logo
Theo dõi investo trên google news

chủ nhật, 08/11/2020

Tìm Hiểu Về Quỹ Tương Hỗ (Phần 2)

Quỹ tương hỗ hoạt động như thế nào?

Quỹ tương hỗ hoạt động như thế nào? Quỹ tương hỗ hoạt động như thế nào?

Bất kể quỹ tương hỗ thuộc loại nào, mức phí mà bạn phải đóng và hiệu suất thể hiện của quỹ sẽ phụ thuộc vào việc quỹ này được quản lý theo cơ chế chủ động hay thụ động.

Các quỹ tương hỗ được quản lý thụ động sẽ có kế hoạch đầu tư dựa theo chiến lược đã định trước. Họ sẽ cố gắng đạt được lợi nhuận ngang bằng như một chỉ số thị trường nào đó, do đó không cần có kỹ năng đầu tư quá phức tạp. Những quỹ này không cần quản lý nhiều, thế nên mức phí sẽ thấp hơn so với các loại quỹ được quản lý chủ động.

Các loại quỹ tương hỗ

Hai loại quỹ tương hỗ với cơ chế đầu tư thụ động phổ biến nhất là:

  • Các quỹ chỉ số bám sát theo chỉ số thị trường, như S&P 500 hoặc Nasdaq. Các quỹ này được cấu thành từ những loại cổ phiếu có góp mặt trong một chỉ số thị trường nào đó; và do đó, rủi ro hoặc lợi nhuận của quỹ này cũng mô phỏng theo rủi ro hoặc lợi nhuận của thị trường chung.
  • Các quỹ hoán đổi danh mục (quỹ ETF) có thể được giao dịch như cổ phiếu nhưng chúng cũng có lợi về mặt đa dạng hóa như quỹ tương hỗ. Những quỹ này thường tính phí thấp hơn các quỹ tương hỗ truyền thống; nhưng đối với những nhà giao dịch (trader) hoạt động thường xuyên thì có thể mức giá của quỹ ETF được xem là đắt đỏ.

Các quỹ có cơ chế quản lý chủ động sẽ có một giám đốc quản lý hoặc một nhóm đưa ra quyết định đầu tư cho quỹ. Thường thì họ sẽ cố gắng đạt lợi nhuận vượt trội hơn so với thị trường chung hoặc một chỉ số chuẩn nào đó; thế nhưng nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những chiến lược đầu tư thụ động thường mang lại lợi nhuận tốt hơn. 

Làm thế nào để kiếm lãi từ quỹ này?

Khi bạn rót tiền vào một quỹ tương hỗ, vốn đầu tư của bạn có thể tăng lên từ ba nguồn:

  • Cổ tức: Khi quỹ nhận được cổ tức hoặc lãi từ các loại chứng khoán trong danh mục đầu tư thì quỹ đó sẽ phân phối lại một phần thu nhập tương ứng cho các nhà đầu tư của họ. Khi mua cổ phiếu quỹ tương hỗ, bạn có thể chọn phương án nhận trực tiếp nguồn lãi cổ tức hoặc tái đầu tư chúng vào quỹ.
  • Lãi vốn (capital gain): Khi quỹ bán ra một loại chứng khoán nào đó (và nó đã tăng giá), thì đây được xem là phần lãi vốn. (Và khi quỹ bán ra một loại chứng khoán nào đó và nó đã giảm giá, thì đây được xem là phần lỗ vốn). Hầu hết các quỹ tương hỗ hàng năm sẽ phân chia toàn bộ khoản lãi ròng cho các nhà đầu tư.
  • Giá trị tài sản ròng (net asset value - NAV): Khi giá trị của quỹ tăng lên thì giá mua cổ phiếu của quỹ (được gọi là NAV trên mỗi cổ phiếu) cũng tăng theo. Điều này cũng tương tự như khi giá cổ phiếu tăng, lúc đó bạn sẽ không nhận được phần lãi ngay lập tức; nhưng giá trị vốn đầu tư của bạn đã cao hơn và bạn sẽ thu được tiền nếu quyết định bán.

