Cộng đồng quốc tế vẫn đang nỗ lực làm dịu căng thẳng ở khu vực Trung Đông. Trong ngày 8/8, giới chức Mỹ, Italy, Ai Cập và Qatar đều có những động thái nhằm tác động đến các bên trong cuộc xung đột để ngăn nguy cơ lan rộng, cũng như tạo cơ hội cho việc mở lại kênh đối thoại hòa bình.
Trong một tuyên bố chung đưa ra hôm qua, các nhà lãnh đạo Mỹ, Ai Cập và Qatar cùng kêu gọi Israel và phong trào Hamas ở Gaza quay lại bàn đàm phán vào tuần tới. Các nước này cho rằng không có lý do gì để trì hoãn hay lãng phí thời gian khi mà giữa các bên chỉ còn phải đàm phán nốt về những chi tiết thực thi lệnh ngừng bắn cũng như trao trả các con tin.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin điện đàm với người đồng cấp Israel, trong đó ông cũng nói rõ cần phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza để đổi lại tự do cho các con tin. Người đứng đầu ngành quốc phòng Mỹ không quên trấn an rằng Washington đã điều máy bay F-22 Raptor đến khu vực để bảo vệ bảo vệ Israel và các lực lượng Mỹ.
Trong khi đó, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni có cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian để thuyết phục Tehran không làm xung đột lan rộng. Trước đó, một quan chức cấp cao của Mỹ cảnh báo Iran sẽ đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng" nếu tấn công Israel, hành động sẽ đặt dấu chấm hết cho triển vọng ngừng bắn tại Gaza.
Cho đến nay, Iran vẫn giữ quan điểm sẽ trả đũa Israel sau khi thủ lĩnh chính trị của Hamas bị sát hại ngay tại thủ đô Tehran đêm 31/7, chỉ vài giờ sau khi một chỉ huy vũ trang của Hezbollah bị Israel tiêu diệt ở Liban.
Mới đây, giám đốc điều hành Ngân hàng JPMorgan Chase, Jamie Dimon, nhận định kinh tế Mỹ hiện tại "không hề" rơi vào suy thoái. Theo đánh giá của ông, kinh tế Mỹ vẫn có khả năng suy thoái cao hơn khả năng hạ cánh mềm do bất ổn địa chính trị, thâm hụt ngân sách, thị trường nhà ở, chính sách thắt chặt định lượng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm nay, song đó là câu chuyện của tương lai chứ không phải hiện tại. Hiện, thị trường cần bình tĩnh trước những biến động tài chính lớn xảy ra trong tuần này.
Tính đến hết tháng 7, tổng cộng 111 công ty lớn của Hàn Quốc đã đăng ký 1.503 bằng sáng chế về trí tuệ nhân tạo (AI) với Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Hàn Quốc. Theo dữ liệu gần đây từ mạng CEO Score, trong bối cảnh thị trường AI toàn cầu ngày càng “tăng nhiệt”, đây là lần đầu tiên số lượng bằng sáng chế liên quan đến AI của Hàn Quốc vượt con số 1.500. Thống kê cho thấy Tập đoàn Samsung Electronics đứng đầu, với 387 bằng sáng chế, tiếp theo là LG Electronics với 154 bằng. Con số này của Naver và SK Telecom lần lượt là 90 và 78 bằng.
Ngày 8/8, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong nửa đầu năm nay đạt 12.680 tỷ yen (87 tỷ USD), với mức tăng cao nhờ lợi nhuận kỷ lục từ đầu tư nước ngoài và thâm hụt thương mại giảm mạnh cùng đồng yen suy yếu. Trong báo cáo, Bộ Tài chính cho biết trong 6 tháng đầu năm, thâm hụt thương mại của Nhật Bản đã giảm gần một nửa xuống còn 2.610 tỷ yen, trong đó nhập khẩu tăng 1,1% lên 53.220 tỷ yen và xuất khẩu tăng 6,7% lên 50.610 tỷ yen.
Nhằm giải quyết tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng khi lượng du khách đến Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục, vào đầu tháng 7, một tập đoàn quản lý khách sạn Nhật Bản đã tổ chức hội chợ việc làm tại Jakarta để tuyển dụng người lao động Indonesia. Các sự kiện tương tự cũng đang được lên kế hoạch ở Philippines, Việt Nam, Ấn Độ, Sri Lanka và Nepal.
Bên cạnh việc tuyển dụng từ nước ngoài, việc chia sẻ thu nhập từ làn sóng du lịch để làm cho công việc trong ngành dịch vụ trở nên hấp dẫn hơn cũng được coi là một góc nhìn quan trọng khác để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động.
Trong khi đó, chính phủ Canada đang cân nhắc việc hạn chế các nhà tuyển dụng ở một số khu vực và ngành công nghiệp nhất định tiếp cận “Chương trình lao động nước ngoài tạm thời - TFW” trong bối cảnh nhiều công ty sử dụng chương trình này để tuyển dụng lao động bất chấp tỷ lệ thất nghiệp trong nước gia tăng. Nếu các chính sách như vậy có hiệu lực, điều này sẽ đánh dấu sự thay đổi đáng kể đối với chính phủ liên bang, vốn mở rộng quyền tiếp cận lao động nước ngoài tạm thời của các nhà tuyển dụng trong những năm gần đây.
Ngày 8/8, Tập đoàn truyền thông đại chúng đa quốc gia Paramount Global cho biết tập đoàn dự kiến cắt giảm khoảng 15% nhân sự tại Mỹ trong những tuần tới, tương đương khoảng 2.000 việc làm. Đại diện Paramount Global, cho biết kế hoạch giảm nhân sự là một phần trong các biện pháp nhằm tiết kiệm chi tiêu của tập đoàn. Nhân sự cắt giảm chủ yếu liên quan các hoạt động tiếp thị, truyền thông, tài chính, pháp lý, công nghệ và các chức năng hỗ trợ khác. Việc cắt giảm này dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Hoa Nguyễn