logo
Theo dõi investo trên google news

thứ hai, 26/06/2023

Lạm phát là gì? Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp kiểm soát lạm phát

Lạm phát là chỉ số quan trọng dùng để đánh dấu sự gia tăng liên tục của mức giá chung trong một nền kinh tế. Hiểu rõ lạm phát là gì cực kỳ quan trọng để có thể nhận biết được ảnh hưởng của chỉ số này đến tiền tệ, thu nhập và giá hàng hóa. Đồng thời giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp đưa ra các quyết định đầu tư hiệu quả.

Lạm phát là gì? Ví dụ về lạm phát

Lạm phát (inflation) là tình trạng hàng hóa và dịch vụ liên tục tăng giá trong thời gian dài. Điều này làm giảm giá trị của tiền tệ và dẫn đến sự mất giá của đồng tiền. Tức là số tiền bạn có sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn trước đó. Lạm phát có thể làm giảm giá trị tiền tệ của quốc gia này so với quốc gia khác.

Phải làm gì khi lạm phát tăng cao là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương. Một chỉ số lạm phát bằng 0 hoặc giá trị dương nhỏ sẽ được xem là “ổn định giá cả”.

Lạm phát là gì? Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp kiểm soát lạm phát Lạm phát là gì?

Venezuela là ví dụ điển hình về trường hợp lạm phát phi mã trên thế giới. Năm 1980, “giảm xuất khẩu dầu” và “giá dầu giảm” dẫn tới khủng hoảng thừa cung dầu, Venezuela bắt đầu cuộc chiến chống lạm phát. Đến năm 1998, Tổng thống Hugo Chávez đưa ra những chính sách giúp đời sống người dân cải thiện. Nhưng các chương trình cải cách quá phụ thuộc vào dầu mỏ, khiến nền kinh tế bị mắc “bệnh Hà Lan”.  Năm 2010, Venezuela đối mặt với tỷ lệ lạm phát đạt đỉnh điểm là 27%. 

Cho đến năm 2020, con số lạm phát đã gần 3.000%. Lạm phát đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho nền kinh tế Venezuela. Giá cả tăng cao, đồng Bolivar giảm mạnh. Kéo theo hàng hóa và dịch vụ thiếu hụt, đời sống người dân ngày càng khó khăn. 

Lạm phát là gì? Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp kiểm soát lạm phát Venezuela là một trong những quốc gia có chịu ảnh hưởng nặng nề do lạm phát

Các loại lạm phát chính thường gặp

Có thể phân loại lạm phát thành 3 mức độ: lạm phát tự nhiên (0 - dưới 10%); lạm phát phi mã (10 - dưới 1000%) và siêu lạm phát (trên 1000%). Đặc điểm của từng loại lạm phát là gì sẽ được Investo giải thích cụ thể trong nội dung tiếp theo đây.

Lạm phát tự nhiên

Lạm phát tự nhiên (còn được gọi là lạm phát vừa phải) có tỷ lệ dưới 10%, là tình trạng giá cả tăng chậm, nền kinh tế bình ổn, đời sống người dân ổn định. Điều này giúp kích thích nền kinh tế tăng trưởng và các doanh nghiệp tăng gia sản xuất.

Lạm phát là gì? Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp kiểm soát lạm phát Tỷ lệ lạm phát tự nhiên dưới 5% là kỳ vọng của nhiều quốc gia

Lạm phát phi mã

Lạm phát phi mã là tình trạng lạm phát với tỷ lệ từ 10 đến dưới 1000%. Lúc này, giá cả chung tăng mạnh, gây ra các biến động lớn trong nền kinh tế. Người dân sẽ có xu hướng đầu cơ tích trữ những tài sản an toàn hơn tiền tệ như vàng, bạc, bất động sản,... Điều này kéo theo tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng, không còn động lực để phát triển.

Siêu lạm phát 

Siêu lạm phát xảy ra khi giá cả tăng đột biến, vượt xa mức tăng của lạm phát phi mã (trên 1.000%). Tốc độ lưu thông của tiền tệ và giá cả tăng chóng mặt, trong khi tiền lương giảm trầm trọng. Giá trị đồng tiền lúc này giảm nhanh, gần như mất kiểm soát, gây phá hủy nền kinh tế.

Vậy, tiêu chuẩn để xác định tình trạng siêu lạm phát là gì?