Liệu đây có phải là hình thức đầu tư an toàn tuyệt đối?

Mọi khoản đầu tư đều có rủi ro. Bạn vẫn có nguy cơ mất tiền khi đầu tư vào quỹ tương hỗ. Nhưng bản chất của loại quỹ này là đa dạng hóa; có nghĩa là nó sẽ giúp bạn phân tán, dàn trải rủi ro ra nhiều công ty hoặc nhiều ngành nghề khác nhau.

Ngược lại, nếu chỉ đầu tư vào một cổ phiếu riêng lẻ nào đó thì bạn lại có thể phải chịu rủi ro cao hơn. Ví dụ, nếu bạn dồn hết tiền vào cổ phiếu Apple, thì nếu tập đoàn này có một quý tài chính làm ăn tệ hại thì điều đó có thể gây tác động nghiêm trọng đến khoản tiết kiệm của bạn.

Nhưng với một quỹ tương hỗ được đầu tư dàn trải khắp mảng công nghệ, lợi nhuận từ các công ty khác có thể giúp bù đắp cho bất kỳ khoản lỗ nào phát sinh từ một công ty đơn lẻ. Như vậy, liệu quỹ tương hỗ có an toàn không? Có thể nói là có.

Thời gian là một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao giá trị các khoản đầu tư. Đừng đầu tư toàn bộ số tiền mà bạn sẽ cần trong năm năm tới hoặc ít hơn; bởi vì bạn sẽ cần tiền để vượt qua những giai đoạn thăng trầm không thể tránh khỏi của thị trường.

Quỹ tương hỗ là một hình thức đầu tư an toàn tuyệt đối? Quỹ tương hỗ là một hình thức đầu tư an toàn tuyệt đối?

Chi phí cơ bản nhà đầu tư cần chi trả

Các nhà đầu tư của quỹ tương hỗ sẽ phải trả hai loại phí cơ bản: tỷ lệ chi phí (expense ratio) và phí hoa hồng.

Tỷ lệ chi phí của quỹ tương hỗ là tiền trả cho các chi phí liên tục; chẳng hạn như chi phí quản lý quỹ và chi phí hoạt động. Phí này phải được trả hàng năm dựa theo tỷ lệ phần trăm trên tổng tài sản của bạn trong quỹ. Như đã nói ở phần trước, các quỹ tương hỗ có cơ chế quản lý thụ động có tỷ lệ chi phí thấp hơn so với những quỹ được quản lý chủ động; vì chúng không cần nhiều chuyên gia tài chính và các chi phí chung khác.

Vì vậy, nếu bạn chịu khó tìm hiểu thì bạn sẽ tiết kiệm được rất nhiều tiền. Số liệu thống kê cho thấy nhiều nhà đầu tư quỹ tương hỗ thực sự chịu khó tìm tòi như vậy. Ví dụ, trong năm 2017, quỹ tương hỗ đầu tư cổ phiếu trung bình yêu cầu nhà đầu tư chi trả tỷ lệ chi phí là 1,25%; nhưng nhà đầu tư quỹ cổ phiếu trung bình chỉ trả 0,59%, theo Investment Company Institute. Mức chênh lệch đó có vẻ như không quá lớn; nhưng theo thời gian, số tiền tiết kiệm hưu trí mà bạn bị mất vì loại phí này có thể tích lũy thành hàng chục nghìn USD.

Khi nào phải trả phí hoa hồng?

Một loại phí phải trả khác là phí hoa hồng. Phí hoa hồng phải được trả ngay tại thời điểm mua cổ phiếu quỹ (phí gia nhập) và sau khi bán đi (phí rút vốn). Phí hoa hồng là khoản phí trả công cho các chuyên gia tài chính; chẳng hạn như nhà môi giới hoặc cố vấn đầu tư, khi mua cổ phiếu quỹ tương hỗ.

