logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 21/06/2024

Chuyển động thế giới 21/06

Các nhà lãnh đạo thế giới, các nhóm y tế và các công ty dược phẩm tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu (Gavi) đã công bố khoản tài trợ 1,2 tỷ USD để sản xuất vaccine ở châu Phi, nơi đang phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng y tế.

Chuyển động thế giới 21/06

Phát biểu tại hội nghị diễn ra ở thủ đô Paris (Pháp), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết 75% số tiền tài trợ sẽ đến từ châu Âu. Trong đó, Đức sẽ đóng góp 318 triệu USD, Pháp đầu tư 100 triệu USD và Anh đầu tư 60 triệu USD. Các nhà tài trợ khác bao gồm Mỹ, Canada, Na Uy, Nhật Bản và Quỹ Gates.

Liên minh Gavi cũng tuyên bố sẽ huy động 9 tỷ USD để tài trợ cho các chương trình của mình giai đoạn 2026 – 2030. Ủy ban Liên minh châu Phi cho rằng kế hoạch này có thể trở thành chất xúc tác để thúc đẩy ngành công nghiệp dược phẩm ở châu Phi và tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Đại diện cơ quan này cũng lưu ý hiện châu Phi nhập khẩu 99% vaccine với chi phí rất cao. Liên minh châu Phi đặt mục tiêu sẽ tự sản xuất 60% vaccine vào năm 2040.

Những đợt nắng nóng nguy hiểm đang bao trùm nhiều thành phố ở 4 châu lục trên thế giới trong bối cảnh Bắc Bán cầu bước vào mùa Hè. Tình hình này làm dấy lên quan ngại về khả năng mùa Hè năm nay sẽ ghi nhận những kỷ lục nhiệt độ mới, vượt cả nền nhiệt mùa Hè vốn đã đạt ngưỡng cao năm ngoái.

Tại khu vực Nam Á, nắng nóng gay gắt hoành hành nhiều khu vực ở Ấn Độ trong những tuần gần đây. Ít nhất 110 người đã tử vong do nắng nóng từ ngày 1/3 đến 18/6. Tại Saudi Arabia, số nạn nhân tử vong do nắng nóng khi tham gia lễ hành hương tại thánh địa Hồi giáo Mecca đã vượt con số 1.000 người. Cơ quan Khí tượng Saudi Arabia cho biết nhiệt độ ở Mecca và các khu vực xung quanh đã lên tới 47 độ C vào ngày 18/6.

Các quốc gia Địa Trung Hải đã phải hứng chịu thêm một tuần nắng nóng khắc nghiệt, làm bùng phát các vụ cháy rừng từ Bồ Đào Nha đến Hy Lạp và dọc theo bờ biển Algeria. Ngay từ trước khi chính thức vào mùa Hè, châu Âu đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do nắng nóng.

Còn theo Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ, các khu vực ở Trung Tây và Đông Bắc nước Mỹ cũng đang chìm trong nắng nóng gay gắt, buộc nhà chức trách ban bố cảnh báo nguy hiểm đối với sức khỏe.

Mới đây, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết nước này hy vọng sẽ được Nhóm các nền kinh tế đang phát triển (BRICS) chấp nhận làm thành viên ngay tại cuộc gặp thượng đỉnh của khối diễn ra ở Nga vào tháng 10 tới.

Theo Bộ trên, Thái Lan đã đệ đơn chính thức xin gia nhập BRICS tại cuộc họp cấp bộ trưởng của nhóm này được tổ chức một tuần trước. Băng-cốc hy vọng sẽ nhận được phản hồi tích cực và sớm được chấp nhận là thành viên BRICS tại cuộc họp thượng đỉnh sắp tới ở Nga.

Ngoài BRICS, Thái Lan cũng đang muốn trở thành thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), sau khi được tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp) mời mở các cuộc thảo luận gia nhập tổ chức này.

Kể từ khi thành lập vào năm 2006, nhóm BRICS đã trải qua hai giai đoạn mở rộng. Năm 2011, Nam Phi gia nhập nhóm ban đầu gồm các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Tháng 1 năm nay, 5 thành viên mới đã chính thức gia nhập BRICS gồm Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Iran, A-rập Xê-út, Ethiopia, Ai Cập.

Ngày 20/6, Ngân hàng trung ương Anh đã quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt ở mức 5,25%. Quyết định được đưa ra dù tỷ lệ lạm phát tại Anh đã giảm xuống mức mục tiêu 2% vào tháng 5 vừa qua.

Lý giải cho việc chưa giảm lãi suất, Ngân hàng trung ương Anh cho rằng lạm phát có thể sẽ trở lại mức 3% vào cuối năm nay trước khi tiếp tục giảm vào năm sau, xuống còn 2% theo mục tiêu.

Nhận định về động thái của Ngân hàng trung ương Anh, đa số các nhà phân tích kinh tế cho rằng nhà chức trách Anh đang muốn chờ xem liệu lạm phát có tiếp tục được duy trì ở mức 2% trong những tháng tới hay không trước khi đưa ra quyết định tiếp theo. Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng Anh khó có thể giảm lãi suất khi sắp diễn ra bầu cử.

Chuyển động thế giới 21/06

Nhà chức trách Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra về thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn của EU, tập trung vào thịt tươi nguyên con, thịt đông lạnh, cũng như sản phẩm nội tạng của lợn. Cuộc điều tra dự kiến sẽ được hoàn tất trước ngày 17/6 sang năm, nhưng có thể kéo dài thêm 6 tháng nếu cần thiết.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, nếu kết quả điều tra sơ bộ xác định có hiện tượng bán phá giá gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước của Trung Quốc, khi đó các biện pháp chống bán phá giá tạm thời có thể được áp dụng.

Hiện EU chưa đưa ra phản ứng trước động thái của Bắc Kinh. Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy, trong năm 2023, nước này nhập khẩu 6 tỷ USD thịt lợn, bao gồm cả nội tạng, và hơn một nửa trong số đó đến từ EU.

Hoa Nguyễn

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

banner-5-1.jpg