logo
Theo dõi investo trên google news

thứ tư, 02/08/2023

G20 là gì? Vai trò, nhiệm vụ và các hoạt động chính của G20

G20 là tổ chức quy tụ các nền kinh tế công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu trên thế giới. Tổ chức này hiện đang giữ một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc quản lý, chi phối nền kinh tế và hệ thống tài chính trên toàn cầu. 

Tổ chức G20 là gì?

G20 là tên viết tắt của nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương đại diện cho 20 nền kinh tế lớn mạnh nhất trên thế giới hiện nay. Cụ thể, G20 gồm những nước nào? Tham gia tổ chức này có Liên minh Châu Âu (EU) và 19 quốc gia gồm: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Italia, Ả Rập Xê Út, Ấn Độ, Argentina, Brazil, Canada, Đức, Hàn Quốc, Indonesia, Mexico, Nam Phi, Nhật Bản, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Australia. 

G20 còn được gọi là Nhóm 20, được thành lập chính thức vào năm 1999 và hội nghị đầu tiên của tổ chức diễn ra tại thủ đô Berlin (Đức). Trong các cuộc họp thường niên, ngoài 20 thành viên chính thức thì còn có sự tham gia của Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), Chủ tịch Ủy ban Tiền tệ và Tài chính Quốc tế (IMFC), Đại diện Ủy ban Phát triển (DC) của 2 tổ chức IMF, WB.

G20 là gì? Vai trò, nhiệm vụ và các hoạt động chính của G20 Nhóm 20 thành lập năm 1999 với sự tham gia của nhiều cường quốc kinh tế trên thế giới

Nhóm G20 tiếng Anh là gì?

Tên tiếng Anh của tổ chức G20 là Group of Twenty, có nghĩa Nhóm 20. Trong đó, 20 là số lượng các thành viên tham gia vào tổ chức. Trên trang thông tin chính thức của Nhóm 20 đã nêu rất rõ nội dung “The Group of Twenty is the premier forum for international economic cooperation”. Điều này khẳng định G20 là diễn đàn hàng đầu trên thế giới về hợp tác kinh tế quốc tế. 

G20 là gì? Vai trò, nhiệm vụ và các hoạt động chính của G20 G20 có tên tiếng Anh là Group of Twenty

Nhiệm vụ và vai trò của các nước G20

Hiện nay, nhóm G20 được xem là diễn đàn quốc tế chính thức dành cho các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương đến từ 19 nước thành viên cùng Liên minh Châu Âu. Nhiệm vụ chính của tổ chức này là thúc đẩy các cuộc thảo luận mang tính chất xây dựng, cởi mở giữa mọi thành viên. 

Trong các buổi thảo luận, những vấn đề liên quan đến sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu sẽ được đưa ra để bàn luận, thống nhất về chính sách và giải pháp xử lý.  G20 cũng giải quyết các vấn đề quan trọng liên quan đến hệ thống tiền tệ và tài chính toàn cầu nhằm củng cố cấu trúc tài chính quốc tế. 

G20 đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường cơ cấu tài chính quốc tế. Đồng thời tạo điều kiện đối thoại về chính sách quốc gia cho mọi thành viên cũng như các cơ quan tài chính quốc tế khác. G20 thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ tăng trưởng và định hướng phát triển cho nền kinh tế toàn cầu.

Xét về sức mạnh kinh tế, hiện tại Nhóm 20 đang chiếm khoảng 90% GDP (tổng sản phẩm quốc dân) toàn cầu và hơn 80% thương mại quốc tế (bao gồm thương mại nội khối Liên minh Châu Âu). Bên cạnh đó, tuy chỉ có 20 thành viên nhưng dân số các nước G20 hiện đang chiếm 2/3 thế giới.

G20 là gì? Vai trò, nhiệm vụ và các hoạt động chính của G20 G20 thúc đẩy hợp tác quốc tế, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển cho nền kinh tế toàn cầu

Tổ chức hoạt động của G20

Trừ Liên minh Châu Âu, G20 có 19 quốc gia được chia thành 5 nhóm. Về mặt tổ chức, nhóm không có ban thư ký và nhân viên thường trực. Theo đó, đứng đầu tổ chức là Chủ tịch - người đại diện được chọn từ 5 nhóm các quốc gia khu vực khác nhau. Vị trí chủ tịch sẽ xoay vòng hàng năm giữa từng thành viên. Chủ tịch chịu trách nhiệm tập hợp chương trình nghị sự và tổ chức hội nghị G20 với sự tham vấn của các thành viên khác. 

Bên cạnh đó, tổ chức còn có Hội đồng quản trị luân phiên gồm chủ tịch tiền nhiệm (khóa trước), hiện tại và tương lai (năm tiếp theo). Mục đích của Hội đồng quản trị luân phiên là đảm bảo tính liên tục của công việc và duy trì hoạt động tổ chức ổn định qua các năm.

Hội đồng quản trị luân phiên năm 2023 gồm: 

  • Chủ tịch G20 Indonesia nhiệm kỳ 2022
  • Chủ tịch G20 India nhiệm kỳ 2023
  • Chủ tịch G20 Brazil nhiệm kỳ 2024
G20 là gì? Vai trò, nhiệm vụ và các hoạt động chính của G20 Hội đồng quản trị luân phiên năm 2023 gồm 3 thành viên đến từ Indonesia, India và Brazil

Các hoạt động chính của tổ chức G20

Các hoạt động chính thức của Nhóm 20 bao gồm Hội nghị thường niên và Hội nghị thượng đỉnh. Hội nghị thường niên sẽ được tổ chức hàng năm, diễn ra ở cấp Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương. Hội nghị thượng đỉnh là sự kiện quan trọng nhất, có sự tham gia của các Nguyên thủ Quốc gia và Giám đốc điều hành một số tổ chức kinh tế tài chính quốc tế. Vậy Hội nghị G20 là gì và nội dung nào thường được đưa ra thảo luận?   

