logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 17/02/2023

Chuyển động thế giới 17/02/ 2023

Tuần vừa qua thế giới vẫn tập trung sự chú ý tới công cuộc cứu hộ và hỗ trợ các nạn nhân tại Thổ Nhĩ kỳ, các động thái mới của FED và những tin tức kinh tế đáng chú ý.

Chuyển động thế giới 1702

Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ ước tính thiệt hại ban đầu do trận động đất đã lên tới 50 tỷ USD, song các chuyên gia nước này lại cho rằng, hiện rất khó để xác định rõ thiệt hại vật chất do trận động đất gây ra. Ảnh hưởng của trận động đất lan rộng trên một khu vực 300km, vì vậy công cuộc tái thiết có thể tiêu tốn hàng chục hoặc hàng trăm tỷ USD. Khó khăn thêm chồng chất khi thảm họa xảy ra vào đúng thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ) ngày 15/2, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết vấn đề chi tiêu quốc phòng sẽ tiếp tục được bàn thảo tại hội nghị thượng đỉnh của NATO, dự kiến diễn ra vào tháng 7 tới tại Litva, sau khi các nước thành viên không đạt được cam kết mới trong cuộc họp lần này. Ông Stoltenberg nhấn mạnh các quốc gia thành viên nên cam kết chi tiêu tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng.

Ngày 16/2, Bộ Lao động Mỹ đã công bố các báo cáo cho thấy lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở nước này tiếp tục giảm và giá sản xuất hàng hóa tăng, bất chấp chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cụ thể, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần tính đến ngày 11/2 vừa qua đã giảm xuống mức 194.000 đơn. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ hiện vẫn ở mức thấp, bất chấp các vụ sa thải nhân công trong lĩnh vực công nghệ và các ngành nhạy cảm với lãi suất. Các chuyên gia nhận định có khả năng một số nhân công bị sa thải đã tìm được công việc mới hoặc đang trì hoãn việc nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp nhờ các gói trợ cấp thôi việc. Trong khi đó, một báo cáo khác cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 0,7% trong tháng 1, mức tăng cao nhất trong 7 tháng qua do giá năng lượng tăng cao. Các báo cáo trên cũng như số liệu về doanh số bán lẻ tăng mạnh trong tháng 1 và giá tiêu dùng hàng tháng tăng cao đang khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại khả năng FED có thể duy trì chính sách tăng lãi suất cho đến hết mùa Hè tới.

Mới đây, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí loại bỏ dần các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 đối với khách du lịch từ Trung Quốc, bao gồm việc chấm dứt yêu cầu phải có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành. Theo Thụy Điển, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, trong cuộc họp ngày 16/2, các chuyên gia y tế từ 27 quốc gia thành viên EU đã nhất trí chấm dứt yêu cầu khách du lịch từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm COVID âm tính trước khi khởi hành, bắt đầu từ cuối tháng 2 này. Và kể từ giữa tháng 3, EU cũng sẽ ngừng xét nghiệm ngẫu nhiên đối với khách du lịch từ Trung Quốc tới châu Âu. Các động thái này cũng nhận được sự đồng ý của các thành viên ngoài EU trong khu vực Schengen là Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Trước đó, kể từ ngày 4/1, các quốc gia EU đã nhất trí yêu cầu du khách đến từ Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính cũng như tiến hành xét nghiệm ngẫu nhiên đối với du khách từ nước này trước khi nhập cảnh.

Chuyển động thế giới 1702

Trong tuần qua, hàng nghìn người dân Pháp đã tham gia các cuộc tuần hành ở thủ đô Paris để phản đối kế hoạch cải cách lương hưu do Chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron thúc đẩy. Tại cuộc tuần hành, hàng nghìn người làm việc trong những ngành nghề khác nhau đã giơ cao các biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu phản đối kế hoạch cải cách lương hưu, trong đó có việc tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 đến 64 tuổi.  Hiện các nghiệp đoàn hiện đang gia tăng sức ép đối với chính phủ, trong bối cảnh ngày biểu tình thứ năm phản đối kế hoạch cải cách lương hưu diễn ra chỉ 2 ngày trước khi các trường học tại Pháp bước vào kỳ nghỉ đông. Các tổ chức công đoàn lớn của Pháp đã kêu gọi đình công vào ngày 7/3, trùng ngày sẽ diễn ra phiên thảo luận cuối cùng về đề xuất cải cách lương hưu ở Quốc hội Pháp. Kế hoạch cải cách này được coi là phép thử quan trọng đối với Tổng thống Emmanuel Macron, người đang muốn ghi dấu ấn trong nhiệm kỳ thứ hai. Chính quyền của Tổng thống Macron sẽ cần sự ủng hộ của đảng Cộng hòa đối lập trong Quốc hội để thông qua kế hoạch cải cách lương hưu, song vấn đề này hiện đang gây tranh cãi quyết liệt ở Quốc hội.

Hoa Nguyễn

 

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

banner-5-1.jpg