logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 19/08/2024

Chuyển động thế giới 19/08

Thống kê mới nhất cho thấy 290 trong tổng số 309 trường học ở Dải Gaza đã bị phá hủy trong những đợt tấn công của Israel, số còn lại không hoạt động và chỉ dành cho người sơ tán trú ngụ. Căng thẳng leo thang chưa có hồi kết gây nhiều thiệt hại cho người dân.

Chuyển động thế giới 1908

Hãng thông tấn chính thức WAFA của PA dẫn lời Bộ trưởng Barham khẳng định các trường học do Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine (UNRWA) cũng không tránh khỏi số phận tương tự. Ông “đánh giá tình trạng giáo dục ở Dải Gaza là thảm họa” và cáo buộc Israel “muốn hủy hoại tương lai của trẻ em chúng ta”.

80% tổng số trường đại học ở Dải Gaza cũng bị phá hủy, đẩy 630.000 sinh viên vào cảnh thất học. Ngoài ra, 9.500 sinh viên đã thiệt mạng trong những cuộc tấn công của Israel và 15.000 sinh viên bị thương, trong đó có 5.000 sinh viên bị tàn tật. 19.000 sinh viên đã phải vất vả tìm đường sang Ai Cập để hoàn thành chương trình học tập. Chiến dịch tấn công trả đũa của Israel ở Dải Gaza đã kéo dài hơn 10 tháng và chưa có dấu hiệu kết thúc. Các tổ chức nhân đạo cảnh báo chương trình học bị ngừng trệ sẽ khiến trẻ em ở vùng lãnh thổ của Palestine khó quay trở lại trường học và đối mặt với tương lai đầy khó khăn. UNRWA cũng cảnh báo tình trạng thất học làm gia tăng nguy cơ trẻ em bị cuốn vào vòng xoáy “lao động trước tuổi, kết hôn sớm và bị các nhóm vũ trang tuyển dụng”.

Một nghiên cứu được công bố mới đây trên Tạp chí Y khoa của Australia, cho thấy tình trạng “COVID kéo dài” đã gây thiệt hại 10 tỷ AUD (6,7 tỷ USD) cho nền kinh tế nước này. Cụ thể, dựa trên các thống kê về số ca mắc COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023, nghiên cứu cho thấy trong tháng 9/2022, khoảng 1,3 triệu người Australia phải sống chung với tình trạng “COVID kéo dài”, trong đó có khoảng 55.000 trẻ em từ 4 tuổi trở xuống.

Các nhà nghiên cứu cũng đã theo dõi dữ liệu giám sát nước thải từ hơn 5.000 người trưởng thành đang đi làm - những người có triệu chứng từ 3-12 tháng hoặc lâu hơn và phát triển một mô hình toán học để xác định số lượng triệu chứng COVID-19 đang diễn ra, đồng thời tính toán số giờ mà người dân Australia không thể làm việc hoặc bị buộc phải giảm giờ làm do các triệu chứng “COVID kéo dài” trong 12 tháng sau khi họ mắc bệnh.

Người lao động từ 30-49 tuổi chiếm hơn 50% tổng số giờ lao động bị mất, gây thiệt hại lớn cho toàn bộ nền kinh tế. Ngay cả khi chỉ có 2% số người mắc “COVID kéo dài” thì đó vẫn là gánh nặng lớn về sức khỏe cộng đồng và gây thiệt hại cho nền kinh tế.        

Mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tài chính Mỹ về việc chỉ định những người được liên lạc để xử lý bất kỳ tình huống căng thẳng tài chính nào trong tương lai. Đây là một ví dụ hiếm hoi về nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Hai bên cũng đã trao đổi danh sách liên lạc về ổn định tài chính trong cuộc họp thứ năm của Nhóm Công tác Tài chính, được thành lập sau chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen vào năm ngoái.

Theo thông báo từ PBoC về các cuộc họp diễn ra từ ngày 15-16/8, ngân hàng này và Bộ Tài chính Mỹ đã ký một bản ghi nhớ để tăng cường hợp tác về ổn định tài chính giữa hai nước.

Chuyển động thế giới 1908

Thông báo cũng cho biết hai nước đã trao đổi danh sách liên lạc về ổn định tài chính. Đây là lần đầu tiên các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc gặp mặt kể từ khi “gã khổng lồ châu Á” công bố các ưu tiên dài hạn vào tháng trước. Các thỏa thuận trên sẽ giúp các cơ quan tài chính hai nước duy trì giao tiếp kịp thời và hiệu quả.

Tính riêng trong tháng 7, số người trong độ tuổi từ 15 - 29 ở Hàn Quốc không tích cực tìm việc làm lên hơn 400 nghìn người. Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết, số lượng thanh niên không có việc làm, không được học hành hoặc không được đào tạo, ở nước này trong tháng trước đã đạt mức cao nhất so với bất kỳ tháng 7 nào được ghi nhận. Lý do người trẻ không tìm kiếm việc làm là do thiếu việc làm chất lượng và mức lương không ổn định.

Thị trường gạo chứng kiến nhiều biến động trong tuần qua, trong đó giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tiếp tục giảm do nhu cầu yếu và dự báo khả quan về sản lượng của vụ mùa mới. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ hiện ở mức 536-540 USD/tấn, giảm so với mức 539-545 USD/tấn tuần trước. Các nhà giao dịch cho biết lợi thế giá của gạo Ấn Độ so với các đối thủ Thái Lan và Việt Nam đã thu hẹp, dẫn đến xuất khẩu chậm lại. Tỷ giá đồng rupee Ấn Độ giảm xuống mức thấp kỷ lục cũng tác động đến thị trường.

Hoa Nguyễn

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

banner-5-1.jpg