Ngoại trưởng Antony Blinken vừa tiết lộ những cái nhìn sâu sắc nhất về chính sách đối ngoại của Chính quyền Biden đối với Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times tại Paris, ông Antony Blinken đã nói nhiều về mối quan hệ của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ nói rằng Pháp và Mỹ "cùng quan đểm" về nhu cầu bảo vệ trật tự thế giới tự do khi Trung Quốc giành được những ảnh hưởng.
Ông Blinken, người từng đưa ra thông điệp cứng rắn với Trung Quốc trong cuộc họp ở Alaska hồi tháng 3, tiếp tục nhắc lại những lời cảnh báo gần đây của Tổng thống Joe Biden về cái gọi là sự đe dọa với nền dân chủ, không chỉ bởi những xu hướng phi tự do ở phương Tây.
Khái niệm về một cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Trung Quốc đang dần quen thuộc ở Washington. Tuy nhiên, khác với cuộc Chiến tranh Lạnh mang tính ý thức hệ trong quá khứ, Mỹ và Trung Quốc đang mắc kẹt trong một loạt những mâu thuẫn, ở tất cả các mặt, từ kinh tế, công nghệ tới văn hóa….
Trung Quốc đã đi theo những đường lối cứng rắn hơn rất nhiều về mặt kinh tế. Bắc Kinh cũng đang linh hoạt hóa sức mạnh của họ trên Thái Bình Dương và hơn thế nữa. Những chính sách như ở Hồng Kông cho thấy Trung Quốc sẵn sàng dẹp bỏ những sự phản đối trên lãnh thổ của họ, bất chấp sự phản ứng của phương Tây.
Tuy nhiên, liệu Bắc Kinh có nghĩ đến việc tiến hành một cuộc chiến toàn diện chống lại trật tự thế giới mà Mỹ và phương Tây đang dẫn đầu hay không là một câu hỏi khác. Không ai có thể khẳng định các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn gia tăng vị thế của họ trong nước hay đó thực sự là biểu hiện cho một chính sách đối ngoại tham vọng của Bắc Kinh trên khắp thế giới.
Dù toan tính của Trung Quốc là gì, Mỹ đều đưa ra những chính sách mới, từ kinh tế đến cơ sở hạ tầng, từ Quốc phòng tới cải thiện mạng lưới an toàn xã hội… theo hướng sẵn sàng cho sự đối đầu với Bắc Kinh. Chính những diễn biến này khiến nhiều người tin rằng Chiến tranh Lạnh mới có thể nổ ra giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo Cafef