  • Người dân muốn giữ tài sản của mình ở những dạng khác thay vì tiền.
  • Giá cả của hàng hóa trong nước sẽ được tính bằng một loại ngoại tệ ổn định hơn thay cho nội tệ (đa số sẽ dùng đồng đô la Mỹ).
  • Các khoản tín dụng (dù là thời gian rất ngắn) sẽ tính cả mức mất giá.
  • Lãi suất, tiền lương và giá cả gắn với một chỉ số giá, tỷ lệ lạm phát cộng dồn trong 3 năm từ 100% trở lên.
Lạm phát là gì? Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp kiểm soát lạm phát Siêu lạm phát có thể khiến tiền tệ giảm giá trị một cách mất kiểm soát, phá hủy nền kinh tế

Cách tính tỷ lệ lạm phát như thế nào?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đo lường sự biến động giá của một giỏ hàng hóa và dịch vụ cố định được mua bởi “người tiêu dùng điển hình” theo thời gian. Dựa vào chỉ số CPI, ta có thể tính được chỉ số lạm phát của một quốc gia. Công thức tính lạm phát như nhau:

Chỉ số lạm phát trong kỳ hiện tại= (CPIcuối cùng/CPIban đầu) x 100%

Ngoài việc sử dụng chỉ số CPI để đo lường mức giá cả thì người ta cũng có thể xét đến các chỉ số khác như chỉ số giá sinh hoạt CLI, chỉ số giá sản xuất PPI,... Tuy nhiên, CPI vẫn là chỉ số có khả năng phản ánh tốt nhất về tình hình đời sống của người dân.

Xem thêm: Chỉ số PPI

Một số nguyên nhân lạm phát là gì?

Lạm phát cầu kéo

Hiện tượng lạm phát cầu kéo (demand-pull inflation) xảy ra khi tổng cầu tăng lên, vượt quá mức cung hàng hóa. Từ đó dẫn đến sự gia tăng sự áp lực về giá cả, đẩy giá tăng lên, làm tiền tệ bị mất giá và gây ra lạm phát.

Lý do dẫn đến lạm phát cầu kéo có thể kể đến như chính sách tiền tệ mở rộng, ngân hàng cho vay không kiểm soát, chi tiêu Chính phủ tăng khi không có tài chính ổn định, thu nhập tăng lên kéo theo chi tiêu của các hộ gia đình cũng tăng lên,...

Lạm phát do chi phí đẩy

Tình trạng lạm phát do chi phí đẩy (cost-push inflation) xảy ra khi chi phí sản xuất (lương người lao động, giá nguyên vật liệu, máy móc thiết bị, thuế suất,...) tăng lên. Để đảm bảo lợi nhuận, các doanh nghiệp buộc phải tăng giá thành của sản phẩm. Lúc này, mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ trong toàn thể nền kinh tế tăng cao, dẫn đến “lạm phát do chi phí đẩy”.

Một vài nguyên nhân làm tăng chi phí sản xuất tăng lên có thể kể đến như: tiền lương tăng vượt quá mức tăng của năng suất lao động, áp lực từ lạm phát của nước xuất khẩu khiến giá nhập khẩu tăng, khủng hoảng kinh tế,...

Lạm phát là gì? Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp kiểm soát lạm phát Lạm phát cho chi phí đẩy xảy ra khi doanh nghiệp tăng giá sản phẩm do chi phí sản xuất tăng

Lạm phát do cơ cấu

Hiện tượng lạm phát do cơ cấu xảy ra khi các doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, buộc phải tăng giá thành sản phẩm để đảm bảo mức lợi nhuận kỳ vọng. Trong khi đó chất lượng và hiệu suất sản xuất không tăng tương ứng.

Lạm phát do cơ cấu gây áp lực lên nền kinh tế bởi vì giá sản phẩm tăng nhưng không đi kèm với sự cải thiện về chất lượng hay hiệu suất sản xuất. Người tiêu dùng phải trả giá cao hơn trong khi không nhận được sự gia tăng về giá trị.

Lạm phát do xuất khẩu

Khi xuất khẩu tăng, lượng sản phẩm được sử dụng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu cũng tăng. Đồng thời làm giảm lượng cung sản phẩm cho thị trường trong nước. Điều này dẫn đến sự mất cân bằng giữa tổng cung và tổng cầu (cung thấp hơn cầu).

Khi có ít sản phẩm hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước sẽ gây áp lực tăng giá và lạm phát. Việc tăng giá của các mặt hàng có thể gây khó khăn cho người dân và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ.

Lạm phát do nhập khẩu

Khi giá nhập khẩu các hàng hóa và dịch vụ tăng lên. Giá thành tiêu thụ của những sản phẩm này ở thị trường trong nước cũng tăng lên. Sự tăng giá này lây lan sang các sản phẩm và dịch vụ nội địa, tạo áp lực tăng giá chung. Từ đó làm tăng tổng mức giá, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát.

Cung - cầu thay đổi gây ra lạm phát

Trong trường hợp lượng cầu về một mặt hàng giảm đi, lượng cầu về một mặt hàng khác tăng lên. Nếu trên thị trường có sự độc quyền từ các nhà cung cấp và giá cả trên thị trường mang tính chất cứng nhắc (chỉ tăng mà không giảm), dù cầu giảm thì giá mặt hàng đó vẫn giữ nguyên.

Trong khi đó, mặt hàng mà lượng cầu tăng cao sẽ kích thích tăng giá. Hiện tượng này dẫn đến mức giá trung bình trên thị trường tăng lên, gây ra lạm phát. 

Lạm phát là gì? Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp kiểm soát lạm phát Khi mức giá trung bình của nhiều mặt hàng tăng sẽ gây lạm phát, ảnh hưởng đến việc mua sắm của người tiêu dùng

Lạm phát tiền tệ

Ngân hàng Trung ương mua nhiều ngoại tệ để đồng nội tệ nhằm duy trì giá trị của đồng tiền trong nước so với ngoại tệ. Lúc này, lượng tiền lưu thông trên thị trường trong nước sẽ tăng lên.

Sự tăng cung tiền lưu hành sẽ làm tăng khả năng chi tiêu và tiêu thụ trong nền kinh tế. Điều này góp phần làm tăng tổng cầu và mức giá trung bình của các mặt hàng, gây lạm phát.

Lạm phát ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế?

Ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế có thể theo cả hướng tích cực và tiêu cực.

Ảnh hưởng tiêu cực của lạm phát

Hậu quả của lạm phát khiến tình hình kinh tế, xã hội chịu nhiều tác động tiêu cực. Cụ thể:

  • Làm mất giá trị của tiền tệ, người dân chuyển sang đầu cơ tích trữ vào những tài sản khác. Khiến cho các khoản gửi ngân hàng bị thiếu hụt, nguồn vốn vay giảm mạnh và không còn để đầu tư sản xuất.
  • Người dân mất lòng tin vào Chính phủ sự ổn định của nền kinh tế. Gây mất cân bằng trong thị trường, thiếu niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp.
  • Tăng lãi suất và chi phí vay do lãi suất và lạm phát có mối quan hệ cùng chiều. Các chính sách tăng lãi suất của ngân hàng cần được thực hiện để kiềm chế lạm phát. Điều này làm tăng gánh nặng nợ cho cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ. Đồng thời gây áp lực cho việc đầu tư và phát triển kinh tế.
  • Gây bất ổn xã hội và gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Người dân có thu nhập thấp sẽ chịu tác động nặng nề, gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Trong khi đó, những người giàu thì càng giàu hơn nhờ vơ vét và thu gom hàng hóa.
  • Mất cân đối thanh toán quốc tế khi giá cả hàng hóa nội địa tăng cao, làm giảm khả năng cạnh tranh với hàng xuất khẩu. Lúc này, nhập khẩu cũng sẽ tăng lên khiến sản xuất trong nước bị thu hẹp.
  • Những khoản nợ nước ngoài của Chính phủ trở nên trầm trọng vì đồng tiền trong nước mất giá.
Lạm phát là gì? Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp kiểm soát lạm phát Hậu quả của lạm phát quá mức là làm mất giá trị của tiền tệ, gây bất ổn trong xã hội và suy thoái nền kinh tế

Tác động tích cực của lạm phát tới kinh tế xã hội

Lạm phát duy trì mức tự nhiên sẽ tạo ra những tác động tốt cho nền kinh tế. Lạm phát tự nhiên ở các nước phát triển là khoảng 2 - 5%. Và đối các nước đang phát triển là dưới 10%. Cụ thể, về mặt tích cực thì tác động của lạm phát là gì?

  • Khuyến khích người dân tiêu dùng, vay nợ và đầu tư ngay lập tức để tránh mất giá trị của tiền tệ. Điều này có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo động lực để tăng trưởng.
  • Kích thích xuất khẩu nhờ tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa do giảm giá trị của đồng tiền trong nước so với các quốc gia khác. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành công nghiệp xuất khẩu.
  • Cho phép Chính phủ có thể lựa chọn nhiều công cụ kích thích đầu tư vào những ngành kém ưu tiên. Qua đó giúp phân phối lại nguồn thu nhập và nguồn lực xã hội.

