logo
1170X250-investo.jpg
Theo dõi investo trên google news

thứ năm, 28/03/2024

Airbus bổ sung đợt chia cổ tức đặc biệt

Hãng sản xuất máy bay Airbus (AIR) đã lên kế hoạch chia cổ tức đặc biệt, sau khi ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2023.

Airbus bổ sung đợt chia cổ tức đặc biệt

Lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi (đã được điều chỉnh) của nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới này đã tăng 4% lên 5,8 tỷ EUR (khoảng 6,24 tỷ USD), và doanh thu tăng 11% lên 65,4 tỷ EUR trong năm 2023. Airbus dự đoán lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi sẽ đạt 6,5-7 tỷ EUR trong năm 2024.

Airbus đang nhận được nhiều đơn đặt hàng từ các hãng hàng không, trong bối cảnh nhu cầu đi lại đang phục hồi sau đại dịch COVID-19. Điều này đã giúp Airbus gia tăng lượng tiền mặt dự trữ, trái ngược với hãng đối thủ Boeing vốn đang chìm trong nợ sau một loạt các cuộc khủng hoảng kỹ thuật khó tháo gỡ. 

Trên cơ sở đó, hội đồng quản trị thông báo sẽ đề xuất thanh toán cổ tức năm 2023 là 1,80 EUR/cổ phiếu (tương đương mức cổ tức 1,80 EUR/cổ phiếu năm 2022) và cổ tức đặc biệt là 1,00 EUR/cổ phiếu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra vào ngày 10/4/2024. Ngày thanh toán cổ tức dự kiến là 18/4/2024.

Giám đốc điều hành Airbus ông Guillaume Faury đánh giá: “Các đề xuất chia cổ tức của chúng tôi phản ánh tình hình tài chính vững mạnh năm 2023, triển vọng tăng trưởng năm 2024 và sức mạnh của bảng cân đối kế toán.”

Thông tin về thương vụ

Tên công ty: Airbus SE

Mã niêm yết: AIR

Quốc gia: Hà Lan, Pháp           

Lĩnh vực kinh doanh: Sản xuất máy bay

Giá cổ phiếu niêm yết: 171,60 EUR (ngày 27/3/2024)

Ngày thanh toán cổ tức (dự kiến): 18/04/2024

Cổ tức năm 2023: 1,80 EUR/cổ phiếu

Cổ tức đặc biệt: 1,00 EUR/cổ phiếu

Mức sinh lời: 32,63% với tỷ lệ ký quỹ 1:20

Airbus bổ sung đợt chia cổ tức đặc biệt

Kết quả kinh doanh năm 2023

Ngày 15/2, hãng sản xuất máy bay Airbus đã thông báo doanh thu của Airbus trong năm 2023 đạt 65,4 tỷ EUR, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu từ việc bán máy bay thương mại tăng 15% so với năm trước đó.

Airbus đã nhận được 2.094 đơn đặt hàng mua máy bay trong năm 2023, một kỷ lục đối với tập đoàn khi các hãng hàng không chuẩn bị cho sự gia tăng lượng hành khách đi lại bằng đường không và hướng tới sản xuất các dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn.

Bên cạnh đó, bất chấp những khó khăn dai dẳng về chuỗi cung ứng, tập đoàn đã giao 735 máy bay cho khách hàng trong năm 2023, vượt mục tiêu 720 máy bay đề ra trước đó và cao hơn nhiều so với 661 máy bay được giao vào năm 2022.

Airbus cũng đã ký các hợp đồng lớn với các hãng hàng không, trong đó hãng hàng không IndiGo giá rẻ của Ấn Độ đặt hàng mua 500 chiếc A320 và là đơn đặt hàng hàng không dân dụng lớn nhất trong lịch sử. Hãng hàng không Air India cũng đặt mua 250 máy bay và Turkish Airlines mua 230 máy bay.

Giám đốc điều hành Guillaume Faur nhận định: "Trong năm 2023, tập đoàn đã nhận được đơn đặt hàng quy mô lớn đối với nhiều loại máy bay khác nhau và đã thực hiện được cam kết bàn giao máy bay. Đây là kết quả đáng kể trong bối cảnh môi trường kinh doanh khó khăn".

Lợi nhuận ròng của Airbus trong năm 2023 là 3,8 tỷ EUR (4,1 tỷ USD), giảm 11% so với năm 2022. Sự sụt giảm nói trên chủ yếu là do đơn vị chịu trách nhiệm và sản xuất sản phẩm không gian và quốc phòng cũng như các dịch vụ liên quan của hãng báo cáo lợi nhuận giảm mạnh.

Cụ thể, lợi nhuận của đơn vị này sụt giảm mạnh tới 40% so với năm 2022, tương đương 229 triệu EUR. Lý do là đơn vị này của Airbus đã phải chi trả mức phí 600 triệu EUR. Mặc dù vậy, con số lợi nhuận nói trên của toàn tập đoàn vẫn là mức lợi nhuận lớn thứ 3 kể từ năm 2022 với mức "bội thu" là 4,2 tỷ EUR.

Airbus bổ sung đợt chia cổ tức đặc biệt

Ban quản lý cho biết, mặc dù một vài trong số khoảng 18.000 nhà cung cấp thiết bị và động cơ cho Airbus vẫn cảm nhận tác động kéo dài do đại dịch COVID-19 gây ra, song hãng vẫn tự tin về triển vọng sản xuất đối với dòng máy bay A320 và A321. Nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới kỳ vọng sẽ tăng sản lượng hằng tháng đối với hai dòng này cũng như đối với dòng máy bay thân hẹp A220. 

Airbus đặt mục tiêu bàn giao 800 máy bay trong năm nay. Hãng đã cán mốc này hồi năm 2018 - thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành hàng không toàn cầu. 

Về kế hoạch phát triển tương lai, hiện Airbus đang đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ của SpaceX. Trong khi đó, chi phí gia tăng đã làm trì hoãn kế hoạch của Airbus sản xuất vệ tinh địa tĩnh. Hãng đang trong quá trình cải tổ nhân sự để thúc đẩy hơn nữa chiến lược toàn cầu, đặc biệt đối với các hoạt động phát triển và sản xuất sản phẩm không gian và quốc phòng.

Đừng bỏ lỡ Airbus - Cổ phiếu an toàn trong dài hạn

Kể từ năm 2013, tổng cổ tức đã tăng từ 0,45 EUR/năm lên 1,80 EUR/năm, đồng nghĩa tập đoàn đã tăng lượng phân phối hàng năm khoảng 15% trong khoảng thời gian đó. Airbus gây ấn tượng với các nhà đầu tư khi tăng trưởng EPS ở mức 12%/năm trong 5 năm qua.

Tỷ lệ chi trả thấp và mức tăng trưởng khá cho thấy Airbus đang tái đầu tư tốt và còn nhiều dư địa để tăng cổ tức theo thời gian. Tập đoàn hiện có mức vốn hóa thị trường 136,19 tỷ EUR. Nếu kế hoạch tăng trưởng của Airbus diễn ra theo kế hoạch, các cổ đông có thể thu được lợi nhuận lớn trong vài năm tới.

Yến Anh

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.
Chủ đề:

Ý kiến

Cùng chuyên mục

banner-5-1.jpg