Khi các quốc gia bắt đầu đóng cửa để ngăn chặn sự lây truyền của virus corona, hoạt động đi lại, nhất là vì mục đích công việc, chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ý Kiến: Hoạt Động Đi Công Tác Sẽ Không Bao Giờ Phục Hồi Như TrướcCEO của Airbnb (ABNB), Brian Chesky, chia sẻ trên Yahoo Finance Live như sau: “Hoạt động đi công tác (business travel) sẽ không bao giờ hồi phục hoàn toàn trở lại. […]Giờ đây có những tiêu chuẩn cao hơn cho các chuyến đi công tác bằng đường hàng không. Do đó, số lượng người đi công tác cũng sẽ ít hơn."
Theo một báo cáo mới của Barclays, dù nhu cầu đi lại đang dần tăng lên khi hè đến gần, các chuyến đi công tác vẫn chưa có dấu hiệu tăng mạnh.
“Hoạt động đi lại vì công việc, nhất là các chuyến đường dài, nhiều khả năng sẽ phục hồi sau cùng. […]Các công ty đã nhanh chóng tạm dừng các chuyến công tác quốc tế khi đại dịch bùng phát. Họ cũng sẽ dè chừng hơn khi nối lại các chuyến công tác như vậy.”- trích báo cáo đặc biệt của Barclays được công bố ngày 25/05.
Theo báo cáo, chi tiêu liên quan đến các chuyến công tác như thế này chiếm 21,4% ngành du lịch và lữ hành toàn cầu vào năm 2019. Các quốc gia như Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, đóng góp nhiều hơn cả.
Họ cho biết thêm rằng hoạt động đi lại vì mục đích công việc đã đóng góp 1,5% GDP toàn cầu và tăng trưởng trung bình 3,6% trong 5 năm qua. Trong đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc chiếm gần 45%.
Nhưng từ tháng 4 đến cuối tháng 12 năm 2020, chi tiêu toàn cầu cho việc đi công tác đã giảm 68% và ước tính giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. (Ngược lại, năm 2001 giảm khoảng 11%; năm 2009 giảm khoảng 7,5%).
Barclays lưu ý: “Những hành khách đi theo diện công tác có tầm quan trọng bất tương xứng đối với ngành hàng không. Họ chỉ chiếm 12% số lượng hành khách đi máy bay, nhưng sinh lợi gấp đôi so với các hành khách khác. Họ thậm chí từng đóng góp gần 75% lợi nhuận của các hãng hàng không."
Theo Barclays, một trong những lý do chính dẫn đến đà phục hồi yếu ớt như hiện này là "đại dịch dai dẳng có thể khiến cho một số lệnh hạn chế biên giới không bao giờ được gỡ bỏ". Do đó, hoạt động đi lại quốc tế trở nên khó khăn hơn.
Nói cách khác, sự thay đổi chóng mặt trong các yêu cầu nhập cảnh và quy tắc kiểm dịch khiến các doanh nghiệp suy nghĩ lại xem chuyện ra nước ngoài công tác có thực sự cần thiết hay không.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ cân bằng các rủi ro sức khỏe liên quan và họp hành trực tuyến ngay tại văn phòng. Barclays cũng cho rằng xu hướng làm việc tại nhà và điều chỉnh nhiều hạng mục sang họp hành trực tuyến đã dẫn đến những sự thay đổi căn cơ trong hành vi. Và những thay đổi này khó có thể biến mất trong thế giới hậu covid bởi chúng giúp gia tăng năng suất, tốn ít thời gian, sức lực và tiền bạc hơn cho việc đi lại.
Ngay cả khi mọi người muốn được bay trở lại, thì các hạn chế biên giới khác nhau của các quốc gia sẽ buộc các công ty phải xem xét lại mức độ cần thiết của những chuyến đi đó. Bởi vì khi đó, chi phí sẽ cao hơn và rủi ro cũng gia tăng.
Nếu một quốc gia yêu cầu cách ly nhiều ngày hoặc nhiều tuần (chẳng hạn như Úc), khách du lịch phải trả chi phí cách ly ở khách sạn. Ông Barclays nhấn mạnh rằng đó là "trở ngại chính" đối với sự phục hồi của ngành.
Chesky cho rằng "sẽ xuất hiện một loại hình công tác mới". Chẳng hạn, khi những nhân viên hoàn toàn làm việc từ xa - chẳng hạn đã chuyển ra khỏi tiểu bang nơi công ty họ đặt trụ sở - trở lại công ty để họp, họ có thể ở lại lâu hơn những người đi công tác truyền thống trước đại dịch. Vì vậy, Chesky nói thêm: “Khi họ đi công tác, chuyến đi sẽ kéo dài hơn”.
Trong nước Mỹ, tình hình du lịch nhìn chung không khá hơn là bao nhưng một số hãng hàng không khởi sắc đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh. Sheila Kahyaoglu, Nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của Jefferies nói với Yahoo Finance Live.
Bà nói: “Các hãng hàng không tập trung vào thị trường trong nước có hiệu suất tốt nhất. […]Southwest Airlines là lựa chọn hàng đầu của chúng tôi trong lĩnh vực này. Công suất của họ giảm khoảng 16% trong Q2, còn các hãng hàng không khác đều giảm từ 25% đến 40%.”
Việc đi lại trong nước Mỹ dễ dàng hơn nhiều đối với công dân nước này do không có hạn chế. Dẫu vậy, lĩnh vực này sẽ còn hồi phục tiếp trong thời gian tới.
Kahyaoglu nói: “Nhìn chung, công suất của các hãng hàng không lớn của Hoa Kỳ giảm khoảng 40% so với năm 2019. […]Công suất trong nước sẽ giảm 22% trong tuần tới và vào Ngày Tưởng niệm. Và trên phạm vi quốc tế giảm khoảng 67%. Vì vậy, hàng không quốc tế vẫn còn khá yếu."
Thu Trang-Theo yahoo!finance