Cấu trúc quỹ ảnh hưởng như thế nào đến chi phí?

Hệ thống quỹ tương hỗ có bốn cấu trúc khác nhau. Cấu trúc quỹ sẽ ảnh hưởng đến các khoản phí mà bạn phải trả:

  • Quỹ mở: Hầu hết các quỹ tương hỗ là loại mở, trong đó không giới hạn số lượng nhà đầu tư hoặc cổ phần. Giá trị tài sản ròng (net asset value – NAV) trên mỗi cổ phiếu tăng hoặc giảm theo giá trị của quỹ.
  • Quỹ đóng: Những quỹ loại này chỉ có một lượng cổ phiếu giới hạn khi chào bán trong đợt IPO, khá giống với một doanh nghiệp. Số lượng quỹ đóng trên thị trường ít hơn nhiều so với quỹ mở.

Việc quỹ có tính phí hoa hồng hay không còn tùy thuộc vào cơ chế của quỹ đó. Chẳng hạn như:

  • Quỹ có thu phí bán: đây là những quỹ có trả phí bán hàng hoặc phí hoa hồng cho người môi giới hoặc nhân viên bán hàng nào đã bán được cổ phiếu của quỹ này ở mức giá chênh lệch so với giá chuẩn NAV.
  • Quỹ không thu phí bán: Còn được gọi là “quỹ không tính phí giao dịch”. Những quỹ này không tính phí hoa hồng trong thương vụ mua hoặc bán cổ phiếu quỹ. Đây chính là kiểu quỹ tốt nhất cho các nhà đầu tư. Trên các nền tảng môi giới giao dịch như TD Ameritrade và E-Trade, có hàng nghìn quỹ tương hỗ không tính phí giao dịch mà bạn có thể tha hồ lựa chọn.

Đầu tư vào quỹ tương hỗ như thế nào?

Nếu bạn ở Mỹ và có tài khoản 401(k), tài khoản lương hưu, tài khoản hưu trí cá nhân thông thường hoặc Roth IRA hay bạn sở hữu bất kỳ loại tài khoản môi giới nào có dính líu đến việc đầu tư tiền mặt thì khả năng cao là danh mục đầu tư của bạn sẽ có quỹ tương hỗ trong đó.

Trong năm 2018, theo ICI, 80% chủ sở hữu loại quỹ này thường dành tiền vào các kế hoạch hưu trí trong doanh nghiệp như 401(k); trong khi 43% chủ sở hữu quỹ tương hỗ có đóng góp trong cả quỹ hưu trí khi làm việc và có các tài khoản riêng bên ngoài như IRA (tài khoản hưu trí cá nhân) truyền thống hoặc Roth IRA. Hầu hết các nhà đầu tư có sở hữu cổ phần trong bốn quỹ tương hỗ trở lên.

Làm thế nào để mua cổ phiếu quỹ?

Bạn có thể mua cổ phiếu quỹ thông qua tài khoản hưu trí doanh nghiệp; hoặc mua trực tiếp từ nhà cung cấp như Vanguard, Fidelity hoặc American Funds. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều có thể làm bạn bị hạn chế trong việc lựa chọn. Không giống như thị trường chứng khoán mà trong đó nhà đầu tư mua bán cổ phiếu của nhau, cổ phiếu quỹ tương hỗ chỉ được mua trực tiếp từ quỹ; hoặc thông thường là từ một nhà môi giới chuyên mua cổ phiếu cho giới đầu tư.

Bạn sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn nếu mở tài khoản môi giới. Tài khoản môi giới có thể sẽ yêu cầu bạn phải nạp tiền gửi tối thiểu; nhưng có một số nhà cung cấp chỉ yêu cầu mức tối thiểu là 0 USD.(nếu bạn đầu tư thông qua IRA; hoặc nếu bạn chọn phương án nạp tiền gửi tự động hàng tháng).

Đăng Khoa — Theo nerdwallet

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến