logo
Theo dõi investo trên google news

thứ sáu, 28/07/2023

ROA là gì? Ý nghĩa, vai trò và đặc điểm của chỉ số ROA

Là một chỉ số dùng để đánh giá hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp, ROA thể hiện tình hình tài chính và những lợi thế khi sở hữu một cổ phiếu. Vậy cụ thể bản chất của ROA là gì? ROA bao nhiêu là tốt? Nhà đầu tư có thể tính chỉ số ROA như thế nào? Hãy cùng Investo tìm hiểu rõ hơn ở dưới đây nhé!

ROA là gì ?

Chỉ số ROA - Return On Asset là tỷ số lợi nhuận ròng chia cho tổng tài sản doanh nghiệp. Đây là giá trị được sử dụng để đo lường khả năng sinh lời trên mỗi đồng tài sản của doanh nghiệp. Qua đó, giúp nhà đầu tư đánh giá mức độ hiệu quả của việc sử dụng tài sản hiện có.

Như bạn đã biết, tài sản của một công ty được hình thành từ vốn chủ sở hữu và vốn vay. Doanh nghiệp sẽ tận dụng cả 2 nguồn để tạo ra lợi nhuận và thể hiện nó qua số ROA. ROA càng cao càng có lợi, nó chứng tỏ doanh nghiệp đang kiếm được nhiều tiền hơn trên một số vốn tài sản ít hơn. 

roa-la-gi ROA là gì?

Cách tính chỉ số ROA

Công thức tính chỉ số ROA của doanh nghiệp

Cách tính ROA cơ bản được dựa trên công thức sau:

cach-tinh-roa Công thức tính chỉ số ROA.

Trong đó:

  • ROA là tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản (Đơn vị tính là %).
  • Lợi nhuận ròng là khoản lợi nhuận còn lại sau khi đã trừ đi mọi khoản thuế và chi phí hoạt động khác.
  • Tổng giá trị tài sản bao gồm vốn chủ sở hữu và vốn vay nợ của doanh nghiệp.

Ví dụ: Doanh nghiệp A có tổng giá trị tài sản là 100 triệu USD. Mỗi năm, doanh nghiệp A tạo ra khoản lợi nhuận ròng là 20 triệu USD (Khoản lợi nhuận này đã trừ đi thuế và tất cả các chi phí hoạt động khác). Thay vào công thức ta có tỷ số ROA là 20%. Điều này có nghĩa là với mỗi 1 đồng tài sản, doanh nghiệp có thể tạo ra 0,2 đồng lợi nhuận ròng.

Công thức tính ROA trên báo cáo tài chính

Các doanh nghiệp lớn được quy định phải công khai báo cáo tài chính hàng quý, đặc biệt là các doanh nghiệp đã được niêm yết trên sàn chứng khoán. Từ đó các nhà đầu tư có thể nắm bắt được tính hình kinh doanh của doanh nghiệp từ những thông tin được trình bày trong báo cáo tài chính.

Dựa trên báo cáo tài chính được công bố, chúng ta có thể tính được chỉ số ROA của công ty thông qua các bước như sau:

Cách tính ROA Cách tính chỉ số ROA trên BCTC

Bước 1: Xác định mức lợi nhuận sau thuê của doanh nghiệp.

Công thức tính ROA Xác định tổng tài sản của doanh nghiệp để tính ROA

Bước 2: Xác định tổng tài sản của doanh nghiệp.

Bước 3: Tính tổng tài sản bình quân của doanh nghiệp bằng công thức

Tổng tài sản bình quân = (Tổng tài sản đầu kỳ + Tổng tài sản cuối kỳ) / 2

Bước 4: Sau khi tính được tổng tài sản bình quân, chúng ta áp dụng công thức sau để tính ra ROA.

ROA = Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản bình quân

Ưu điểm và nhược điểm của chỉ số ROA

Nếu lựa chọn chỉ số ROA là công cụ chính để phân tích tài chính doanh nghiệp, bạn cần nắm rõ các ưu nhược điểm của chỉ số này. Cụ thể như sau:

roa Ưu điểm và nhược điểm của chỉ số ROA.

Ưu điểm

  • Chỉ số ROA đơn giản và dễ sử dụng. Các nhà đầu tư mới và ít kinh nghiệm vẫn có thể dễ dàng tính toán chỉ số này để đánh giá và phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp.
  • ROA thể hiện mức độ hiệu quả của bộ máy vận hành. Chỉ số ROA càng cao, chứng tỏ bộ máy doanh nghiệp hoạt động càng ổn định. Dựa trên các số liệu này nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định về việc có nên đầu tư hay không.

