Các nhà phân tích đã mổ xẻ kỹ lưỡng một loạt các báo cáo nóng về tăng trưởng kinh tế, thị trường lao động và lạm phát.
Nhiều nhà đầu tư Phố Wall tỏ ra thờ ơ trước các báo cáo cho thấy nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Một loạt các báo cáo kinh tế quan trọng, bao gồm dữ liệu lạm phát, tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động, đều cho thấy thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phát triển quá nóng. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà đầu tư, dường nhu nhiều nhà kinh tế vẫn coi nhẹ những vấn đề này và đề cập đến những chỉ số khác ít báo động hơn và những thách thức đến từ loạt số liệu bất thường xuất hiện vào đầu năm.
Những lập luận như vậy được nhiều nhà đầu tư đồng tình, nhất là những người đang mong chờ một kịch bản “hoàn hảo”, trong đó kinh tế Mỹ tăng trưởng đủ mạnh để tránh suy thoái kinh tế, nhưng cũng đủ nhẹ nhàng để cho phép Cục Dự trữ liên bang (FED) cắt giảm lãi suất, ngay cả khi lạm phát vẫn đang cao hơn mức mục tiêu 2% của cơ quan này.
Các nhà kinh tế cũng thường cảnh báo thị trường không nên phản ứng thái quá trước một đợt công bố số liệu kinh tế mới, có khả năng gây biến động cao, bất kể theo hướng tốt hay xấu.Đóng cửa phiên giao dịch tuần trước, chỉ số S&P 500 chỉ giảm 0,5% so với mức cao kỷ lục và các nhà đầu tư tiếp tục đặt cược vào triển vọng FED sẽ cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay.
“Từ góc độ toàn cảnh nền kinh tế, tình hình vẫn có vẻ tốt,” chuyên gia kinh tế cấp cao Brian Rose tại UBS Global Wealth Management nhận định.
Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và chỉ số giá sản xuất (PPI) công bố tuần trước đều cho thấy áp lực giá bất ngờ tăng lên trong tháng 1 sau nhiều tháng áp lực lạm phát đã giảm nhiệt.
Nhiều nhà kinh tế lập luận rằng tình trạng dữ liệu kinh tế tăng trưởng “nóng” này có thể chỉ xảy ra một lần trong năm, liên quan đến việc các doanh nghiệp điều chỉnh lại giá bán sản phẩm vào đầu năm nay. Mức tăng giá đặc biệt lớn ở các lĩnh vực dịch vụ sử dụng nhiều lao động như chăm sóc y tế và sửa chữa ô tô, cho thấy những người sử dụng lao động trong các ngành này cảm thấy buộc phải tăng giá để theo kịp với chi phí nhân công ngày càng tăng.
“Chỉ số CPI nóng hơn một chút so với dự đoán của tôi, nhưng tôi thận trọng khi tiếp nhận các thông tin trong các báo cáo được công bố vào tháng Một hàng năm,” chuyên gia kinh tế Gregory Daco tại công ty kế toán và tư vấn EY cho biết.
Sự bất thường từ một số dữ liệu khác như lương khu vực phi nông nghiệp Mỹ trong tháng 1/2024 cũng khiến các nhà đầu tư bận tâm. Dữ liệu mới phát hành cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm được 353.000 việc làm trong tháng đầu năm nay - cao hơn nhiều so dự đoán của các nhà kinh tế và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng Một năm ngoái.
Đáng chú ý, 353.000 việc làm là con số được điều chỉnh theo mùa. Hàng năm, nhiều doanh nghiệp thuê nhân công trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh và sau đó sa thải một số trong tháng Giêng. Để đánh giá tốt hơn xu hướng tuyển dụng, Bộ Lao động Mỹ đã sử dụng các mô hình điều chỉnh theo mùa, trong đó, sự sụt giảm lớn trong bảng lương thực tế vào tháng Giêng thường thể hiện dưới dạng mức tăng được điều chỉnh theo mùa.
Rất ít người đặt nghi vấn đối với cách tính này. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư tin rằng sự điều chỉnh trong tháng Một năm nay là quá mạnh. Họ lý giải các doanh nghiệp sa thải ít công nhân hơn bình thường, vì các doanh nghiệp đã thuê ít hơn trong những tháng trước. Đồng thời, họ cho rằng trên thực tế, vấn đề mùa vụ đã trở nên ít quan trọng hơn đối với các doanh nghiệp.
Do đó, nhiều người kỳ vọng mức tăng việc làm lớn trong tháng đầu năm sẽ được bù đắp bằng những con số yếu hơn trong những tháng tới, khi Bộ Lao động Mỹ dự báo hoạt động tuyển dụng sẽ phục hồi theo mùa.
Ngoài ra, dữ liệu công bố hôm 15/2 cho thấy doanh số bán lẻ của Mỹ đã giảm 0,8% trong tháng Một, dấu hiệu cho thấy nhu cầu tiêu dùng có thể đang suy yếu sau một thời gian dài duy trì ở mức tốt. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng chi tiêu có thể bị giảm do thời tiết mùa Đông xấu bất thường.
Đối với tăng trưởng chung, số liệu Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho thấy nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ sau điều chỉnh lạm phát là 4,9% vào quý 3/2023 và 3,3% trong quý 4/2023. Cả hai chỉ số này đều cao hơn mức trung bình khoảng 2% - ngưỡng mà nhiều nhà kinh tế tin là mức bền vững mà không làm gia tăng lạm phát.
Tuy nhiên, một thước đo tăng trưởng khác là Tổng thu nhập quốc nội (GDI) lại thấp hơn rất nhiều so với số liệu GDP kể từ cuối năm 2022 và chỉ ở mức 1,5% trong quý 3/2023 - số liệu được công bố gần đây nhất.
Về mặt lý thuyết, GDP và GDI cần phải ở mức cân bằng nhau. Bộ Thương mại Mỹ coi GDP “đáng tin cậy hơn vì nó dựa trên dữ liệu toàn diện và kịp thời hơn”. Nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng mức trung bình của cả hai chỉ số này là tốt nhất trong việc dự đoán ước tính GDP cuối cùng của từng quý.
Trong một báo cáo gần đây, các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs đã trích dẫn số liệu GDI để đưa ra con số ước tính cho tăng trưởng kinh tế Mỹ. Báo cáo viết: “Chúng tôi vẫn nghĩ rằng sản lượng thực tế chỉ tăng trưởng khiêm tốn so với mức tiềm năng, mặc dù dữ liệu GDP tốt hơn nhiều”.
Các nhà đầu tư tin rằng xác suất FED bắt đầu cắt giảm lãi suất trước cuộc họp chính sách vào tháng Sáu tới là trên 50%, với tốc độ cắt giảm ít nhất ba lần trong năm 2024, mỗi lần 0,25 điểm phần trăm.
Mặc dù không hoàn toàn bỏ qua các dữ liệu kinh tế gần đây, các nhà phân tích vẫn có những lo ngại. Một số cho rằng việc đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm” dường như đang trở nên khó khăn hơn.
Chuyên gia Joe Davis, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại quỹ đầu tư Vanguard, cho biết, dữ liệu gần đây cho thấy mức lãi suất hiện tại không gây ra nhiều lực cản đối với nền kinh tế Mỹ như các quan chức FED đã từng đề cập.
“Tôi ngày càng lo ngại rằng mong muốn cắt giảm lãi suất sẽ ngày càng trở nên mạnh mẽ trong khi thị trường lao động chưa hoàn toàn cân bằng. Sức nóng của thị trường lao động đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn nhiều căng thẳng,” ông Davis nói thêm.
Đỗ Hiền-Theo wsj