Sau khi bật tăng lúc đầu phiên giao dịch ngày thứ Ba lên ngưỡng 0,6720, AUD/USD đã đánh mất phần nào động lực, và giảm về quanh mức 0,6710, khi Trung Quốc công bố các dữ liệu tăng trưởng tốt hơn dự kiến và Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) công bố biên bản cuộc họp chính sách gần nhất.
Theo các báo cáo mới nhất, GDP của Trung Quốc trong quý I đã ghi nhận mức tăng trưởng theo quý là 2,2%, bằng với mức dự báo của giới chuyên gia, và cải thiện so với kết quả đi ngang trong quý IV/2022. Bên cạnh đó, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 3 ghi nhận mức tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo 7,4% và mức 3,5% trong tháng 2. Sản lượng công nghiệp tháng 3 cũng ghi nhận mức tăng trưởng 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức 2,4% trong tháng 2, dù vẫn thấp hơn đôi chút so với mức dự báo 4,0%.
Trước đó, biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ mới nhất của RBA đã cho thấy các quan chức vẫn duy trì quan điểm khá cứng rắn, khi xem xét tăng lãi suất trong cuộc họp hồi đầu tháng 4, trước khi đi đến quyết định tạm dừng.
Ngoài số liệu GDP quý I của Trung Quốc và Biên bản họp của RBA, những đồn đoán về quan điểm diều hâu của giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dường như cũng đóng một vai trò nhất định trong việc định hướng các động thái ngắn hạn của AUD/USD.
Những dữ liệu khả quan của kinh tế Mỹ công bố hôm thứ Hai đầu tuần, cùng với kết quả khảo sát tâm lý người tiêu dùng khá tích cực hôm thứ Sáu tuần trước, đã khiến thị trường nghiêng hẳn về khả năng FED sẽ tiến hành thêm một đợt tăng lãi suất 0,25 điểm % vào tháng Năm tới. Khả năng FED cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay cũng thu hẹp đáng kể. Bên cạnh các dữ liệu kinh tế, những tuyên bố cứng rắn từ giới chức FED và sự gia tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng củng cố thêm cho khả năng FED thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa, và gây áp lực lên tỷ giá AUD/USD.
Hôm thứ Hai, chỉ số sản xuất của NY Empire State đã tăng lên 10,8 trong tháng 4, chấm dứt xu hướng giảm trong 4 tháng qua, đồng thời đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Bên cạnh đó, chỉ số thị trường nhà ở của Hiệp hội Các công ty xây dựng nhà ở quốc gia Mỹ (NAHB) cũng tăng tháng thứ tư liên tiếp, lên mức 45 trong tháng 4, cao hơn so với mức dự kiến 44 và mức của tháng 3. Cũng trong ngày thứ Hai, Chủ tịch FED chi nhánh Richmond Thomas Barkin cho biết, ông muốn thấy thêm bằng chứng về việc lạm phát đang dần quay trở lại mức mục tiêu. Nhà hoạch định chính sách này cũng nói thêm rằng ông cảm thấy yên tâm với những gì đang diễn ra trong lĩnh vực ngân hàng.
Trong bối cảnh đó, chỉ số S&P 500 hợp đồng tương lai vẫn tỏ ra mất phương hướng trong khi chỉ số ASX 200 của Australia ghi nhận mức giảm nhẹ 0,3%.
Bên cạnh biên bản họp từ RBA và các dữ liệu kinh tế quý I của Trung Quốc, giới đầu tư cũng sẽ dành sự chú ý tới các số liệu trên thị trường bất động sản Mỹ, bao gồm số giấy phép xây dựng được cấp và số nhà ở được khởi công xây dựng trong tháng 3. Các dữ liệu này cùng với những tuyên bố của giới chức FED sẽ cung cấp thêm cho nhà đầu tư những cơ sở để dự đoán về chính sách lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ.
Các chỉ báo đường trung bình động giản đơn SMA 21 và SMA 200, hiện đang lần lượt ở gần các mức 0,6730 và 0,6685, đã hạn chế các động thái tức thời của cặp tỷ giá AUD/USD. Tuy nhiên, tín hiệu giảm từ đường trung bình động hội tụ phân kỳ (MACD) và sự ổn định của đường chỉ báo sức mạnh tương đối RSI (14) đã hé lộ khả năng cặp tiền tệ sẽ tiếp tục duy trì quỹ đạo đi xuống trong thời gian tới.
Thanh Hiệp-Theo fxstreet