Nhược điểm

  • Chỉ số ROA không phải tuyệt đối. Việc phân tích ROA chỉ phản ánh một khía cạnh cụ thể và không thể đại diện cho cả một bức tranh tài chính doanh nghiệp. Vì vậy, để có được những đánh giá khách quan nhất, nhà đầu tư nên kết hợp phân tích chỉ số ROA với các chỉ số tài chính khác.
  • Chỉ số ROA không có tác dụng khi so sánh các doanh nghiệp khác ngành. Chẳng hạn, đối với các doanh nghiệp ngành bảo hiểm và tài chính ngân hàng mức ROA khoảng 2% đã được đánh giá là rất tốt. Song, với các doanh nghiệp của ngành công nghiệp nặng, chỉ số ROA cần phải trên 10% mới được coi là hiệu quả.
  • Cần phân tích ROA trong khoảng thời gian dài. Lợi nhuận của doanh nghiệp là giá trị thường xuyên biến động. Vì vậy, nhà đầu tư nên đặt chỉ số ROA trong một khoảng thời gian dài để tính toán. Việc này giúp đảm bảo tính khách quan nhất của con số cuối cùng.
  • Chỉ số ROA có thể bị “bóp méo”: Tương tự các chỉ số tài chính khác, ROA được thể hiện trên báo cáo tài chính doanh nghiệp. Với các công ty không uy tín, con số này dễ dàng bị bóp méo và thổi phồng để trục lợi.

Vai trò của chỉ số ROA

Dưới đây hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn về vai trò của chỉ số ROA là gì đối với bản thân các nhà quản lý doanh nghiệp và nhà đầu tư nhé!

Đối với các nhà quản lý doanh nghiệp:

  • ROA giúp doanh nghiệp tự đánh giá: Phân tích ROA giúp doanh nghiệp nhận thức được tình hình của các hoạt động kinh doanh hiện tại. Từ đó, tối ưu lại các công việc và đảm bảo mọi đồng vốn được sử dụng hợp lý. 
  • ROA để doanh nghiệp so sánh đối thủ: Tính toán ROA giúp các nhà quản lý so sánh doanh nghiệp mình với các đối thủ cùng ngành.

Đối với các nhà đầu tư cổ phiếu:

  • ROA giúp lựa chọn cổ phiếu tiềm năng: Việc tính toán và so sánh chỉ số ROA của các doanh nghiệp cùng ngành giúp nhà đầu tư lựa chọn được gói cổ phiếu có tiềm năng nhất. 
  • ROA dùng để đánh giá tiềm năng của cổ phiếu: ROA càng cao chứng tỏ các hoạt động kinh doanh hiện tại càng có lời. Điều này cũng góp phần làm gia tăng tính thanh khoản, tiềm năng tăng giá của cổ phiếu trước mắt các nhà đầu tư.
chi-so-roa Vai trò của ROA đối với doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ý nghĩa của chỉ số ROA

Dưới đây là các ý nghĩa của ROA mà bạn có thể nhận thấy khi đánh giá chỉ số này.

  • ROA thể hiện mức độ hiệu quả của việc sử dụng vốn. Cụ thể hơn, dựa trên ROA, nhà đầu tư có thể xác định với mỗi đồng tài sản, doanh nghiệp sẽ có khả năng tạo ra bao nhiêu lợi nhuận ròng. Nếu tỷ lệ ROA cao, chứng tỏ doanh nghiệp đang làm rất tốt trong việc sử dụng vốn. Chính vì vậy, các doanh nghiệp có ROA cao sẽ luôn được nhiều nhà đầu tư chú ý. 
  • Hỗ trợ đánh giá độ hiệu quả của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp nặng. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp nặng thường cần nhiều vốn chi phí để hoạt động. Vì vậy, việc so sánh các doanh nghiệp này đôi khi không thể đưa ra kết quả khách quan nhất. Trường hợp này, bạn có thể phân tích và so sánh thêm chỉ số ROA quá khứ.
  • ROA thể hiện mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Trong một số ngành nghề, công ty có chỉ số ROA cao hơn chứng tỏ tiềm năng tăng trưởng tốt hơn. Theo đó, nếu chỉ số ROA hiện tại của doanh nghiệp có kết quả tích cực hơn ROA quá khứ. Điều này cũng chứng tỏ các hoạt động kinh doanh đã được cải thiện.

Lưu ý: ROA không thể đánh giá tổng thể một doanh nghiệp. Bởi, một số doanh nghiệp không có nhu cầu đầu tư vào các tài sản cố định có sở hữu có tỷ lệ ROA thấp nhưng vẫn có hoạt động rất tốt. Ví dụ như các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin,... 

Chính vì vậy, thay vì chỉ đánh giá thông qua chỉ số ROA, bạn có thể sử dụng thêm các chỉ số khác như ROE hoặc P/E. Việc sử dụng nhiều dữ liệu giúp bạn cái nhìn bao quát nhất về một doanh nghiệp.

return-on-assets-la-gi ROA phản ánh thực trạng và thể hiện tiềm năng của một doanh nghiệp.

Chỉ số ROA bao nhiêu là tốt ?

Tại Việt Nam:

  • Mức ROA tối thiểu mà mỗi doanh nghiệp cần đạt là 7,5%. 
  • Mức ROA từ 10% đến 12% là các doanh nghiệp được đánh giá khá tốt. 
  • Doanh nghiệp có mức ROA trên 20% là mức xuất sắc. 

Tuy nhiên, với mỗi ngành nghề mà tỷ suất ROA doanh nghiệp sẽ có mức kỳ vọng khác nhau. Vì thế, trước khi bắt đầu phân tích và đưa ra đánh giá, hãy đảm bảo bạn đã có đủ thông tin về tỷ số trung bình ROA của cả ngành để so sánh với ROA của doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng ROA hiện tại và ROA quá khứ của cùng doanh nghiệp để xem xét mức ROA bao nhiêu là tốt nhất.

chi-so-roa-bao-nhieu-la-tot Mức ROA tối thiểu của các doanh nghiệp Việt Nam cần đạt là 7,5%.

Cách tăng chỉ số ROA

Cách tăng chỉ số ROA:

  • Cải thiện các hoạt động kinh doanh và sử dụng vốn. 
  • Đề xuất các chiến lược tăng doanh thu hoặc giảm chi phí để tăng lợi nhuận. 
  • Cải thiện các chiến lược tăng tỷ lệ sử dụng tài sản để kiếm lời. Hoặc giảm tỷ lệ nợ vay để giảm chi phí vay.

Lưu ý: ROA hoàn toàn có thể bị làm giả hoặc thổi phồng tại các doanh nghiệp không uy tín. Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường, hãy cần thận xác thực lại các con số này trước khi đầu tư vào doanh nghiệp.

cong-thuc-tinh-roa ROA thể hiện thực trạng của doanh nghiệp, không có công thức chung để giúp tăng chỉ số này.

Phân biệt chỉ số ROA với chỉ số ROIC, ROI và ROE

ROA, ROIC, ROI và ROE là các chỉ số cơ bản được sử dụng để phân tích tài chính. Dưới đây hãy cùng phân biệt chỉ số ROA với ba chỉ số còn lại là ROIC, ROI và ROE để có cái nhìn khái quát hơn về các chỉ số này nhé!

 

Tiêu chí

Chỉ số ROIC

Chỉ số ROI

Chỉ số ROE

Khái niệm

ROIC (Return on Invested Capital) là tỷ suất lợi nhuận trên tổng vốn đầu tư ban đầu. 


ROIC cho biết chính xác khối lượng lợi nhuận đang là bao nhiêu so với vốn đầu tư. Từ đó bạn có thể đánh giá về kế hoạch sử dụng vốn của doanh nghiệp.

ROI (Return on Investment) là chỉ số đo lường tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư. 


Thường được sử dụng để đánh giá mức độ hiệu quả của các chiến dịch quảng bá doanh nghiệp, ROI cho biết mức lợi nhuận thu về là bao nhiêu so với tổng chi phí đầu tư.

ROE (Return on Equity) là chỉ số tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. 


ROE thể hiện tỷ lệ giữa lợi nhuận với vốn chủ sở hữu được sử dụng cho các hoạt động. Nhà đầu tư dựa vào chỉ số này nhằm đánh giá hiệu quả trong việc sử dụng vốn.

Điểm khác biệt so với ROA

Điểm khác biệt giữa ROA và ROIC là chỉ số ROA thể hiện tỷ suất lợi nhuận ròng trên mỗi đồng tài sản hiện có. 


Còn ROIC thể hiện khả năng sinh lời trên mỗi đồng vốn đầu tư ban đầu.

Điểm khác biệt giữa ROA và ROI là chỉ số ROA thể hiện tỷ lệ sinh lời trên mỗi đồng tài sản và được tính theo cả một thời gian dài có bao gồm rất nhiều chiến dịch và hoạt động kinh doanh. 


Còn ROI thường thể hiện tỷ suất trong một chiến dịch đầu tư cụ thể.

Điểm khác biệt giữa ROA và ROE là chỉ số ROA thể hiện hiệu quả của việc sử dụng tài sản doanh nghiệp. 


Trong khi đó, ROE thể hiện hiệu quả của việc sử dụng vốn chủ sở hữu doanh nghiệp.

chi-so-roa-la-gi Phân biệt ROA với các chỉ số ROI, ROE và ROIC.

Kết luận

Trên đây là những thông tin cơ bản nhất để giúp bạn đọc hiểu ROA là gì trong phân tích tài chính. Nên nhớ rằng, mặc dù mỗi chỉ số này đề sẽ có những ưu điểm và lợi thế riêng khi sử dụng để đánh giá doanh nghiệp. Song, để kết quả cuối cùng được khách quan nhất, nhà đầu tư vẫn nên kết hợp nhiều dữ liệu khi phân tích. Nếu bạn có hứng thú với các chỉ số này, hãy tới Investo để đón đọc thêm nhé!

Phương Sơn

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến