất động sản có tình hình tài chính tốt.
Năm 2022, Country Garden hưởng lợi lớn từ các biện pháp kích thích ngành bất động sản từ Chính phủ Trung Quốc. Với các gói hỗ trợ kinh tế, công ty này dễ tiếp cận những khoản vay hơn, bất chấp việc nhiều doanh nghiệp khác gặp trục trặc. Nhờ đó, trong giai đoạn này, Country Garden đã thu về doanh số lên đến gần 50 tỷ USD.
Đầu tháng 9, cổ phiếu Evergrande mới được giao dịch trở lại sau 17 tháng và đóng cửa giảm 80% trong phiên đầu tiên. Sau phiên tăng đỉnh điểm ngày 6/9 tới 82%, cổ phiếu đã hạ nhiệt nhưng vẫn giữ đà tăng triển vọng 70%. Đà tăng này cũng được thúc đẩy khi cùng ngày, cổ phiếu Country Garden có lúc tăng 26%. Logan Group tăng 28%.
Cổ phiếu Evergrande phiên sáng 12/9 (Nguồn Investing)Những thông tin này đã thổi một làn gió mới, xua đi u ám kéo dài suốt từ năm 2021, khi mà "bóng ma khủng hoảng" bủa vậy ngành bất động sản của Trung Quốc.
Nhìn lại những cơn sóng dữ đánh vào ngành bất động sản Trung Quốc, Evergrande từng là tập đoàn phát triển bất động sản lớn thứ 2 ở Trung Quốc với hàng trăm dự án tại các thành phố trên cả nước.
Kể từ sau khi Evergrande trở thành quả “bom nổ chậm”, các công ty bất động sản, dù lớn hay nhỏ, đều lần lượt rơi vào tình trạng chật vật trả nợ. Hiệu ứng Domino đã khiến cho bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải hoang mang, lo lắng về tình hình chung. Cổ phiếu của Country Garden đã giảm 53% từ đầu năm cho tới nay, trong khi Logan giảm 18%.
Tính tới cuối năm 2022, tổng nợ của Evergrande đã lên tới mức 340 tỷ USD. Liên quan đến sự kiện này, một số ý kiến lo ngại rằng việc một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản với khoản nợ chiếm tới gần 2% GDP của Trung Quốc nộp đơn xin bảo hộ phá sản sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới thị trường tài chính và ngành bất động sản trên phạm vi toàn cầu.
Tổng tài sản của Evergrande giai đoạn 2011-2022Với việc sử dụng quá nhiều đòn bẩy tài chính và thiếu sự tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của mình, Evergrande ngay lập tức lâm vào tình trạng khó khăn khi Trung Quốc áp dụng chính sách “ba lằn ranh đỏ”.
Lĩnh vực bất động sản là nhóm “gồng gánh” chỉ số chung, nhưng chỉ số Hang Seng vẫn khép phiên trong sắc đỏ, do ảnh hưởng từ nhóm y tế và công nghiệp. Dữ liệu của công ty Dealogic cho thấy các công ty phát triển bất động sản của Trung Quốc có 38 tỷ USD nợ trái phiếu nhân dân tệ và USD đáo hạn trong 4 tháng tới.
Country Garden có tổng số nghĩa vụ nợ khoảng 200 tỷ USD ở thời điểm cuối tháng 6 năm nay. Theo ước tính của Moody’s, Country Garden có khoảng 4,3 tỷ USD trái phiếu sẽ đáo hạn trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024.
Mới đây, công ty báo lỗ 7 tỷ USD trong nửa đầu năm. Tình hình của Country Garden giờ đây đang được xem như một thước đo về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng bất động sản Trung Quốc...
Do đó, giới phân tích cho rằng "trong bối cảnh hiện nay, khi các thay đổi lớn đang diễn ra trong quan hệ cung-cầu ở thị trường bất động sản, việc duy trì chính sách giới hạn được ban hành trước đó với mục đích ngăn chặn đầu cơ đã không còn phù hợp".
Securities Times đưa ra kết luận, vì thế, Trung Quốc cần "khẩn cấp" đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ bán nhà, từ đó mở khóa cho nhu cầu từng bị kìm hãm do chính sách nhà đất khắt khe. Chính những khó khăn mà Evergrande và nhiều tập đoàn khác đang trải qua cũng là bài học “xương máu” cho bất kỳ doanh nghiệp nào.
Investo - Trang tin tức chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam.
Hoa Nguyễn