Tuần qua, thế giới đã tập trung sự chú ý đến các thông tin liên quan đến lãi suất, lạm phát ở các khu vực và cả hoạt động của các doanh nghiệp lớn. Đáng chú ý, Fed vẫn để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất.
Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cảnh báo cơ quan này có thể phải nâng lãi suất lên mức cao hơn dự kiến nếu các số liệu chưa thể giúp hạ nhiệt. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một báo cáo công bố vào tháng 2 cho thấy số lượng việc làm tại Mỹ bất ngờ tăng mạnh, trong khi lạm phát giảm chậm hơn so với thông tin trước đó. Theo thành viên điều hành FED Christopher Waller, dù lạm phát đã giảm xuống kể từ giữa năm ngoái, song những số liệu gần đây cho thấy Mỹ vẫn chưa đạt được tiến bộ như dự kiến. Các dữ liệu này cũng chỉ ra rằng nỗ lực đưa lạm phát xuống mức 2% như mục tiêu đề ra sẽ chậm hơn và mất nhiều thời gian hơn so với dự báo cách đây 1-2 tháng. Bên cạnh đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng quan ngại về tăng trưởng lương, góp phần làm tăng chi phí lao động và khiến lạm phát đi lên. Theo ông Waller, nếu số việc làm có xu hướng đi xuống như cuối năm ngoái, lạm phát giảm mạnh, ông sẽ ủng hộ nâng lãi suất lên 5,1-5,4%.
Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết sẽ gia hạn các biện pháp kiểm soát vốn đối với hoạt động rút tiền mặt bằng ngoại tệ và chuyển khoản ra nước ngoài, khi nền kinh tế tiếp tục chịu sức ép. Ông cũng cảnh báo về những rủi ro hệ thống có thể xảy ra với hệ thống tài chính Nga khi các ngân hàng bị sụt giảm lợi nhuận trong năm ngoái nhưng đồng thời cho biết, tác động từ đợt trừng phạt mới nhất của phương Tây nhằm vào ngành ngân hàng nước này không phải là cú sốc quá lớn.
Tại hội nghị “Đại dương của chúng ta” ở Panama, ngày 2/3, EU đã xác nhận cam kết mạnh mẽ của mình đối với công tác quản trị quốc tế về đại dương bằng cách công bố 39 cam kết hành động cho năm 2023. Những hành động này sẽ được tài trợ từ gói tài chính trị giá 816,5 triệu euro (khoảng 864 triệu USD) của quỹ châu Âu. Các cam kết hành động bao gồm tất cả các chủ đề: khu bảo tồn biển, ô nhiễm biển, biến đổi khí hậu, nghề cá bền vững, nền kinh tế xanh bền vững và an ninh hàng hải. Ngoài các cam kết này, Liên minh châu Âu (EU) cũng tham gia Liên minh hành động chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Lạm phát của Khu vực sử dụng đồng Euro trong tháng 2/2023 tuy giảm nhưng với tốc độ chậm hơn so với dự báo, chủ yếu do giá lương thực vẫn tăng mạnh. Đây là số liệu vừa được Cơ quan Thống kê của Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ngày 2/3. Theo đó, lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) trong tháng trước là 8,5%, giảm nhẹ so với mức 8,6% của tháng 1/2023. Báo cáo của Eurostat cho thấy chi phí năng lượng tiếp tục tăng chậm lại trong tháng 2/2023, từ 18,9% xuống 13,7%. Tuy nhiên, giá lương thực và đồ uống đã tăng tới 15% - mức cao kỷ lục mới và vượt đáng kể mức 14,1% của tháng Một. Đây là lần đầu tiên sau hai năm giá lương thực tăng cao hơn chi phí năng lượng. Song giới chuyên gia cho biết họ dự kiến tỷ lệ lạm phát lương thực sẽ tăng chậm lại trong suốt cả năm 2023.
Báo cáo của Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) ngày 3/3 cho biết tình hình việc làm và số giờ làm việc tại nước này trong quý IV/2022 về cơ bản đã trở lại mức trước đại dịch COVID-19 nhờ những việc làm mới được tạo ra trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Trong quý IV/2022 có 39,6 triệu người có việc làm, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo cho biết thêm sự phục hồi và mở rộng trong ngành du lịch đã thúc đẩy việc làm trong các khách sạn và nhà hàng cũng như trong các doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ. Trong khi đó, số việc làm trong các lĩnh vực vận tải, kho bãi và sản xuất cũng tăng lên khi các doanh nhân vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế trong tương lai.
Trong khi đó, “Gã khổng lồ” công nghệ Mỹ Apple chia sẻ về việc chi thêm 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD) để mở rộng trung tâm thiết kế vi mạch tại thành phố Munich, Đức. Khoản đầu tư sẽ được dàn trải trong sáu năm tới và theo sau cam kết trị giá 1 tỷ euro trước đó được công bố vào năm 2021. Apple cho biết khoản đầu tư mới nhất của họ sẽ tài trợ cho việc thành lập ba địa điểm nghiên cứu và phát triển (R&D) mới tại trung tâm Munich, nơi đang có khoảng 2.000 kỹ sư hoạt động. Động thái này là một phần trong chiến lược phát triển chip riêng cho iPhone, iPad, MacBook và các sản phẩm khác của Apple nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài.
Hoa Nguyễn