Thời gian gần đây, Đức, Anh, Pháp…liên tục phải đối mặt với đợt đình công liên tiếp và những áp lực từ người lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do những chính sách và điều kiện làm việc chưa thỏa đáng.
Nghiệp đoàn Verdi của Đức vừa kêu gọi các công, nhân viên trong lĩnh vực giao thông công cộng đình công trên khắp cả nước vào ngày 2/2 tới nhằm phản đối mức lương và điều kiện làm việc chưa thỏa đáng. Những cuộc đình công này trở thành cơn ác mộng của hệ thống giao thông Đức.
Theo kế hoạch, hơn 90.000 công nhân tại 132 công ty điều hành xe buýt, tàu điện trên phố và dịch vụ tàu điện ngầm dự kiến sẽ tham gia cuộc đình công này. Tuy nhiên, các chuyến tàu chạy đường dài và khu vực do công ty đường sắt Deutsche Bahn quản lý sẽ không bị ảnh hưởng.
Phó Chủ tịch Verdi, bà Christine Behle cho biết nghiệp đoàn đang đấu tranh để người lao động được hưởng chính sách tuần làm việc 35 giờ mà không bị cắt giảm lương, tăng sức hút đối với công việc. Ở tất cả các dịch vụ, trong đó có cả xe buýt và tàu hỏa, đều bị hủy chuyến vì không đủ nhân viên, đồng thời nhấn mạnh cần gấp rút hành động để giải quyết tình trạng này.
Nhiều nhà khai thác dịch vụ vận tải thông báo có tới 20-30% vị trí việc làm còn trống. Tình trạng thiếu nhân viên là một trong những nguyên nhân tạo ra vòng luẩn quẩn: nhân viên làm việc quá sức, dẫn tới suy nhược và đổ bệnh, từ đó khiến tình hình ngày càng trầm trọng hơn.
Nhóm "Fridays for Future" hành động vì môi trường đã bày tỏ ủng hộ kế hoạch trên của Verdi.
Bà Darya Sotoodeh, người phát ngôn của nhóm này, nhấn mạnh tất cả người dân đều cần phương tiện giao thông công cộng đảm bảo để đi lại an toàn với chi phí phải chăng. Tuy nhiên, việc chính phủ cắt giảm chi tiêu đã dẫn tới tình trạng quá tải đối với các công, nhân viên do có ít thời gian nghỉ ngơi hơn. Trước tình trạng căn thẳng này, giới chuyên gia cho biết, cần thay đổi điều này ngay bây giờ.
Cuộc đình công vào ngày 2/2 tới là vụ việc mới nhất trong một loạt cuộc đình công và biểu tình gây ảnh hưởng tới dịch vụ vận tải công cộng những tuần qua tại nhiều thành phố của Đức.
Không chỉ tại Đức mà nhiều nước khác như Anh, Pháp,… cũng đang căng mình đối phó với làn sóng đình công. Tại Anh, từ ngày 3 đến 9-1, hàng chục ngàn bác sĩ đình công do tranh chấp tiền lương với chính phủ. Đây được xem là cuộc đình công dài nhất trong lịch sử Cơ quan Y tế Quốc gia Anh (NHS). Theo tờ Financial Times, làn sóng đình công của nhân viên y tế Anh bắt đầu từ tháng 12-2022.
Nước Anh đã trải qua năm 2023 với nhiều vụ đình công liên tục trong ngành y tế. Theo đó, nhân viên trong ngành này đề nghị chính phủ tăng lương để bù đắp chi phí sinh hoạt tăng vọt.
Bộ trưởng Y tế Anh - bà Victoria Atkins cho biết các cuộc đình công trong 13 tháng qua tác động nghiêm trọng đến bệnh nhân, khiến các cơ quan y tế phải sắp xếp lại hơn 1,2 triệu lịch hẹn khám bệnh.
Trong khi đó, theo tờ The Guardian, cuộc đình công của các bác sĩ Anh đầu năm 2024 đã khiến hơn 110.000 lịch hẹn khám chữa bệnh của bệnh nhân bị hủy bỏ.
Giáo sư Stephen Powis – Giám đốc NHS cho biết: “Cuộc đình công dài nhất trong lịch sử NHS đã dẫn đến sự gián đoạn chưa từng có đối với bệnh nhân và gia đình của họ. Trong khi các nhân viên y tế làm việc không mệt mỏi để cứu chữa bệnh nhân thì cuộc đình công xảy ra và gây thiệt hại khổng lồ”.
Tại Pháp, một số cuộc đình công nhỏ cũng xảy ra. Trong đó, hồi cuối tháng 12-2023, nhân viên tháp Eiffel đã đình công khiến địa điểm này phải tạm thời đóng cửa.
Giới phân tích nhận định, một trong những yếu tố “kích hoạt” làn sóng đình công lạn rộng là lạm phát, khiến giá các mặt hàng đắt đỏ, trong khi lương không đủ chi tiêu, áp lực nhiều mặt của cuộc sống.
Các công đoàn cho biết tiền lương, đặc biệt là trong khu vực công, giảm trong nhiều năm qua trong khi giá thực phẩm và năng lượng tăng mạnh. Điều này khiến nhiều người gặp khó khăn trong việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu.
Hoa Nguyễn