Một đợt nắng nóng kéo dài với nền nhiệt tăng cao kỷ lục đang diễn ra ở các bang Trung Tây nước Mỹ. Nắng nóng khắc nghiệt cũng gây ảnh hưởng đến hơn 60 triệu người. Bên cạnh đó, thông tin liên quan tới bầu cử Mỹ cũng thu hút dư luận.
Theo Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ, các thành phố ở miền Trung Tây như Chicago, Des Moines và Topeka đang hứng chịu nắng nóng cực đoan trong thời gian dài. Tình trạng nắng nóng khắc nghiệt kéo dài như vậy chưa từng xảy ra tại các khu vực này.
Nhà chức trách đã ban hành cảnh báo nắng nóng đối với hơn 60 triệu người dân ở các bang khi nhiệt độ nóng bất thường kết hợp với độ ẩm cao là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu liên quan đến thời tiết ở Mỹ.
Để ứng phó với đợt nắng nóng nguy hiểm này, giới chức các bang Trung Tây đã thiết lập các địa điểm tránh nóng tạm thời cho người dân. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh của Mỹ, mỗi năm có khoảng 1.220 người dân nước này tử vong do nắng nóng cực đoan.
Theo Ngân hàng trung ương Venezuela, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 2 vừa qua đã tăng 8,78%, một mức tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, tuyên bố của Ngân hàng trung ương Venezuela cũng thừa nhận, nền kinh tế Venezuela đã chịu nhiều tác động kể từ năm 2015, thời điểm các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này có hiệu lực.
Hồi đầu tháng này, ngân hàng trung ương Venezuela cho biết lạm phát hàng tháng của nước này giảm nhẹ xuống còn 0,7% trong tháng 7. Mức lạm phát trong tháng 6 là 1%, tương đương lạm phát 51,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng đối với Venezuela, đây là dấu hiệu tích cực, bởi quốc gia này vốn đã chìm trong siêu lạm phát từ tháng 11/2017.
Vừa qua, hai công ty trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh hàng đầu là OpenAI và Anthropic vừa đồng ý chia sẻ các mô hình AI mới nhất của họ với chính phủ Mỹ, nhằm mục đích kiểm tra tính an toàn.
Cụ thể, OpenAI và Anthropic sẽ hợp tác với Viện An toàn AI Mỹ, và cơ quan này sẽ phản hồi cho hai công ty về các cải tiến mức độ an toàn trong mô hình AI của họ, cả trước và sau khi các mô hình được công bố rộng rãi.
Theo đại diện của Anthropic, sự hợp tác này sẽ giúp tăng cường khả năng xác định và giảm thiểu rủi ro, thúc đẩy sự phát triển AI có trách nhiệm. Sam Altman, CEO của OpenAI, cũng hoan nghênh thỏa thuận này và ủng hộ việc quản lý AI ở cấp quốc gia thay vì cấp tiểu bang, cho rằng điều này sẽ giúp tránh được nguy cơ cản trở nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực AI.
Thỏa thuận trên được xem là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý và giám sát công nghệ AI, và cũng là một phần trong nỗ lực thực hiện sắc lệnh về AI của Nhà Trắng được công bố vào năm ngoái, nhằm tạo khung pháp lý cho việc triển khai nhanh chóng các mô hình AI tại nước này.
Theo cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện trong 8 ngày trên quy mô toàn quốc, bà Harris đang dẫn trước ông Trump 4 điểm phần trăm, với tỷ lệ ủng hộ 45% - 41%. Trong nhóm cử tri nữ và người gốc Tây Ban Nha, cách biệt nới rộng hơn, khi bà Harris nhận được 49% tỷ lệ ủng hộ, còn ông Trump là 36%. Ngược lại, ông Trump vẫn dẫn trước trong nhóm cử tri da trắng và nam giới. Tại các bang “chiến địa”, khoảng cách rất sít sao khi ông Trump dẫn trước bà Harris với tỷ lệ 45% - 43% ở 7 bang.
Trong khi đó, kết quả thăm dò của tờ Wall Street Journal thực hiện từ ngày 24-28/8, tức sau khi kết thúc Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ, lần đầu tiên cho thấy ứng cử viên đảng Dân chủ dẫn trước ông Trump kể từ tháng 4 năm nay. Theo đó, bà Harris nhận được sự ủng hộ của 48% cử tri, trong khi con số này dành cho ông Trump là 47%.
Kết quả thăm dò phản ánh cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng đã thay đổi đáng kể so với mùa Hè. Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden rút lui ngày 21/7 và ủng hộ bà Harris tranh cử, đảng Dân chủ dần cải thiện vị thế so với đảng Cộng hòa trong các cuộc khảo sát toàn quốc.
Hội đồng bảo an LHQ đã tổ chức cuộc họp về tình hình Trung Đông, tập trung vào tình hình nhân đạo tại Gaza. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Israel và phong trào Hamas của Palestine đã nhất trí tạm ngừng giao tranh ở Dải Gaza để tạo điều kiện cho chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bại liệt cho trẻ em.
Tại cuộc họp, đại diện các nước thành viên HĐBA đã nghe giới chức LHQ báo cáo tóm tắt tình hình nhân đạo tại Gaza, nhấn mạnh nỗ lực và hoạt động cứu trợ nhân đạo đang gặp thách thức nghiêm trọng. LHQ cho rằng, nhiệm vụ trước mắt là phải triển khai thành công chiến dịch tiêm chủng phòng chống bại liệt cho trẻ em Gaza.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo Israel và Hamas đã nhất trí tạm ngừng giao tranh ở Dải Gaza trong 3 đợt riêng biệt, mỗi đợt kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 1/9, để tạo điều kiện cho việc triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bại liệt cho trẻ em. Việc tạm dừng giao tranh có thể được kéo dài sang ngày thứ 4 trong trường hợp cần thiết.
Hoa Nguyễn