Biện pháp khắc phục lạm phát hiệu quả

  • Giảm bớt lượng tiền lưu thông bằng cách ngừng phát hành tiền, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Ngân hàng Trung Ương bán ngoại tệ và vàng cho Ngân hàng Thương mại.
  • Tăng lãi suất tái chiết khấu, tiền gửi để làm tăng giá trị tiền tệ và làm giảm sự lạm phát. 
  • Tăng quỹ hàng hóa tiêu dùng để cân bằng với lượng tiền đang lưu thông. Ví dụ khuyến khích tự do mậu dịch, giảm thuế,...
  • Kiềm chế chi tiêu công và giảm thâm hụt ngân sách của Chính phủ. Giúp giảm sự gia tăng cung tiền và kiềm chế lạm phát.
  • Đi vay các nguồn viện trợ từ nước ngoài.
  • Thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư vào các ngành kinh tế để có thể tăng cung hàng hóa và dịch vụ, giảm sự áp lực tăng giá.
Lạm phát là gì? Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp kiểm soát lạm phát Cần hiểu rõ lạm phát là gì để đưa ra những biện pháp kiểm soát thích hợp

Kết luận

Trên đây là toàn bộ những thông tin giải đáp cho câu hỏi “Lạm phát là gì?” cũng như những vấn đề xoay quanh như nguyên nhân, ảnh hưởng, cách kiểm soát. Lạm phát là một yếu tố vĩ mô quan trọng, tồn tại trong suốt vòng tuần hoàn kinh tế. Không phải lúc nào lạm phát cũng là xấu, nếu duy trì ở mức phù hợp thì có thể thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhà đầu tư cần quan tâm đến lạm phát là gì để quản lý tài chính thật tốt và tận dụng cơ hội để đầu tư hiệu quả.

Một số câu hỏi về lạm phát

Tại sao lạm phát tăng thì lãi suất tăng?

  • Khi Ngân hàng nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách giảm lãi suất cơ bản. Thì lãi suất các khoản vay cũng giảm theo. Người dân sẽ quan tâm hơn đến vay vốn, làm tăng lượng tiền lưu thông. Nếu mức cung tiền quá cao sẽ khiến giá đồng tiền trong nước bị thấp đi. Dẫn đến tỷ lệ lạm phát tăng.
  • Khi lạm phát tăng, đồng tiền sẽ mất giá. Lúc này Ngân hàng Trung ương sẽ áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt và kiềm chế lạm phát. Một trong những biện pháp thường được dùng là tăng lãi suất, giảm cung tiền. Từ đó làm giảm áp lực lên giá cả và kiểm soát được lạm phát.
Lạm phát là gì? Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp kiểm soát lạm phát Mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất là cùng chiều và tác động qua lại với nhau

Lạm phát có nên mua vàng hay không?

Đầu tư vào vàng là lựa chọn an toàn vì sự bền vững và giá trị tài sản lâu dài. Nhiều người không biết khi lạm phát nên đầu tư gì thì thường chọn đầu cơ tích trữ vào vàng. Điều này cũng kéo theo xu hướng tăng cao của giá vàng trong thời gian tới.

Song, việc đầu tư vào vàng không đảm bảo đem lại lợi nhuận vì khả năng tăng trưởng khá mỏng. Việc bán vàng để thu hồi vốn cũng có thể gặp khó khăn và mất thời gian. Đặc biệt là trong một thị trường không thanh khoản.

Tại sao in tiền gây lạm phát?

In thêm tiền sẽ làm lượng tiền tăng. Thế nhưng sản phẩm, dịch vụ không tăng theo tương ứng với số tiền in. Khiến giá trị của tiền tệ giảm. Từ đó làm tăng cầu và tạo ra áp lực giá, dẫn đến lạm phát.

Ví dụ, hiện tại có thể sản xuất được 1.000 sản phẩm với giá 300 USD/sản phẩm. Ngân hàng Nhà nước phát hành thêm 300.000 USD và bơm vào thị trường. Lúc này, nền kinh tế có 600.000 USD nhưng vẫn chỉ sản xuất được 1.000 sản phẩm. Như vậy, mỗi sản phẩm sẽ tăng giá lên thành 600 USD.

Lạm phát là gì? Nguyên nhân, ảnh hưởng và giải pháp kiểm soát lạm phát Việc in tiền vô tội vạ có thể khiến nền kinh tế bị tăng trưởng ảo. Nguy cơ khiến nền kinh tế bị sụp đổ dây chuyền

Tuy nhiên, nguyên nhân lạm phát là gì không chỉ xuất phát từ việc in tiền. Vấn đề này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ví dụ như cung và cầu, tình hình kinh tế toàn cầu, chính sách tài khóa của Chính phủ,...

Huỳnh Hà

Investo - Kênh thông tin chứng khoán Mỹ và chứng khoán thế giới hàng đầu Việt Nam. Theo dõi thêm tin tức về các cổ phiếu tiềm năng và thông tin thị trường tài chính khác tại Investo.

Ý kiến