Cuộc chiến thương mại leo thang giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đạt đến một điểm tới hạn, khiến thị trường tài chính dường như chao đảo trong mọi diễn biến mới. Nhưng điều mà các nhà đầu tư cần biết là trong một thế giới mà hàng hóa và dịch vụ dư thừa, người mua sẽ là người nắm ưu thế.
Chắc chắn, cả hai bên đều chịu áp lực đáng kể về việc phải đạt được thỏa thuận. Tổng thống Donald Trump đang phải đối mặt với cuộc tái tranh cử vào năm tới. Sự gián đoạn thương mại kéo dài càng lâu, rủi ro cho một đợt bán tháo chứng khoán càng lớn và suy thoái kinh tế cũng có thể sẽ bị kéo theo.
Chủ tịch Tập Cận Bình, trên thực tế, cũng đang gặp khó khăn với nền kinh tế chững lại, với tốc độ tăng trưởng quý II 6,2% (những có lẽ đang bị phóng đại gấp đôi). Ngoài ra, một số quan chức Trung Quốc đang băn khoăn về chiến lược của chủ tịch Tập Cận Bình và việc khiêu khích Hoa Kỳ cũng như các nước khác với sáng kiến Vành đai và Con đường.
Tuy nhiên, vấn đề cơ bản vẫn là sự thách thức của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ về uy quyền toàn cầu và tiềm lực công nghệ. Tăng trưởng của Trung Quốc từng phụ thuộc vào thiết bị phương Tây cũng như lao động địa phương giá rẻ, để sản xuất hàng hóa với chi phí thấp, xuất khẩu tự do sang Bắc Mỹ và châu Âu. Khi phương Tây trì trệ, trò chơi đó cũng kết thúc.
Vì vậy, động lực tăng trưởng của Trung Quốc bắt đầu chuyển hướng sang chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Kết quả là họ ôm một khoản nợ lớn, đang ngày càng phình to. Với ảnh hưởng kéo dài của chính sách một con, lực lượng lao động sẽ bị thu hẹp trong nhiều thập kỷ.
Do đó, để phát triển công nghệ, Trung Quốc vẫn rất cần sự giúp đỡ từ phương Tây. Trong nhiều năm, họ đã yêu cầu các công ty phương Tây kinh doanh tại Trung Quốc buộc phải chuyển giao công nghệ. Ông Trump dường như nhận thức rõ được chiến lược của Trung Quốc, và quyết tâm trì hoãn nó.
Sự trượt dốc trong nền kinh tế Trung Quốc sẽ còn nghiêm trọng hơn khi các nhà sản xuất Trung Quốc và nước ngoài ồ ạt chuyển sang các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á có chi phí thấp hơn, nằm ngoài "tầm bắn" của chiến tranh thương mại.
Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia, Đài Loan và Thái Lan là những cái tên hàng đầu. Trung Quốc từ đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ tụt xuống vị trí thứ ba sau Mexico và Canada. Thương mại song phương của Hoa Kỳ với Trung Quốc đã giảm 14% trong nửa đầu năm 2019. Nhập khẩu giảm từ Trung Quốc đã được bù đắp ở nơi khác.
Nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam đã tăng 33% trong nửa đầu năm 2019. Vào tháng 6, xuất khẩu sang Hoa Kỳ từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Singapore đã tăng 9% so với cùng kỳ, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 9%.
Các chuyến hàng từ Singapore đến Trung Quốc đã giảm 23% trong tháng 5 so với cùng kỳ. Phần lớn là các thiết bị mà vốn dĩ Trung Quốc sẽ lắp ráp cuối cùng để xuất khẩu sang phương Tây.
Chi phí gia tăng ở Trung Quốc đã khiến các nhà sản xuất hàng may mặc, giày dép và các mặt hàng tiêu dùng có lợi nhuận thấp khác rời Trung Quốc trong những năm gần đây. Giờ còn nghiêm trọng hơn, với sự ra đi của các nhà sản xuất thiết bị điện tử và các sản phẩm có lợi nhuận cao khác. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rằng, một khi công ty rời đi nơi khác, họ khó có thể quay trở lại.
Foxconn, công ty lắp ráp iPhone và iPad cho Apple, chủ yếu hoạt động ở Trung Quốc, đang xem xét chuyển sản xuất sang nơi khác. Họ có các nhà máy ở Brazil, Mexico, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Cộng hòa Séc, Hoa Kỳ, Úc và các nước khác.
Chỉ 25% hoạt động sản xuất của họ được diễn ra bên ngoài Trung Quốc, nhưng ông Young-Way Liu, người đứng đầu tập đoàn kinh doanh thiết bị bán dẫn Foxconn cho biết năng lực sản xuất của công ty bên ngoài Trung Quốc là đủ để cung cấp cho Apple và các sản phẩm khác cho thị trường Mỹ. Và việc sản xuất có thể được mở rộng tại các cơ sở trên toàn thế giới, theo nhu cầu của khách hàng.
Trong khi đó, Apple đang yêu cầu các nhà cung cấp xem xét việc chuyển công đoạn lắp ráp cuối cùng của một số sản phẩm ra khỏi Trung Quốc. Điều này sẽ liên quan đến iPhone, iPad và MacBook. Các điểm đến đang được xem xét là các quốc gia Đông Nam Á.
Nintendo đang chuyển một phần sản lượng của bảng điều khiển trò chơi video Switch sang Đông Nam Á từ Trung Quốc. Sharp, được kiểm soát bởi Foxconn, cho biết vào tháng 6 rằng họ đã lên kế hoạch chuyển sản xuất máy tính cá nhân sang Đài Loan và Việt Nam từ Trung Quốc đại lục.
Vì vậy, trong khi Trung Quốc phải chịu đựng những thiệt hại kể trên, Hoa Kỳ vẫn sẽ được hưởng hàng nhập khẩu giá rẻ từ các quốc gia châu Á khác.
Theo Cafef