Nhiều nhà đầu tư sẽ rất vui khi tránh được cơn sóng dữ trong tháng 9, vốn là tháng yếu kém nhất trong lịch sử. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 10,5%, S&P 500 giảm 9,3% trong khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 8,8%.
Giọng điệu càng lúc càng “diều hâu” hơn từ các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ cũng tái khẳng định cam kết của ngân hàng trung ương này trong việc chống lạm phát, ngay cả khi nền kinh tế đang đứng trước bờ vực suy thoái. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo ưa thích của Fed, cho thấy lạm phát thậm chí còn tăng nhanh hơn dự kiến trong tháng 8.
Khi triển vọng tăng trưởng kinh tế quý 4 có vẻ ảm đạm như lúc này, liệu thị trường chứng khoán có khả năng giảm sốc hơn trong tương lai hay không? CNBC Pro đã tiến hành một cuộc khảo sát để tìm hiểu xem giới tinh hoa Phố Wall đang nghĩ gì.
Một số nhà quan sát thị trường tin rằng hướng đi của thị trường chứng khoán sẽ phụ thuộc vào lạm phát và phản ứng của các ngân hàng trung ương.
“Những diễn biến mới nhất chứng minh rõ cho quan điểm của chúng tôi rằng các điều kiện kinh tế vẫn chưa ổn để tâm lý thị trường đổi hướng một cách bền vững. Theo quan điểm của chúng tôi, điều kiện kinh tế chỉ cải thiện nếu có bằng chứng thuyết phục cho thấy rằng mối đe dọa từ lạm phát đang giảm dần, từ đó cho phép các ngân hàng trung ương chuyển hướng chính sách ôn hòa hơn”, Mark Haefele, giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, chia sẻ vào ngày 30/09.
Ông cũng nhấn mạnh rằng cuộc chiến Nga-Ukraina cũng là một nguyên nhân gây ra “sự biến động trên thị trường, làm mất an ninh năng lượng và tạo nên rủi ro làm suy yếu đà tăng trưởng kinh tế”.
Trong khi đó, Bank of America tin rằng khi kỳ vọng của các nhà đầu tư và hành động thực tế của ngân hàng trung ương có sự khác biệt thì điều này có thể làm tăng thêm rủi ro cho thị trường.
“Rủi ro sẽ còn tiếp tục gia tăng khi các ngân hàng trung ương phải cố cân bằng giữa lạm phát và nguy cơ suy thoái. Khi làn sóng bán tháo càng lúc càng dồn dập, người tham gia thị trường có thể sẽ sớm mong đợi các chính sách hỗ trợ từ các ngân hàng trung ương (như những gì đã xảy ra ở phía Ngân hàng Trung ương Anh vào ngày thứ Tư), mà tâm lý này có khả năng sẽ khiến họ thất vọng”, các nhà phân tích của Bank of America viết vào ngày 30/09.
Chuyên gia chiến lược Marko Kolanovic của JPMorgan cũng đưa ra lời cảnh báo tương tự. Mặc dù ông vẫn kỳ vọng vào triển vọng "tích cực trên mức đồng thuận" đối với kênh đầu tư chứng khoán, nhưng ông cũng cảnh báo vào ngày 30/09 rằng “khi rủi ro địa chính trị và chính sách tiền tệ ngày càng tăng như gần đây, mức giá mục tiêu mà chúng tôi đề ra cho năm 2022 cũng có nguy cơ khó đạt được.”
Những chỉ tiêu đề ra có thể sẽ không hoàn thành được cho đến năm 2023 hoặc cho đến khi những rủi ro đó giảm bớt, ông nói thêm.
Mặc dù đa số các nhà phân tích vẫn cảnh giác về triển vọng của thị trường chứng khoán, nhưng Bernstein tin rằng thị trường có thể phục hồi và cho rằng các nhà đầu tư nên tận dụng cơ hội đó.
“Chỉ báo Tâm lý Tổng hợp (CSI) của chúng tôi vừa cho thấy một tín hiệu mua. Trong 22 năm qua, mỗi khi có các tín hiệu mua như thế này, thị trường chứng khoán toàn cầu có xác suất tăng là 70% trong 4 tuần sau đó,” nhóm các nhà phân tích chiến lược của Bernstein, dẫn đầu bởi Mark Diver, cho biết vào ngày 29/09.
“Chúng tôi coi tín hiệu này là một cơ hội mua ngắn hạn nhưng nhà đầu tư vẫn nên thận trọng đối với kênh chứng khoán trong trung hạn.”
Tuy nhiên, ông Diver không tin rằng đà lao dốc của thị trường trong năm 2022 đã kết thúc, ông cũng không khẳng định rằng các yếu tố rủi ro hiện đã được phản ánh đầy đủ vào định giá cổ phiếu khi chúng lao dốc xuống thấp hơn.
“Thay vào đó, chúng tôi muốn nói rằng tâm lý nhà đầu tư hiện đã tiêu cực đến mức trong ngắn hạn (khoảng 4 tuần tới) xác suất mà chứng khoán toàn cầu tăng sẽ cao hơn so với xác suất giảm,” ông nói thêm.
Các nhà phân tích chứng khoán của Bank of America tin rằng các nhà đầu tư nên tận dụng đà tăng tạm thời nếu có để giảm lượng vốn sở hữu của họ.
“Nhìn bề ngoài thì thị trường tài chính có vẻ sẽ không phản ánh đầy đủ tâm lý chán nản của nhà đầu tư, nhất là những lúc thị trường chạm đáy. Nhưng thực ra, chúng tôi thấy hầu như chẳng có lý do gì để lạc quan về bối cảnh kinh tế vĩ mô cả,” nhóm các nhà phân tích được dẫn dắt bởi Ajay Singh Kapur cho biết.
Ông Kapur nói thêm rằng triển vọng tăng trưởng toàn cầu vẫn còn yếu, khi cả thế giới “đang theo dõi sát sao một trong những giai đoạn thắt chặt mạnh mẽ nhất trong lịch sử”.
“Mặc dù thị trường có thể tăng cao hơn trong ngắn hạn do kỳ vọng của nhà đầu tư xuống thấp, nhưng chúng tôi nghĩ rằng sẽ khôn ngoan hơn nếu nhà đầu tư tận dụng những lúc thị trường tạm phục hồi để xả bớt hàng, bảo toàn vốn và lùi về ở ẩn để chiến vào một thời điểm khác, thay vì rước thêm rủi ro vào thời điểm này,” ông Kapur nói thêm.
Đăng Khoa-Theo cnbc