Các quan chức Hàn Quốc cho biết, việc ra mắt phiên bản trả phí của ChatGPT đã thúc đẩy các công ty viễn thông và công nghệ thông tin của nước này tìm cách kiếm tiền từ các dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) của mình.
Nền tảng trực tuyến Naver là công ty tích cực nhất trong việc thương mại hóa các dịch vụ AI của mình. Lý do là bởi công ty con của Naver - Snow - đã tính phí 4.500 won (3,5 USD) đến 9.900 won (7,66 USD) mỗi tháng cho AI Avatar - dịch vụ tạo ra hình ảnh ba chiều sau khi người dùng tải ảnh tự chụp lên. Dịch vụ này không chỉ nổi đình đám ở Hàn Quốc mà còn được ưa chuộng ở Nhật Bản, thậm chí đã thâm nhập vào thị trường Trung Quốc gần đây.
Sản phẩm của Naver có tên gọi Clova Dubbing, là một dịch vụ chuyển văn bản thành giọng nói do AI cung cấp có giá từ 19.900 won (15,41 USD) đến 89.900 won (69,62 USD) mỗi tháng.
Trong cuộc gọi thu nhập quý 4 của công ty vào đầu tháng này, Giám đốc điều hành Naver Choi Soo-yeon chia sẻ với các nhà đầu tư: "Mục tiêu của chúng tôi là giới thiệu dịch vụ tìm kiếm cải tiến của riêng Naver có tên là SearchGPT trong nửa đầu năm nay".
Ứng dụng nhắn tin Kakao cũng đã nỗ lực phát triển các dịch vụ AI trả phí đăng ký của riêng mình. Kakao Brain, công ty con của Kakao chuyên về các dịch vụ AI, có kế hoạch ra mắt phiên bản trả phí của B Discover - ứng dụng tạo hình ảnh do AI cung cấp. Phiên bản miễn phí của B Discover đã được ra mắt vào năm ngoái để nhắm mục tiêu khách hàng toàn cầu.
Trong một cuộc gọi hội nghị vào tháng này, Kakao đã tiết lộ kế hoạch trình làng chatbot KoGPT thông thạo tiếng Hàn. Công ty cũng sẽ ra mắt dịch vụ AI chẩn đoán y tế, có thể phân tích hình ảnh chụp X-quang ngực, tại Australia.
Các công ty viễn thông cũng coi các dịch vụ AI của họ là động lực tăng trưởng mới.
Nhà điều hành viễn thông không dây SK Telecom đã tiết lộ dịch vụ AI của mình, A. (A-dot), vào tháng 5/2022. SK Telecom sẽ ra mắt dịch vụ trong năm nay để sử dụng chủ yếu trong việc trả lời khách hàng.
"Chúng tôi cũng đang xem xét đưa ra một mô hình kinh doanh mới để kiếm lợi nhuận từ dịch vụ AI" - một quan chức của SK Telecom cho biết.
Trong khi đó, KT và LG Uplus tìm cách kiếm tiền từ công nghệ AI bằng cách cho phép các công ty khác nhau sử dụng công nghệ của họ tại các trung tâm dịch vụ khách hàng.
KT được cho là đã thương lượng với các công ty dịch vụ tài chính lớn để thành lập một trung tâm khách hàng AI dựa trên AI siêu quy mô của công ty viễn thông, có tên là Mideum.
LG Uplus đã phát triển các dịch vụ từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp (B2B) để sử dụng AI siêu quy mô của mình, được gọi là Exaone, tại các trung tâm dịch vụ khách hàng.
Tuy nhiên, có vẻ như sẽ cần một khoảng thời gian nhất định để các dịch vụ AI của các công ty Hàn Quốc có thể tạo ra lợi nhuận. Giám đốc điều hành Kakao Hong Eun-taek thừa nhận vấn đề này, chỉ ra rằng các dịch vụ liên quan đến AI được tung ra trên toàn cầu vẫn chưa tạo ra thu nhập ổn định.
Yến Anh-Theo koreatimes