Hội nghị thượng đỉnh lần 1

Hội nghị lần 1 của G20 được tổ chức vào ngày 14 - 15/11/2008 tại Washington D.C. Hội nghị đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đang diễn ra. Đồng thời thống nhất cùng phối hợp hành động nhằm ứng phó với khủng hoảng.

G20 là gì? Vai trò, nhiệm vụ và các hoạt động chính của G20 Hội nghị lần 1 năm 2008

Hội nghị thượng đỉnh lần 2

Hội nghị lần 2 của G20 tổ chức vào ngày 2/4/2009 tại Anh. Các thành viên đã thảo luận về vấn đề giải cứu kinh tế toàn cầu thoát khỏi khủng hoảng, siết chặt quy chế trong hoạt động ngân hàng, trợ giúp các quốc gia đang phát triển và chống chủ nghĩa bảo hộ.

G20 là gì? Vai trò, nhiệm vụ và các hoạt động chính của G20 Hội nghị lần 2 thảo luận về vấn đề thoát khỏi khủng hoảng kinh tế

Hội nghị thượng đỉnh lần 3

Diễn ra vào tháng 9/2009 tại Mỹ, Hội nghị G20 thống nhất vấn đề duy trì kế hoạch kích cầu và chính sách đối phó khủng hoảng cho đến khi kinh tế thế giới hồi phục lại hoàn toàn. Đồng thời thảo luận thêm các vấn đề như: An toàn năng lượng và biến đổi khí hậu, tăng cường viện trợ lương thực cho những nước nghèo. 

nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 thiết lập mục tiêu trở thành diễn đàn kinh tế lớn nhất thế giới

Hội nghị thượng đỉnh lần 4

Hội nghị lần thứ 4 của G20 diễn ra tại Canada vào ngày 26 - 27/6/2010. Hội nghị thảo luận các vấn đề sau:

  • Hợp tác tìm kiếm một cơ chế tăng trưởng bền vững cho tổ chức.
  • Cải cách quy chế và các cơ quan tài chính thế giới.
  • Thiết lập mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu và tự do hóa thương mại.
Hội nghị thượng đỉnh Hội nghị lần 4 của G20 diễn ra tại Canada vào năm 2010

Hội nghị thượng đỉnh lần 5

Hội nghị lần thứ 5 được G20 tổ chức tại Hàn Quốc vào ngày 11 - 12/11/2010. Chủ đề chính của Hội nghị là “Vượt qua khủng hoảng để cùng tăng trưởng” với các nội dung sau:

  • Hợp tác quốc tế về lĩnh vực tỷ giá hối đoái.
  • Xây dựng mạng lưới an toàn tài chính quy mô toàn cầu.
  • Cải cách tổ chức tài chính.
Hội nghị Group of Twenty lần 5 Hội nghị G20 lần 5 diễn ra tại Hàn Quốc năm 2010

Cho đến nay, Nhóm 20 đã có 17 lần họp thượng đỉnh, diễn ra ở các quốc gia khác nhau, ví dụ như: Hội nghị G20 tại Trung Quốc vào năm 2016, Hội nghị G20 2017 tại Đức, Hội nghị G20 2018 tại Argentina,... 

Gần đây nhất là Hội nghị thượng đỉnh G20 Bali (Indonesia) tổ chức vào ngày 15 - 16/11/2022. Hội nghị lần này thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, bao gồm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và lương thực.

Một số thành tựu của nhóm G20 từ khi thành lập

Sau hơn 24 năm hoạt động, G20 đã đạt được rất nhiều thành tựu. Trong đó phải kể đến thành tựu đạt được thỏa thuận về các nội dung sau: Chính sách tăng trưởng, giảm lạm dụng hệ thống tài chính, quản lý khủng hoảng, chống rửa tiền và tài trợ cho khủng bố. 

G20 cũng giúp thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới các tiêu chuẩn quốc tế đã được công nhận trước đó bằng cách cải thiện tính minh bạch trong tất cả chính sách về tài chính cũng như trao đổi thông tin về vấn đề thuế.

Ngoài ra, G20 còn đạt được những kết quả tích cực về sự phối hợp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô giữa 20 thành viên trong nhóm. Từ đó thúc đẩy tăng trưởng mạnh, bền vững và cân bằng nền kinh tế ở các nước thành viên và Liên minh Châu Âu. Đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu (năm 2007 - 2008).

nhóm 20 Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên mà còn góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Kết luận

Trên đây là các nội dung G20 là gì, G20 gồm những nước nào, vai trò, nhiệm vụ và hoạt động chính của tổ chức này. Có thể thấy rằng, kể từ khi thành lập đến nay, tổ chức đã góp phần không nhỏ đến sự ổn định và tăng trưởng nền kinh tế trên toàn thế giới. Đối với các nước hiện nay, G20 chính là “đầu tàu” dẫn dắt kinh tế toàn cầu.

Huỳnh Hà

 

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến